Vượt lũ, tiếp sức cho đồng bào

Quảng Bình đang lũ chồng lũ. Cả tỉnh bị nước ngập sâu, mênh mông giữa biển nước. Dù đã quá quen với mưa lũ và biết cách “sống chung với lũ” song lũ lụt triền miên, trận sau cao hơn, nguy hiểm hơn trận trước làm cho người dân vừa bị thiệt hại vừa phải mệt mỏi gồng mình ứng phó. Trong khó khăn đó ở vùng lũ, người lính biên phòng luôn chung sức, chung tay hỗ trợ, sẻ chia. 

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cứu trợ lương thực cho bà con vùng biên giới do mưa lũ.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cứu trợ lương thực cho bà con vùng biên giới do mưa lũ.

1. Quảng Bình đang mưa rất to, trận lũ đặc biệt lớn, vượt qua mốc lũ lịch sử năm 1979 đang xảy ra. Chiều 18-10, thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, mưa lũ gây nên trận lụt với mức đặc biệt lớn và trên diện rộng ở tỉnh Quảng Bình. Tính đến tối qua 18-10, Quảng Bình có 57.057 nhà bị ngập 1 - 4 m, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt. Các địa phương trong tỉnh di dời gần 500 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nước lũ tại các sông, suối Quảng Bình vẫn đang tiếp tục lên nhanh, đặc biệt sông Kiến Giang (Lệ Thủy) trên mức báo động 3 là 1,60 m, vượt mốc lũ lịch sử 1979 là 0,39 m. Quốc lộ 1A qua Quảng Bình có bốn đoạn lũ ngập sâu, trong đó có đoạn tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh nước ngập tới 1,5 m. Hai nhánh đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, ngập lụt gây chia cắt.

Đầu tháng 10-2020, đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã bị cô lập do lũ lụt làm ngập tuyến đường độc đạo. Mọi hoạt động giao thương giữa người Rục với bên ngoài hầu như bị cắt đứt, gián đoạn suốt một tuần nay. Lũ chưa kịp rút thì trận lũ trong những ngày này ập đến, cao ngập sâu hơn, xiết hơn giữa những núi đá vôi. 

Sau gần hai giờ đồng hồ vượt dòng nước xiết trên chiếc ca-nô của Đồn Biên phòng (ĐBP) Cà Xèng, chúng tôi đội mưa to vào vùng đồng bào Rục. Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long cho biết, bản có 85 hộ, 310 khẩu. Trước trận lũ đầu tiên, xã đã hỗ trợ gạo, ĐBP Cà Xèng cử cán bộ, chiến sĩ về từng nhà để giúp bà con gạo, mì tôm, muối và nước uống. Cùng số lúa thu hoạch vụ hè thu trước đó, bà con yên tâm vì đủ lương thực để ăn. 

Thiếu tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên ĐBP Cà Xèng chia sẻ: “Trước mưa lũ, chúng tôi đã vận chuyển nhiều tấn gạo vào cấp phát cho bà con. Ngoài ra, UBND xã cũng gửi tại ĐBP Cà Xèng 5 tấn gạo dự trữ nhằm chủ động cấp phát cho đồng bào trong trường hợp lũ lụt kéo dài, nguồn lương thực trong dân cạn kiệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của đồn được bố trí phụ trách từng bản để chỉ đạo, hỗ trợ bà con ứng phó lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”. Vào thời điểm này, người Rục của xã Thượng Hóa đang bị cô lập do lũ lụt nhưng đồng bào nơi đây không hề... đơn độc”.

Dù tuyến đường vào vùng Rục nước lũ rất lớn và chia đường thành ba đoạn nhưng một đoàn thiện nguyện vẫn mong muốn được hỗ trợ lương thực và quà cho bà con. Cuối cùng, các chiến sĩ biên phòng đưa ra phương án “trong ra, ngoài vào” để trao, nhận hàng cứu trợ. Phía bên ngoài, nhóm từ thiện bốc hàng từ ô-tô xuống rồi bộ đội dùng thuyền đưa hàng vào một địa điểm cao ráo, thuận lợi nhất; bên trong, bộ đội hướng dẫn các bản phân công một số người dùng thuyền chở xe máy băng qua đoạn ngập nước nông rồi từ đó tiếp tục chạy xe ra “tăng bo” hàng hóa vào phát cho bà con.

2. Tân Sơn là một thôn thuộc xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nằm bên dòng Đại Giang. Bình thường, nơi đây có các bãi bồi ven sông trồng cây tươi tốt song về mùa mưa, lũ nhanh chóng nhấn chìm cả thôn chỉ trong vài giờ đồng hồ. Trước trận lũ đầu tháng 10, ĐBP Làng Mô đã cử bộ đội thông báo, hỗ trợ bà con di dời đến nơi an toàn. Chị Nguyễn Thị Thắm cho biết, gia đình chị và nhiều gia đình trong thôn đã được bộ đội giúp trước khi lũ về. “Thiệt hại là không tránh khỏi nhưng những vật dụng, tài sản cơ bản đã được bộ đội biên phòng (BĐBP) giúp kê chuyển đến nơi an toàn. Sau lũ, bộ đội lại cùng bà con trong thôn tiếp tục dọn dẹp nhà cửa, làm sạch các tuyến đường bị bùn đất vùi lấp để học sinh đến trường!”, chị Thắm kể. 

Theo Bí thư Chi bộ thôn Tân Sơn Nguyễn Văn Lợi, ở những thời khắc nguy nan nhất, BĐBP luôn có mặt kịp thời để giúp dân. Các hộ neo người thường được hỗ trợ di chuyển trước, rồi tài sản cũng được bộ đội buộc chặt nên hạn chế được thiệt hại cho bà con. Lũ rút, cũng nhờ các anh, bà con mới có nước sạch để dùng, thôn, xóm mới mau sạch sẽ. Qua điện thoại, chúng tôi biết Tân Sơn lại ngập, ngấn nước cũ in hằn trên tường nhà bà con đã bị xóa và thiết lập mức nước mới. Cùng với chính quyền địa phương, BĐBP tiếp tục chung sức vượt lũ với bà con ở vùng biên giới Trường Sơn. 

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trước lũ, BĐBP đã giúp bà con chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm tối thiểu trong thời gian 7 - 10 ngày đề phòng trường hợp bị chia cắt. “Với 8 tổ chốt, gần 50 cán bộ, chiến sĩ tại các điểm dọc biên giới và quân số ở các đồn, hằng ngày, chúng tôi đều nắm tình hình để triển khai lực lượng đến với bà con ngay khi có thể tiếp cận được. Hiện, lực lượng duy trì 100% quân số để sẵn sàng triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp, tìm kiếm người mất tích, chăm sóc sức khỏe cho bà con… Khi chúng ta chủ động đối phó, kết hợp với kinh nghiệm của người dân thì thiệt hại sẽ giảm đi”, Đại tá Trịnh Thanh Bình nhấn mạnh.