Đã có phương pháp hiệu quả điều trị rối loạn nhịp tim khó

NDO -

NDĐT - Áp dụng công nghệ lập bản đồ giải phẫu điện học ba chiều trong điều trị rối loạn nhịp đạt hiệu quả tới 90% cho người bệnh mắc bệnh lý rối loạn nhịp tim khó.

GS Chen Ming Long thực hiện thủ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện E.
GS Chen Ming Long thực hiện thủ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện E.

Hiệu quả điều trị đạt đến trên 90%

Với sự hỗ trợ của GS Chen Ming Long, Bệnh viện tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cùng đông đảo các bác sĩ chuyên ngành tim mạch đến từ các Bệnh viện E, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Quân Y 103… vừa qua, Bệnh viện E đã thực hiện thủ thuật cắt đốt cho bốn trường hợp rối loạn nhịp phức tạp bằng công nghệ lập bản đồ giải phẫu điện học của tim trong không gian ba chiều.

Hai bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được thực hiện thủ thuật này đều mắc rối loạn nhịp, xuất hiện phẫu thuật điều trị tim bẩm sinh. Sau khi những cấu trúc giải phẫu bất thường của trẻ đã được các bác sĩ cứu chữa bằng phương pháp phẫu thuật thì bệnh nhân vẫn bị rối loạn nhịp. Bệnh nhân vẫn cảm thấy cơn khó thở và tim đập không đều. Các bác sĩ thăm khám và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm thêm thì phát hiện rối loạn nhịp có nguy cơ suy tim. Các bác sĩ quyết định tìm vị trí gây ra rối loạn nhịp, sau đó xử lý can thiệp triệt để bằng năng lượng RF.

Bệnh nhân Đoàn Thị Tứ (70 tuổi, ở Bắc Ninh) được chẩn đoán rung nhĩ cơn – ngoại tâm thu nhĩ ổ. Bệnh nhân phát hiện bệnh rung nhĩ cơn cách đây một năm và đã được sử dụng thuốc chống rối loạn nhịp trong một thời gian dài nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân được hội chẩn can thiệp bằng kỹ thuật mới này.

Trong hơn bốn giờ đồng hồ, các bác sĩ thiết lập đường vào thông qua đường mạch máu tiếp cận buồng tim. Các bác sĩ tiến hành dựng hình buồng tim theo không gian 3 chiều. Sau đó các bác sĩ đánh dấu các bị trí giải phẫu và các vùng nghi ngờ, tiến hành cô lập các vùng gây rối loạn nhịp bằng năng lượng RF.

Một bệnh nhân nam 18 tuổi, Bắc Giang có bệnh lý nhịp nhanh thất không bền bỉ, được các bác sĩ xác định bị rối loạn nhịp thất với mức độ nhiều gây ra giãn buồng tim và suy tim. Các bác sĩ đã thực hiện can thiệp lần một với phương pháp 2D cách đây một tháng. Kết quả sau khi thủ thuật các bác sĩ đã loại bỏ ổ gây rối loạn nhịp cho bệnh nhân. Nhưng sau ba tuần, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng trở lại, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và xác định rối loạn nhịp nặng chỉ có thể điều trị triệt để bằng phương pháp áp dụng công nghệ lập bản đồ giải phẫu điện học ba chiều.

Đã có phương pháp hiệu quả điều trị rối loạn nhịp tim khó ảnh 1

Kỹ thuật mới đạt hiệu quả chữa bệnh tới 90%.

ThS, BS Vũ Văn Bạ, Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, việc điều trị rối loạn nhịp phức tạp cho các bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ, nhịp nhanh nhĩ... hiện nay phụ thuộc vào việc dùng thuốc. Tuy nhiên, hạn chế của việc sử dụng thuốc là chỉ có thể điều trị triệu chứng, không thể trị bệnh triệt để.

Do đó, với việc sử dụng phương pháp áp dụng công nghệ lập bản đồ giải phẫu điện học ba chiều cho thấy hiệu quả điều trị đạt đến trên 90%, xử lý triệt để các bất thường về cấu trúc và về nhịp tim. "Đặc biệt, công nghệ này sẽ giảm bớt sốc, tai biến mạch máu não, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh”, BS Bạ cho hay.

Khi nào cần tầm soát bệnh tim mạch

ThS, BS Vũ Văn Bạ cho biết, rối loạn nhịp (hay còn gọi là rung nhĩ) là một trong những bệnh tim mạch phổ biến, thường khiến tim đập không đều và nhanh. Ở những người mắc rung nhĩ, tâm nhĩ đập không đều, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, rung nhĩ làm tăng gấp 5 lần nguy cơ đột quỵ, cũng như làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch khác.

Để có thể phát hiện sớm rối loạn nhịp, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đi kiểm tra nhịp mạch định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện nhịp đập bất thường về tần số, nhịp điệu…

Đặc biệt đối với những người trên 40 tuổi hoặc có nguy cơ tim mạch, người lớn trên 65 tuổi cần tầm soát bệnh tim mạch, trong đó xét nghiệm đo điện tâm đồ sẽ giúp phát hiện rung nhĩ và rối loạn nhịp tim.

Để phòng ngừa các bệnh tim mạch cũng như tình trạng rung nhĩ, người dân cần áp dụng lối sống điều độ, lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, có chế độ ăn hợp lý, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, tránh stress...

Với phương pháp điều trị hiệu quả tới 90% mới này, Phó Giám đốc Bệnh viện E – TS, BS Nguyễn Công Hựu cho biết, tới đây Bệnh viện E sẽ đưa kỹ thuật này trở thành thường quy để hy vọng ngày càng nhiều bệnh nhân được hưởng lợi thêm từ tiến bộ kỹ thuật này trong việc điều trị rối loạn nhịp”, TS Hựu nói.