Lăng kính an sinh

Công nghệ “phục vụ” an sinh

An sinh xã hội đang được hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến "Chuyển đổi lực lượng lao động sang môi trường kỹ thuật số", do Hiệp hội An sinh xã hội thế giới (ISSA) tổ chức ngày 19-11 vừa qua.

Theo ISSA, những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ đã đưa thế giới đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong cuộc cách mạng mới này, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, kết nối vạn vật (Internet of Things), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ Blockchain, điện toán đám mây..., không chỉ giúp con người và máy móc có thể kết nối và giao tiếp, mà còn thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các mô hình và quy trình sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ, thậm chí là tác động đến cách con người sống cũng như tạo ra cuộc sống…

Về phần mình, các tổ chức an sinh xã hội cũng đang phải đối mặt với một môi trường hoạt động có nhịp độ nhanh và những đòi hỏi ngày càng khắt khe. Ðể đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng về mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội, những thay đổi nhanh chóng về xã hội, nhân khẩu học, thị trường lao động và việc khách hàng ngày càng tự chủ trong các hoạt động liên quan đến kỹ thuật số..., các tổ chức an sinh xã hội trên khắp thế giới phải có những giải pháp chuyển đổi phù hợp.

Trên thực tế, những điều kiện khách quan và đòi hỏi nội tại đó đã giúp nhiều tổ chức nhanh chóng đưa ra các phản ứng chiến lược và công cụ sáng tạo để phục vụ mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Dựa trên nền tảng các công nghệ mới, các tổ chức đã cung cấp ngày càng nhiều lợi ích và dịch vụ, tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường ngày càng nhiều yếu tố phức tạp, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 mà thế giới đang phải đối mặt. Với sự kết hợp các yếu tố đó, các chuyên gia cho rằng, an sinh xã hội mà trực tiếp là những người dân, người lao động nằm trong hệ thống an sinh đang được hưởng nhiều lợi ích từ công nghệ.

Có một sự "trùng hợp" khá thú vị là ngay trước hội thảo quốc tế này ít ngày, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một trong những thành viên tích cực, đã từng được nhận nhiều giải thưởng của ISSA về ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý và nghiệp vụ, đã chính thức cho ra mắt ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" trên nền tảng thiết bị di động thông minh dành cho cá nhân trên hai kho ứng dụng phổ biến toàn cầu là Google Play và AppStore.

Chỉ cần có một thiết bị di động thông minh, thông qua ứng dụng này, người dân dễ dàng theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) hay tra cứu các thông tin như mã số BHXH, cơ quan BHXH và hơn 12 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc và các điểm thu, đại lý thu... Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ tư vấn trực tuyến 24 giờ trong tất cả các ngày để giải đáp cho người dân về những vấn đề liên quan đến chính sách và thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; cung cấp các tin tức hoạt động của ngành BHXH..., giúp người sử dụng hiểu rõ hơn về lợi ích, quyền lợi được hưởng cũng như cách thức tham gia BHXH, BHYT. Và trong tương lai gần, người dân trên toàn quốc cũng sẽ được sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy như hiện nay và tiếp đó là sử dụng sổ BHXH điện tử cũng như một số tiện ích khác như thanh toán trực tuyến…

Có thể thấy, với một ứng dụng rất dễ tiếp cận như "VssID - Bảo hiểm xã hội số", chắc chắn người bệnh sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí so với việc giải quyết những "đầu việc" đó theo cách thức truyền thống. Ðiều đó cũng cho thấy những hiệu quả to lớn của tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội thông qua ứng dụng Big Data, AI hay mở rộng kết nối giữa các hệ thống và tổ chức dựa trên khả năng tương tác và công nghệ Blockchain… Tất nhiên, để đẩy nhanh được tiến trình đó, để công nghệ ngày càng phục vụ tốt hơn các mục đích an sinh, vấn đề quan trọng nhất là các tổ chức an sinh xã hội phải ý thức rất rõ những thách thức, cơ hội để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp.