Trường nghề tạo sức hút

Dự kiến,  theo quy hoạch, số lượng trường nghề công lập đến năm 2025 giảm ít nhất khoảng 20% so hiện nay, tức là giảm khoảng 250 cơ sở. Bên cạnh đó, sẽ chuyển 30% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập sang thực hiện cơ chế tự chủ. Chính vì thế, giai đoạn này, nhiều trường nghề phải tạo điểm nhấn để khẳng định mình. 

Thực hành nghề Điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Thực hành nghề Điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Doanh nghiệp trực tiếp sát hạch

Đến cuối năm 2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN; tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã có trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng. Gắn kết với doanh nghiệp (DN) được xác định là một trong ba khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN trong giai đoạn hiện nay. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - DN đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục GDNN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với các hiệp hội, tập đoàn, DN lớn trong nước và ngoài nước. 

Cụ thể, nhiều trường nghề còn chủ động gắn kết DN từ quá trình đào tạo. Đơn cử, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội vừa tổ chức thi tốt nghiệp cho 700 sinh viên khóa 2017 - 2020. Bên cạnh các giám thị, tại kỳ thi này còn có sự tham gia của các DN trực tiếp chấm phần kỹ năng nghề của các thí sinh. “Tai nghe không bằng mắt thấy”, các DN chứng kiến chất lượng của sinh viên và không ít sinh viên có cơ hội được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. 

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, trong ba nội dung thi tốt nghiệp, kỹ năng thực hành là phần thi quan trọng nhất. Các em phải mô tả được tất cả quá trình, quy trình thực hiện nội dung yêu cầu của bài thi, thực hiện nhiều kỹ năng kỹ thuật, vận hành máy móc, thiết bị công nghệ cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện bài thi. Hình thức thi này được DN đánh giá cao và hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng đào tạo của nhà trường.

Ông Nguyễn Đăng Khiết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nghiên cứu và chế tạo thiết bị điện lưới miền Bắc tham gia vào quá trình chấm điểm thi tốt nghiệp của nhà trường cho biết: DN đặc biệt chú ý theo dõi và đánh giá phần thi thực hành, bởi đây là nội dung liên quan các vị trí việc làm trong DN. Trong nghề điện, có rất nhiều chi tiết được đánh giá như: đi dây, độ an toàn, gọn gàng, bảo đảm cách điện tốt,…

Về cơ bản, các sinh viên đều nắm chắc cả về lý thuyết và kỹ năng thực tế. Chúng tôi trực tiếp quan sát quá trình thi của các sinh viên, chỉ ra những điểm kỹ năng tốt và chưa tốt để cùng nhà trường đánh giá. Xoáy sâu vào tiêu chí ra trường là phải làm được việc ngay, khi sinh viên nào tự tin trong thi cử, thì DN cũng đã có thể đánh giá được trình độ, kỹ năng chuyên môn. Như vậy, sinh viên đó đã có thể được điền tên tuyển dụng vào vị trí việc làm cụ thể cho lần tuyển dụng tiếp theo. 

Mục tiêu có việc làm khi ra trường

Theo ông Nguyễn Đăng Khiết, từ nhiều năm nay, DN đều nhận sinh viên của Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội về thực tập và đã tuyển dụng nhiều em về làm việc. Mức lương cơ bản từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, DN tạo cơ chế khoán để thúc đẩy năng suất lao động, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động, người năng lực tốt mức lương có thể lên tới 15 - 20 triệu đồng/tháng,…

Ngay trong quá trình đào tạo, DN đã tham gia tất cả các khâu liên quan, từ khâu định hướng, hướng nghiệp cho các em học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp. Hằng năm, DN cùng nhà trường xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với DN, nhu cầu của xã hội. Trong quá trình học tập, sinh viên của nhà trường được đến DN kiến tập, thực tập, kể cả thực tập tốt nghiệp. Giai đoạn cuối cùng là tuyển dụng, bao gồm cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và đánh giá kỹ năng. “Tôi cho rằng, đây là một kỳ thi rất hiệu quả đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói chung và của nhà trường nói riêng. Thông qua kỳ thi này, DN có thêm một lần nữa nhìn nhận trình độ kỹ năng của các ứng viên, từ đó DN sẽ có góc nhìn khách quan hơn để quyết định ký hợp đồng lao động ngay sau khi các học sinh, sinh viên tốt nghiệp”, ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh, sản xuất nhiều nơi đình trệ nhưng một số ngành nghề, học sinh tốt nghiệp tại các cơ sở GDNN vẫn không đủ cung ứng cho DN. Để có được điều này, thời gian qua, mô hình liên kết, phối hợp với DN trong quá trình đào tạo nghề đã trở thành định hướng chiến lược quan trọng của nhiều cơ sở GDNN. Trong đó, mục tiêu ưu tiên tạo việc làm cho sinh viên ngay khi ra trường đã được Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội triển khai rất hiệu quả.