Có cần ủy thác thu để mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội?

Trong những năm qua, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, BHXH tự nguyện phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn dưới mức tiềm năng. Đây là vấn đề được BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng đặt ra tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu vấn đề ủy thác thu BHXH.

Hội thảo lấy ý kiến về việc nghiên cứu vấn đề ủy thác thu bảo hiểm xã hội. Ảnh: THANH HẰNG
Hội thảo lấy ý kiến về việc nghiên cứu vấn đề ủy thác thu bảo hiểm xã hội. Ảnh: THANH HẰNG

Chưa tương xứng tiềm năng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam đánh giá về kết quả nghiên cứu ủy thác thu BHXH, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng bình quân hằng năm từ 6 - 8%. Năm 2018, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng gần 860 nghìn người so với năm 2017; tỷ lệ bao phủ BHXH bắt buộc đạt hơn 29,8% và số người tham gia BH thất nghiệp tăng hơn 1,1 triệu người so năm 2017, tỷ lệ bao phủ BH thất nghiệp đạt 26,1% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Cùng với đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng bình quân hằng năm từ 20 đến 30%. Đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 270 nghìn người, bằng 0,55% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, trong sáu tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên 411 nghìn người, tăng hơn 130 nghìn người so với năm 2018, bằng gần 60% so với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của 11 năm trước và đạt hơn 0,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn dưới mức tiềm năng. Dữ liệu của cơ quan thuế cho thấy, năm 2018 có gần 205 nghìn đơn vị chưa tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và còn hơn 250 nghìn đơn vị chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động với số lao động, cá nhân có thu nhập cần phải rà soát khoảng 3,5 triệu người. Hiện nay, theo số liệu cơ quan Thuế cung cấp, có khoảng 18 triệu lao động, cá nhân có thu nhập nhưng cơ quan BHXH mới đang quản lý thu BHXH, BHYT bắt buộc hơn 14,4 triệu người. Cùng với đó, số lao động là người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hơn 500 nghìn người, nhưng mới chỉ có hơn 6.000 người đang tham gia BHXH bắt buộc, chiếm khoảng 1,2% số người thuộc diện phải tham gia. Hiện nay, cả nước có hơn 25 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng mới có hơn 460 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện...

Một trong những khó khăn của việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm là do tình trạng doanh nghiệp lách luật đóng không đúng số tiền BHXH, BHYT bắt buộc; tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT trong các đơn vị thuộc khối doanh nghiệp, hợp tác xã và khối ngoài công lập còn lớn với thời gian nợ kéo dài. Số liệu cho thấy, năm 2016, số tiền nợ BHXH bắt buộc là 7.651 tỷ đồng, trong đó, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 899,6 tỷ đồng (chiếm 11,76%), của khối doanh nghiệp FDI là 1.077,8 tỷ đồng (chiếm 14%) và của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 5.109 tỷ đồng (chiếm 67% tổng nợ). Đặc biệt, số tiền nợ BHXH, BHYT của doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động từ nhiều năm trước, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn không còn tài sản, tài chính để trả nợ BHXH, BHYT lên tới gần 24 nghìn đơn vị, với số tiền nợ hơn 2.902 tỷ đồng, làm ảnh hưởng quyền lợi của hơn 76 nghìn người lao động...

Ủy thác thu BHXH là cần thiết?

Tại hội thảo, đánh giá về Đề án ủy thác thu BHXH, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính Hoàng Trần Hậu nhận định, pháp luật về BHXH nói riêng và luật pháp Việt Nam nói chung đã quy định đầy đủ việc thực hiện BHXH cho các đơn vị, nhưng mới chỉ áp dụng đối với khu vực công. Kinh nghiệm quốc tế đã quy định việc ủy thác thu BHXH cho các đơn vị; trong khi đó tại Việt Nam, ngành thuế cũng đang làm, tuy nhiên đối tượng của BHXH lớn hơn so với thuế và khối lượng công việc của cơ quan BHXH cũng nhiều hơn, do ngành BHXH vừa quản lý số người lao động, vừa quản lý thu - chi... Đây là xu hướng hiện đại để quản lý ủy quyền một phần công việc, vì vậy đề án cần bổ sung bằng các dữ liệu, phân tích con số chứng minh, phần kinh phí thực hiện ủy thác thu dự kiến tăng thêm bao nhiêu và thực hiện tăng số thu BHXH bao nhiêu, mở rộng thêm được bao nhiêu đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, đề án cần phải nói rõ nhiệm vụ của từng bộ, UBND các cấp để các địa phương căn cứ vào đó thực hiện, không chỉ chia sẻ dữ liệu mà còn phối hợp triển khai.

Từ góc độ cơ quan thực hiện chính sách BHXH tại địa phương, Trưởng phòng Quản lý Thu (BHXH Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Quốc Thanh cho rằng, ủy thác thu là cần thiết. Bởi với địa bàn rộng, số dân đông và có nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động, cho nên khối lượng công việc của cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Trong chín tháng, BHXH thành phố tiến hành thu BHXH của gần 2,4 triệu người lao động, chiếm 56,2% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và hơn 7,3 triệu người tham gia BHYT, với tổng số thu 46 nghìn tỷ đồng.

BHXH Thành phố Hồ Chí Minh đã có quy chế phối hợp Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2018, Cục Thuế chuyển dữ liệu 246 nghìn doanh nghiệp sang cơ quan BHXH, trong khi cơ quan BHXH mới đang quản lý gần 120 nghìn doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, còn khoảng 145 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ với vài lao động. Trong khi đó, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 330 cán bộ làm công tác thu BHXH, bình quân mỗi cán bộ BHXH phải quản lý theo dõi 360 doanh nghiệp và khoảng 2.200 lao động. Số lượng cán bộ BHXH không tăng, nhưng với 145 nghìn doanh nghiệp phải khai thác thêm là vấn đề rất khó, cho nên công việc này cần giao tổ chức dịch vụ công để hỗ trợ, nhất là trong giai đoạn biên chế của ngành không tăng, thậm chí phải giảm, ông Nguyễn Quốc Thanh nhận định.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, Chính phủ ban hành Nghị quyết 125 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và đã giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu vấn đề ủy thác thu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện, BHXH Việt Nam phối hợp các bộ, ngành lập tổ nghiên cứu vấn đề này để triển khai nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ thu, nội dung ủy thác và cách thức ủy thác… Đề án ủy thác thu BHXH được triển khai sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH thực hiện tốt nhiệm vụ.