Bảo đảm hài hòa các yếu tố khi tăng giờ làm thêm

Theo kinh nghiệm quốc tế, ở các nước càng giàu, giờ làm việc càng ngắn, nước càng nghèo, giờ làm việc càng dài. Nước có năng suất lao động càng cao, số giờ làm việc của người lao động (NLÐ) càng thấp, và ngược lại. Số giờ làm việc của NLÐ cao hay thấp phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố kinh tế, xã hội, bên cạnh các yếu tố khác như sức khỏe, điều kiện lao động, môi trường...

Trong bối cảnh Việt Nam, với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp, khoảng 2.340 USD năm 2017, năng suất lao động còn ở mức thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp như lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, thủy sản, da giày, chế biến gỗ còn tương đối lớn, thì việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là dựa trên nhu cầu có thực.

Thực tiễn cho thấy, một bộ phận không nhỏ NLÐ mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng họ gặp khó trong tuyển dụng NLÐ nếu không có cam kết tổ chức làm thêm giờ. Thậm chí nếu DN không cam kết làm thêm giờ, NLÐ sẽ bỏ việc để chuyển sang DN có tăng ca, thêm giờ. Do đó, việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm để bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất cho người sử dụng lao động, nhằm tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực là điều cần thiết.

Tuy nhiên, các chuyên gia về lao động, công đoàn cho rằng, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm cần đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như: việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLÐ, an toàn lao động, các vấn đề về xã hội và cả xu hướng của thế giới hiện nay là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi. Quy định về giờ làm thêm cần đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền lương của DN, bảo đảm quyền lợi của NLÐ, tránh việc DN lợi dụng tăng giờ làm thêm để trả lương thấp, buộc NLÐ không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải làm thêm giờ mới có thu nhập nhằm trang trải cuộc sống. Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, bảo đảm tái tạo kịp thời sức lao động cho NLÐ. Thực tế cho thấy, số giờ làm thêm tăng tỷ lệ thuận với lợi ích DN thu được.

Trong khi đó, NLÐ dù tăng thu nhập nhưng lại phải đối mặt nhiều nguy cơ và chi phí phát sinh từ việc làm thêm ngoài giờ như chi phí tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái, nguy cơ tai nạn lao động, bị quấy rối, bạo hành. Cũng theo các chuyên gia, việc đưa ra phương án trả lương lũy tiến làm thêm giờ ở mức lương cao hơn do hai bên thỏa thuận là không khả thi. Bởi trong quan hệ lao động, NLÐ luôn ở vị thế yếu hơn, đặt trong bối cảnh mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu lao động. Trong khi đó, năng lực thương lượng, thỏa thuận của NLÐ và của tổ chức công đoàn hiện còn nhiều hạn chế.

Nhằm tránh tình trạng người sử dụng lao động "vắt sức" NLÐ để làm thêm giờ trong một khoảng thời gian dài, các chuyên gia lao động công đoàn cho rằng, cần tiếp tục duy trì giới hạn trần làm thêm giờ trong một tháng. Tuy nhiên, có thể xem xét nới rộng giờ làm thêm tối đa trong tháng. Do đó, cùng với việc mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm, việc xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ "48 giờ trong một tuần" xuống "44 giờ trong một tuần" vào thời điểm hiện nay là cần thiết và có cơ sở.

Việc giảm thời gian làm việc bình thường nhằm bảo đảm hài hòa các yếu tố sức khỏe, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho NLÐ, tạo động lực để doanh nghiệp cải tiến trang thiết bị, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.