Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm

Đề án “Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam với các ngành liên quan” đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1939/QĐ-TTg phê duyệt ngày 31-12-2019 vừa qua.

Thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được xem là “chỉ số” quan trọng phản ánh thực chất nhất công tác cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu là sự hài lòng của cá nhân, tổ chức mà BHXH Việt Nam đã phấn đấu thực hiện trong nhiều năm qua.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử

Đề án đặt ra mục tiêu chung là xây dựng và triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hoàn thiện, mở rộng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm bảo đảm dữ liệu được thu thập, xác minh và quản trị một cách đầy đủ, chính xác để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia có liên quan.

Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là đẩy mạnh thanh toán điện tử (nhất là phương thức thanh toán mà số đông người dân có thể tiếp cận sử dụng) và các điều kiện bảo đảm thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2020 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành bảo hiểm đạt tối thiểu 70%; năm 2021 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tối thiểu 85% và 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị; triển khai giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Để thực hiện có kết quả các chỉ số, chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý của BHXH Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngành BHXH phải rà soát cắt giảm, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho quá trình thực hiện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt mục tiêu cắt giảm 25% số thủ tục hành chính lĩnh vực chính sách BHYT; 25% số thủ tục hành chính lĩnh vực chi trả BHXH; tối thiểu 20% số tiêu thức, thành phần hồ sơ, biểu mẫu so với năm 2018.

Đồng thời, một mục tiêu quan trọng mà Đề án đặt ra là phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về bảo hiểm, phục vụ công tác của các ngành: BHXH, y tế, lao động - thương binh và xã hội và các ngành liên quan bảo đảm sự đồng bộ với các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia có liên quan, góp phần tạo cơ sở nền tảng phát triển Chính phủ điện tử...

Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng và vận hành CSDL điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước và tạo lập CSDL quốc gia về bảo hiểm, bao gồm các dữ liệu về BHYT và y tế; bảo đảm các quy định kỹ thuật và quy định của pháp luật; trên cơ sở đó cung cấp các dịch vụ dữ liệu để kết nối, chia sẻ một cách rộng rãi và chuẩn hóa với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan, bảo đảm yêu cầu khai thác dữ liệu phục vụ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy định...

Chủ động thực hiện các giải pháp

Đề án cũng xác định rõ hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà BHXH Việt Nam, cũng như các bộ, ngành liên quan cần tập trung triển khai thời gian tới. Theo đó, phải tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT và kết nối, khai thác các CSDL của các bộ, ngành; đẩy mạnh thanh toán điện tử và bảo đảm các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đồng thời đẩy mạnh xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Với yêu cầu và các mục tiêu đặt ra, ngành BHXH trong thời gian qua, đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, như: giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản…

Trong năm 2019, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tổng số TTHC của ngành tiếp tục được cắt giảm từ 28 xuống còn 27 thủ tục; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử, hiện nay Hệ thống giao dịch điện tử BHXH đang thực hiện cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4... Đặc biệt, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 13.000 (gần 100%) cơ sở khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc, mang lại hiệu quả lớn trong quản lý khám, chữa bệnh, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập CSDL quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách...

Đối với việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng cho biết, ngay từ thời điểm năm 2014, sau khi Luật BHXH được sửa đổi, BHXH Việt Nam đã áp dụng CNTT vào xây dựng hệ thống CSDL và đem lại kết quả cao. Đặc biệt, sau cuộc điều tra dân số tham gia BHYT theo hộ gia đình, hiện nay, BHXH Việt Nam đã thu thập thông tin CSDL của gần 97 triệu người dân của 24 triệu hộ gia đình và đã chuẩn hóa thông tin cá nhân cơ bản của 86 triệu người để tiến tới cấp mã để họ có thể đi khám, chữa bệnh BHYT được thuận lợi. Với 11 triệu người còn lại, do chưa tham gia vào hệ thống BHXH, cho nên BHXH Việt Nam đang chuẩn hóa định danh thông tin, tiếp tục hoàn thiện CSDL quốc gia...

Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án; thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các giải pháp và phân công trong Đề án đối với CSDL quốc gia về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương kết nối với CSDL quốc gia về bảo hiểm; tiếp nhận và xử lý các yêu cầu kết nối, chia sẻ khai thác dữ liệu của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nâng cấp, hoàn thiện hệ thống CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia do đơn vị quản lý bảo đảm tiếp nhận các kết nối khai thác dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo các quy định, hướng dẫn về kết nối các hệ thống thông tin, CSDL với CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp BHXH Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu do các bộ, ngành, địa phương quản lý với CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Cũng tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp về kỹ thuật với BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp BHXH Việt Nam tạo lập, cung cấp, cập nhật, bổ sung, chỉ đạo cập nhật, bổ sung các thông tin liên quan cần thiết cho CSDL quốc gia về bảo hiểm; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội với CSDL quốc gia về bảo hiểm; nghiên cứu áp dụng thẻ điện tử, tích hợp các thông tin của người dân để dùng chung trong lĩnh vực bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội.