Từ năm 2020, chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C không còn giá trị

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, từ ngày 15-1-2020, các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ như đối tượng và điều kiện dự kiểm tra; nội dung kiểm tra, thời lượng, yêu cầu của đề kiểm tra; điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ… theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT sẽ bị loại bỏ.

Tuy nhiên, thông tư mới ban hành nêu rõ: Các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT vẫn có giá trị sử dụng. Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày 15-1-2020 sẽ tiếp tục được thực hiện đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.

Như vậy, sau 26 năm tồn tại, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C ra đời từ năm 1993 (Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30-1-1993 của Bộ trưởng GD&ĐT ban hành Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C) dùng để đánh giá trình độ Anh ngữ của người học tiếng Anh tại Việt Nam.

Sau này, dù có nhiều quy định mới về đánh giá năng lực ngoại ngữ nhưng loại chứng chỉ A, B, C vẫn tồn tại một cách không cần thiết. Những người đi thi lấy loại chứng chỉ A, B, C này đa phần là giáo viên, hoặc đối tượng chuẩn bị thi công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, viên chức. Trong khi đó, việc cấp các chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C từ lâu đã bị thả nổi và không bảo đảm chất lượng, không phản ánh được thực chất năng lực người học. Nhiều người không có kiến thức về ngoại ngữ nhưng có thể dễ dàng nhận được chứng chỉ bằng cách... nộp tiền.

Mới đây, tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội, phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề cán bộ, công chức nói chung, giáo viên nói riêng đang phải “chịu đựng” những quy định rườm rà, phi lý về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, quy định liên quan đến nâng hạng, tiêu chuẩn nghề nghiệp... Tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua thực tiễn, Bộ nhận thấy, với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Bởi những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ GD&ĐT quy định trong chuẩn giáo viên.