Trẻ vùng cao những ngày... nghỉ học

Nghỉ học dài ngày để phòng dịch Covid-19, nhiều trẻ em là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên như Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ… phải tự chơi quanh quẩn ở nhà hoặc theo bố mẹ vào rừng làm nương, đào măng, kiếm củ mài, củ nâu…

Trẻ vùng cao những ngày... nghỉ học

1. Mới hôm qua, trên đường đi qua bản Chan 2, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng), chúng tôi gặp gần chục cháu ngồi túm tụm trên khoảnh đất trống trước điểm trường Chan 2. Chân không dép, tay lấm lem, mặt đứa nào đứa ấy cũng nhọ nhem bụi đất. Hỏi chuyện các cháu, tôi mới biết bố mẹ các cháu đều đi làm nương; anh chị lớn đi theo bố mẹ, còn các cháu thì ở nhà tự chơi.

Đến nhà Lý A Phong ở bản Pơ Mu, xã Mường Đăng, tôi gặp hai cháu nhỏ con Phong là Lý Thị Bầu, Lý A Mó tha thẩn chơi bên con đường nhỏ bìa rừng. Trò chuyện với tôi, Lý Thị Bầu hồn nhiên khoe: “Bố mẹ cháu đi làm nương; cháu được nghỉ học, ở nhà chỉ chơi thôi!”. Nói rồi cả Bầu và Mó chạy ù đi về ngôi nhà phía dưới đang có đám trẻ túm tụm chơi đùa. Thấy chúng tôi tần ngần nhìn theo chúng, thầy giáo Cháng A Cháu nói: “Dưới ấy - ngôi nhà mà Bầu, Mó vừa đến, có hơn chục cháu tuổi lên năm, lên bảy ở đó. Chúng tự chơi với nhau, cứ một lúc lại kéo nhau sang nhà khác đến khi chiều lại rủ nhau đi rừng tìm măng”. Hỏi thêm thầy Cháu, tôi được biết, trên bản Pơ Mu còn ít vì có hơn chục gia đình, chứ dưới bản Chan 2 có gần 80 gia đình thì trẻ tụ tập đông hơn. Cứ từng nhóm túm tụm chơi bi, chơi cù. Mấy cháu lớn hơn thì vào rừng lấy củi, tìm măng, tìm nấm; nhiều cháu theo bố mẹ đi phát nương cả tháng liền không thấy về bản. “Sau kỳ nghỉ này, nhiều cháu sẽ gầy và đen lắm” - thầy Cháu nói thêm như thế!

Về bản Tà Dê thuộc xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa), tôi cũng gặp rất nhiều trẻ nhỏ đủ lứa tuổi túm tụm chơi đùa. Cả bản có 84 gia đình đều là đồng bào H’Mông và hầu như nhà nào cũng có trẻ nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Hỏi anh Giàng Vàng Lỳ - gia đình có đông con nhất bản (10 đứa) rằng những ngày nghỉ học thế này các cháu nhỏ làm gì thì anh Lỳ cười khì khì và nói: “Thì mấy bố con chỉ “rồng rắn” lên nương chứ ở đây có cái gì ngoài nương đâu!”.

“Người dân ở đây làm gì có điều kiện thuê người trông trẻ. Họ cũng làm gì có thể ngồi ở nhà trông con được, nhưng bỏ con ở nhà tự chơi với nhau thì bố mẹ lại không yên tâm vì tai nạn có thể xảy ra. Bởi vậy nhiều nhà đem con lên rừng theo bố mẹ như một hình thức để trông nom. Thôi thì cứ lên rừng, làm được việc gì thì làm đỡ bố mẹ chứ chẳng bắt buộc phải làm việc như lao động chính đâu”, ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa tâm sự.

2. Trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé về giải pháp tổ chức cho các em học trực tuyến thì tôi nhận được câu trả lời chung: Khó lắm! Bởi học sinh (HS) trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới tỉnh Điện Biên hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhà nghèo làm gì có máy vi tính, ipad hay như điện thoại thông minh. Ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông còn nhiều bản chưa có điện lưới quốc gia, chưa có internet thì sao mà học trực tuyến được! Như thầy Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mường Ảng, tâm sự: Toàn huyện có 36 trường, 510 lớp với 13.778 HS theo học, trong đó hơn 90% HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sống rải rác các lưng đồi, sườn núi, có nơi điện lưới còn chưa tới được, nên việc trao đổi thông tin hai chiều giữa giáo viên với HS rất khó khăn chứ không phải chỉ nhấn điện thoại gửi email, nhắn tin qua nhóm là xong việc. Ví như việc thông tin thời gian nghỉ học tiếp tục kéo dài theo chỉ đạo từ UBND tỉnh Điện Biên, thì giáo viên chủ nhiệm phải về từng bản để trao đổi với trưởng bản và đề nghị trưởng bản cùng phối hợp thông tin đến từng nhà có con em đang theo học.

Do điều kiện khó khăn, bất khả kháng nên trong thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện vùng cao, biên giới tỉnh Điện Biên chỉ có thể chỉ đạo các trường phân công giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên lạc với HS, phụ huynh kết hợp đôn đốc các em tự rèn luyện tại nhà; thường xuyên căn dặn các em không tắm sông, tắm suối, không đi rừng khi không có người lớn đi cùng để tránh tai nạn, thương tích. Cùng với đó, thầy, cô giáo ở vùng cao luân phiên về các bản thăm hỏi phụ huynh, HS; hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho trẻ nhỏ. Với bất cứ học sinh nào có biểu hiện bất thường như: ho, sốt, khó thở... thì cán bộ, giáo viên đều hỗ trợ gia đình đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Để thực hiện được các công việc này, sự đi lại của các thầy cô cũng đã thật khó khăn!