Vui vì lương tăng

Sau nhiều phiên họp, cuối cùng Hội đồng tiền lương cũng đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%. Dù chưa được như kỳ vọng, nhưng dự báo mức tăng lương từ 150 - 240 nghìn đồng cũng sẽ góp phần cải thiện đời sống của công nhân, lao động.

Dự kiến lương của công nhân, NLĐ có thể tăng thêm từ 150 - 240 nghìn đồng/tháng.
Dự kiến lương của công nhân, NLĐ có thể tăng thêm từ 150 - 240 nghìn đồng/tháng.

Đáp ứng mong chờ của lao động

Không giống như công nhân viên chức, người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) nhận mức lương, thưởng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận lương được căn cứ trên năng suất lao động, sự cống hiến của NLĐ và phải không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Chính bởi vậy, thông tin lương tối thiểu vùng tăng khiến cho nhiều NLĐ rất vui mừng.

Chị Nguyễn Thị Toán (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hiện đang làm công nhân may tại một DN FDI chuyên đóng giày ở Thanh Hóa cho biết, thực tế công ty đang trả mức lương cao hơn nhiều so mức lương tối thiểu vùng Nhà nước quy định (2.920.000 đồng/tháng/lao động). Lương thực nhận cộng phụ cấp các loại của chị một tháng được hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ đóng BHXH cho NLĐ trên mức lương cơ bản, chính là lương tối thiểu vùng.

Còn chị Nguyễn Thị Hòa (32 tuổi) làm tại DN tư nhân chuyên sản xuất mây che đan xuất khẩu đặt tại Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thì cho rằng, nếu không có lương tối thiểu vùng thì DN sẽ cắt xén lương của NLĐ. “Chúng tôi làm trong các DN vừa và nhỏ, không được chủ sử dụng đóng BHXH, thêm vào đó, việc thương lượng tiền lương cũng không có, nên hầu như DN muốn trả lương thế nào thì trả. Chính bởi lẽ đó bao năm nay DN cũng chỉ trả lương bằng mức lương tối thiểu vùng như Nhà nước quy định, chỉ khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng”, chị Hòa nói.

Đấy là chưa kể tới những thiệt thòi của NLĐ khi mà công ty đưa ra những quy định, thí dụ như trừ tiền lương khi đi làm muộn, không bảo đảm đúng nội quy lao động... Nhiều tháng chị và các công nhân trong xưởng đều bị trừ lương. Lương thấp, bị trừ lương, không có thưởng (thưởng Tết, ngày lễ...) khiến cho nhiều công nhân, NLĐ rất bức xúc, nhiều NLĐ bỏ việc giữa chừng. “Với nhiều người, mỗi tháng tăng thêm một hai trăm nghìn không phải là số tiền lớn, nhưng với công nhân lao động sống ở quê, lương thấp như chúng tôi việc tăng thêm một hai trăm nghìn giải quyết được rất nhiều thứ. Chỉ với hai ba trăm nghìn thôi là chị em tôi đủ tiền ăn ca trưa của cả tháng”, chị Hòa chia sẻ.

Lương tối thiểu gánh nhiều trọng trách

Mặc dù tiền lương tối thiểu được hiểu là mức lương sàn thấp nhất cho các vùng để DN và NLĐ căn cứ vào đó để đàm phán lương cho công nhân, NLĐ nhưng thực tế, lương tối thiểu hiện giờ đang gánh quá nhiều trọng trách.

Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, thực tế mức lương mà DN đang trả cho NLĐ cao hơn nhiều lần lương tối thiểu. Với DN FDI hoặc DN tư nhân làm ăn phát đạt mức trả lương thậm chí còn cao gấp 5 - 10 lần mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, đó chỉ là mức trả lương cho cán bộ, phụ trách còn phần đa công nhân, NLĐ sản xuất trực tiếp trong các DN mức lương chỉ nhích hơn một chút so mức lương tối thiểu vùng.

Từ thực tế ấy, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn khu chế xuất Hà Nội đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu sao, Bộ LĐ-TB&XH và Hội đồng tiền lương quốc gia cứ khảo sát, họp hành mãi để quy định mức tăng lương tối thiểu hằng năm, mà tăng bao nhiêu năm rồi thì lương tối thiểu vẫn thấp hơn hơn mức lương DN đang trả cho NLĐ. Điều này dẫn tới sự lình xình, tranh chấp không đáng có”, ông Thắng nói.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, tăng lương tối thiểu sẽ gây áp lực cho DN, nhưng đó là động lực cho NLĐ để có điều kiện cống hiến. Trong bối cảnh hội nhập, giải quyết thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, chính sách tiền lương thấp quá thì phía hưởng lợi là các doanh nghiệp FDI.

“ NLĐ kỳ vọng lương tối thiểu sẽ tăng khoảng 5,6 - 6,5% (từ 180 - 350 nghìn đồng, song phương án lương tối thiểu vùng năm 2020 chỉ tăng 5,5% (từ 150 - 240 nghìn đồng) cũng có thể chấp nhận được”, ông Lê Đình Quảng nói.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm nay không chỉ đáp ứng được mức sống tối thiểu mà còn vượt lên hơn 0,3%. Khi mà đời sống kinh tế, xã hội được cải thiện thì nhu cầu sống tối thiểu và mức sống tối thiểu cũng sẽ được nâng lên. Và vì thế mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 5,5% là hợp lý với cả NLĐ và người sử dụng lao động.

NĂM 2020 LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG DỰ KIẾN TĂNG 5,5%
Sau hai lần thương lượng căng thẳng, chiều 11-7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5% so 2019. Phương án này được cho là sẽ đáp ứng 103% mức sống tối thiểu cho NLĐ và sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định trong năm nay. Theo đó, năm 2020, lương tối thiểu mỗi tháng ở vùng 1 sẽ tăng từ 4,18 lên 4,42 triệu đồng (tăng 240.000 đồng), vùng 2 tăng từ 3,71 lên 3,92 triệu đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3,25 lên 3,43 triệu đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2,92 lên 3,07 triệu đồng (tăng 150.000 đồng).