Bảo vệ trẻ em trong bối cảnh phát triển đô thị

Những tác động của đô thị hóa, di dân, biến đổi khí hậu, áp lực do thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, việc làm, an sinh xã hội... đã mang lại nhiều thách thức và tác động đến trẻ em. Để thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam, chính quyền các thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác, nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực và kinh nghiệm trong thực hiện quyền trẻ em.

Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ sáu trong khu vực có số dân đô thị lớn nhất Ðông Á, với hơn 32 triệu người, trong đó trẻ em chiếm 26%. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có khoảng 52 triệu người sống ở các khu vực đô thị. Do đó, vấn đề cho trẻ em đô thị đã và đang trở thành ưu tiên chính trong Chương trình nghị sự cho trẻ em ở cấp quốc gia và địa phương. Ðể thúc đẩy và bảo đảm cuộc sống có chất lượng cho trẻ em dễ bị tổn thương, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng đã phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em. Ðây là hai địa phương dành nhiều hỗ trợ và tạo điều kiện cho trẻ em tham gia hoạt động thông qua các cơ chế được thiết lập; cam kết xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với trẻ em trong các chính sách, hành động của chính quyền địa phương.

TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Thành phố hiện có 125 tổ chức cộng đồng và 109 đơn vị tư vấn; đã thành lập 1.760 đội tư vấn cộng đồng do hội phụ nữ ở các nhóm dân cư kiểm soát để tư vấn về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trên địa bàn. Xây dựng và mở rộng bốn mô hình dựa vào cộng đồng để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được đi học, phẫu thuật tim miễn phí, trẻ em có dị tật bẩm sinh để được phẫu thuật chỉnh hình, tránh bị xâm hại hay lao động cực nhọc, phòng ngừa và hỗ trợ pháp lý trẻ vị thành niên phạm tội… Với dự án "Bạn hữu trẻ em" đã giúp TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục; cũng như sáng kiến xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em...

Những năm qua, TP Ðà Nẵng đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực, phòng, chống suy dinh dưỡng, tai nạn thương tích, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thành phố đã triển khai các mô hình, dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như: Phường, xã làm tốt công tác xã hội với trẻ em; huy động cộng đồng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật…

Tuy nhiên, hiện nay, Ðà Nẵng vẫn đang đứng trước khó khăn, thách thức của quá trình đô thị hóa, các dịch vụ trợ giúp xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng tăng; vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, trẻ bị xao nhãng trong chăm sóc, nuôi dạy; vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ trong thế giới công nghệ số, môi trường mạng cần được quan tâm giải quyết. Vì vậy, Ðà Nẵng sẽ tập trung phát triển công tác trẻ em phù hợp tình hình phát triển đô thị của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Thời gian tới, Ðà Nẵng xây dựng và hoàn thiện mạng lưới cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em; nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ em, nhất là việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trong bối cảnh phát triển đô thị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều hội thảo, qua đó thảo luận về các giải pháp, sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em; tham vấn các vấn đề trẻ em trong bối cảnh đô thị để xây dựng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em. Trong đó, việc mở rộng quan hệ đối tác giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, phối hợp liên ngành… góp phần quan trọng trong việc phát huy cao nhất nguồn lực và kinh nghiệm trong thực hiện quyền trẻ em. Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Ðặng Hoa Nam nhấn mạnh, chính quyền các đô thị cần chú trọng việc đầu tư, quy hoạch phát triển cơ sở vật chất bảo đảm các quyền của trẻ em; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các quyền trẻ em vào quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội giải quyết các vấn đề trẻ em hợp tác công tư và vận động phát triển dịch vụ công.

Với những kết quả bước đầu đã đạt được, hy vọng rằng ngày càng có nhiều hơn nữa các đô thị tại Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố thân thiện với trẻ em. Qua đó, góp phần giải quyết các vấn đề trẻ em trong bối cảnh đô thị một cách có hệ thống và toàn diện, bảo đảm cho các em quyền được chăm sóc, bảo vệ để phát triển.