Lăn kính An Sinh

Cần hiểu đúng về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Mấy ngày qua, những dòng tít được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng, như: "Ðề xuất nâng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu bằng 70% thu nhập"; "Ðề xuất nâng mức đóng BHXH tối thiểu bằng 70% bình quân tổng thu nhập"; "Ðóng BHXH bằng 70% bình quân tổng thu nhập"... đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Không ít người lao động, doanh nghiệp còn băn khoăn, lo lắng, bởi nếu những thông tin đó là chính xác cũng có nghĩa, mức đóng BHXH sẽ có thể chiếm gần hết thu nhập của người lao động. Có lẽ, trong điều kiện bình thường, đó cũng đã là điều khó có thể chấp nhận, huống chi đề xuất này lại ra đời trong bối cảnh cả nước đang "gồng mình" chống chọi dịch Covid-19 và ảnh hưởng tiêu cực của nó.

Tuy nhiên, khác hẳn với thông tin đáng "giật mình" từ những dòng tít được phóng to, in đậm với mục tiêu gây chú ý, nội dung các bài báo đã diễn giải cụ thể rằng, "70% thu nhập" hay "70% bình quân tổng thu nhập" nêu trên chỉ là căn cứ để tính mức đóng BHXH theo tỷ lệ luật định. Và đây mới chỉ là kiến nghị của BHXH Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về BHXH, nhằm thể chế hóa nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về cải cách chính sách BHXH.

Cần phải làm rõ rằng, nội dung kiến nghị cụ thể hóa của BHXH Việt Nam chính là nội dung cải cách thứ tám trong Nghị quyết số 28, đó là: "Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động", với mục tiêu "… để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động".

Trên thực tế, theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Ðiều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLÐTBXH ngày 16-11-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) (không bao gồm một số khoản chế độ và phúc lợi đã được quy định cụ thể). Mặc dù vậy, tại Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 (giai đoạn 2016-2020) được công bố mới đây, Bộ LÐ-TB và XH đã nêu rõ một thực trạng: Ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại ba "loại" thu nhập, gồm: Thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH; thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động. Trong đó, thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất!

Từ góc độ cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cũng cho biết, ngoài mức lương thấp là căn cứ đóng, hiện không ít doanh nghiệp đưa ra rất nhiều khoản thu nhập khác, như: khoán sản phẩm (ngoài định mức lương), tăng năng suất lao động tính theo tỷ lệ %, hỗ trợ tiền nhà, tiền điện thoại, xăng xe, chuyên cần… để giảm mức đóng BHXH cho người lao động. Với nguyên tắc đóng - hưởng, hậu quả trực tiếp từ việc đóng BHXH không đủ mức quy định sẽ làm giảm mức hưởng các chế độ BHXH, nhất là mức hưởng lương hưu khi về già của người lao động. Chính vì vậy, nếu hiểu đúng về mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, chúng ta có thể thấy, chủ trương của Ðảng cũng như kiến nghị của cơ quan chức năng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Nam Việt