Trong tâm bão số 9

Tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong phòng ,chống bão số 9. Sau bão, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã bảo đảm an toàn cho nhân dân vùng xung yếu, vùng ảnh hưởng của bão đi qua. 

Ông Phạm Văn Thanh dọn dẹp nhà cửa sau khi bão đi qua.
Ông Phạm Văn Thanh dọn dẹp nhà cửa sau khi bão đi qua.

Quyết tâm di dời dân đến nơi an toàn

Nghe thông báo từ loa của UBND, bà Nguyễn Thị Tuyến ở thôn Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) chỉ kịp thu gom vài thứ cần thiết cho người nhà. Cả gia đình bà gồm sáu thành viên phải di dời đến khu nhà ở do xã bố trí. Đùm túm ít quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết, sau vài giờ chuẩn bị, bà được xe buýt đón lên khu nhà ở tập trung an toàn. “Xã hướng dẫn thì mình đi thôi. Ở sát biển mà lỡ có chuyện gì lại trách mấy lãnh đạo không chu đáo. Cả nhà tui đi hết, cửa nẻo có anh em họ tuần tra, trông chừng giúp rồi”, bà Nguyễn Thị Tuyến cảm động. 

Hơn 20 giờ trước thời điểm hoàn tất sơ tán, di dân, đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có mặt tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi. Sau khi rà soát lần cuối tại đây vẫn còn hơn 200 người dân chưa chịu di dời và cố thủ để giữ nhà cửa. Cùng với các cán bộ địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân gặp bà con thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư lý do khiến bà con chấp nhận sự nguy hiểm giữa bão gió. Sau hơn hai giờ kiên nhẫn, thuyết phục, tất cả bà con đồng ý di chuyển đến nơi an toàn trước khi bão cập bờ. “Hầu hết là do những hộ này ở lại vì nghĩ mình sẽ tự bảo vệ, tự trụ được an toàn trong bão. Nhưng tỉnh muốn an toàn nhất nên cuối cùng bà con chịu di dời”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân chia sẻ.

Đến thời điểm trước khi bão đổ bộ, các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đã di dời, sơ tán hơn 24 nghìn hộ dân, với khoảng 97 nghìn người ra khỏi vùng nguy hiểm. Là vùng thường xuyên bão lũ, Quảng Ngãi áp dụng ngay các biện pháp từ kinh nghiệm như di chuyển người già, trẻ em, người tàn tật lên các khu trụ sở cơ quan, nhà kiên cố; vận động bà con vùng nguy hiểm đến nhà người thân ở trung tâm xã, huyện, thành phố vùng an toàn; bố trí ở xen ghép cư dân thôn xóm nơi cao bảo đảm an toàn qua cơn bão dữ.

Ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho rằng, trong tình huống khẩn cấp, tất cả mọi giải pháp phải được thực hiện để an toàn cho nhân dân vùng nguy hiểm. Trong đó, di chuyển bà con ra khỏi tâm bão là điều kiện tiên quyết an toàn. “Chúng tôi áp dụng phương án sơ tán dân là chọn nhà kiên cố trước, sau đó là trường học, trụ sở cơ quan để bà con an toàn. Ngoài ra, chúng tôi chuẩn bị sẵn lương thực để bảo đảm nhu cầu cơ bản của bà con trong thời gian vượt bão”. 

Khắc phục thiệt hại sau bão

Sau nhiều giờ hoành hành tại tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 đã gây thiệt hại cho nhiều vùng địa phương của tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 37 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 8 nhà bị sập đổ hoàn toàn, gần 30 trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng.

Trở về nhà sau một ngày đêm “chạy bão”, ông Phạm Văn Thanh ở thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) nhìn đống nhà lẫn gạch ngói đổ nát. Căn nhà bị bão số 9 làm sập đổ, hư hỏng 70%. May mắn nhất cả gia đình ông an toàn trở về sau bão. “Mấy cơn mưa, bão liên tục nhà nào mà chịu nổi. May mà di dời lên khu nhà tập thể gần xã nên cả nhà tui không sao. Giờ nhà hư hết rồi, phải dành tiền sửa lại thôi. Ở gần biển, sóng năm nào cũng lấn mà”, ông Thanh than thở.

Ở các làng chài ven biển Quảng Ngãi như huyện Bình Sơn, TP Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ…, hàng nghìn nhà dân bị tốc mái, sập đổ hư hỏng nghiêm trọng. Các vùng dân cư ven biển, cách bờ biển khoảng 500 m vẫn bị sóng tiến công gây hư hỏng. Hiện, các địa phương, ngành chức năng tập trung nhân lực giải phóng tuyến, đưa dân về an toàn và các biện pháp khắc phục sau bão. Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết “Bão đi qua mọi người an toàn nhưng vùng biển nhiều khu vực chưa thể tiếp cận do cây lớn ngã đổ. Chúng tôi đang huy động lực lượng để dọn dẹp, thông đường đưa bà con về nhà an toàn. Sau đó sẽ hỗ trợ, sửa chữa nhà cửa cho nhân dân”. 

Sau bão tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục ứng phó mưa lũ trên các sông, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, địa phương tiếp tục sơ tán di dời dân vùng trũng, vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, vùng bị chia cắt do lũ dâng cao. Đồng thời, đưa thông tin về lũ đến các khu dân cư, từng hộ dân với quan điểm nhất quán là không để dân bị động kêu cứu do chủ quan. “Các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh tiếp tục ứng phó tình huống mới là lũ sau bão Moleva. Tất cả các biện pháp đều được triển khai phù hợp với thực tế, ưu tiên mọi nguồn lực để bảo đảm an toàn trong điều kiện tốt nhất cho nhân dân. Vùng tâm bão, lũ nên cơ sở, địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà để tất cả bà con nhân dân không bị động, hạn chế thấp nhất thiệt hại sau thiên tai”, Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu.