Tín hiệu mừng trong tuyển sinh hệ đào tạo nghề

Năm 2019, cả nước có hơn 230.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học (ĐH). Sau kỳ thi, nhiều thí sinh có số điểm cao vẫn lựa chọn học nghề. Đây là cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô tuyển sinh, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn học nghề. Ảnh: NG.HẢI
Nhiều bạn trẻ lựa chọn học nghề. Ảnh: NG.HẢI

Đậu đại học vẫn học cao đẳng

Mỗi thí sinh có hai nguyện vọng xét tuyển, điểm sàn trên 15 tính theo học bạ hoặc kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 là những tiêu chí được các trường cao đẳng nghề (CĐN) có danh tiếng tại Hà Nội đưa ra khi xét tuyển sinh 2019.

Ông Dương Đức Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐN Bách khoa Hà Nội, cho biết: Về công tác tuyển sinh năm 2019, nhà trường quy định điểm sàn thi THPT quốc gia 2019 cho các ngành kỹ thuật là 5,4/môn, Kinh tế 5,06 (ba môn trên 15 điểm). Tuy nhiên, nhiều thí sinh trúng tuyển có điểm cao hơn, từ 18 đến 21. Và tính đến nay, sau hai đợt xét tuyển, nhà trường đã nhập học được 1.600 trên tổng số 2.000 chỉ tiêu.

Tính theo số hồ sơ thí sinh nộp, trường thu được hơn 3.300, cao hơn 1,65 lần so tổng chỉ tiêu. Tới đây, còn hai đợt xét tuyển nữa, kết thúc vào ngày 3-9. Ông Hồng cũng cho biết, để bảo đảm đầu vào có chất lượng, nhà trường quy định mỗi thí sinh được đăng ký hai nguyện vọng. Trường hợp thí sinh trượt nguyện vọng 1, nhưng đạt điểm trên sàn của trường thì phải chờ đến đợt xét tuyển sau.

Tại Trường CĐN Cơ điện Hà Nội, sau đợt 1 và 2 xét tuyển đã có 600 sinh viên vào học; ngày 14-8, có thêm 300 em nhập học. Nhà trường dự kiến trong tháng 8 sẽ tuyển đủ 1.200 chỉ tiêu cho các ngành CĐ. “Năm nay chúng tôi hoàn toàn tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, phổ điểm trung bình 16, 17. Có một số em thi đạt 23 - 24 điểm, trúng tuyển ĐH nhưng vẫn theo học CĐ. Đặc biệt, nhiều sinh viên nhập học đến từ 30 tỉnh, thành phố miền bắc và có em đến từ Ninh Thuận”, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện Hà Nội cho hay.

Năm nay, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội tuyển 1.000 chỉ tiêu CĐ. Đến nay, nhà trường đã nhận được hơn 700 hồ sơ, tổ chức nhập học cho 500 sinh viên. Phó Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy cho biết, trường vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển cho các ngành. Mặt bằng điểm xét học bạ của các thí sinh rất cao, nhiều em đạt 17, 18, 19 điểm ba môn.

Nguyễn Việt An, tân sinh viên Trường CĐN Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Em đăng ký bốn trường ĐH và đều trúng tuyển. Tuy nhiên, em thích nghề lập trình máy tính của Trường CĐN Bách khoa Hà Nội nên đã nộp hồ sơ. Em mong muốn được học trong môi trường học tập tốt để được trang bị kỹ năng, ra trường dễ xin việc”.

Còn em Vũ Huy Hải trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội với điểm xét học bạ ba môn (Toán, Lý, Hóa) là 24,6. Hải cho biết, anh trai của em đã học ngành Kỹ thuật máy lạnh trường này, ra trường có việc làm ngay nên em đăng ký, khỏi lo thất nghiệp.

Tín hiệu mừng trong tuyển sinh hệ đào tạo nghề ảnh 1

Làm thủ tục nhập học tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NAM ANH

Nhiều giải pháp thu hút học nghề

Để có được sự tín nhiệm của học sinh, phụ huynh, những trường CĐN có nhiều thí sinh đăng ký đều cam kết sinh viên tốt nghiệp có việc làm, mức thu nhập cao. Đơn cử, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội thành lập Trung tâm Hỗ trợ việc làm và quan hệ doanh nghiệp (DN) đã xây dựng mạng lưới gần 300 công ty.

“Nhiều DN yêu cầu ký cam kết ba bên (nhà trường - DN - người học) về xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu, nhận sinh viên thực tập trả lương từ bốn đến năm triệu đồng/tháng, khi tốt nghiệp được nhận vào làm việc với mức lương từ sáu đến tám triệu đồng. Đặc biệt, không tính thời gian thử việc đối với những trường hợp sinh viên tốt nghiệp đã được tuyển dụng để được hưởng 100% lương”, ông Huy thông tin.

Điểm mới ở Trường CĐN Cơ điện Hà Nội là đào tạo ba loại chương trình: Thứ nhất là chương trình chuẩn quốc gia đã ký cam kết với sinh viên khi tốt nghiệp được giới thiệu việc làm với mức lương tháng khởi điểm tối thiểu sáu triệu đồng; thứ hai là chương trình chất lượng cao bảy triệu đồng; thứ ba là chương trình chuẩn quốc tế chuyển giao từ Đức 10 triệu đồng.

Trường CĐN Bách khoa Hà Nội cũng thành lập Ban hợp tác DN và tư vấn việc làm cho sinh viên với mạng lưới DN đông đảo, phối hợp chặt chẽ nhiều năm qua. Các DN tiếp nhận sinh viên thực tập về nhận thức, nghề nghiệp, tốt nghiệp. DN còn hỗ trợ học bổng cho sinh viên học một số nghề.

“Chẳng hạn, Công ty TNHH Schindler Việt Nam ký hợp đồng tuyển chọn mỗi năm 15 - 20 sinh viên nghề Cơ điện tử để tặng học bổng, đến DN thực tập và sinh viên cam kết làm việc tại DN ít nhất hai năm khi ra trường. Các DN khác, khi thấy sinh viên đến thực tập tốt đều nhận vào làm việc luôn”, ông Hồng khẳng định.

Vì có sự ký kết hợp tác với đơn vị sử dụng nhân lực, cho nên hằng năm, khi các trường CĐN tổ chức trao bằng tốt nghiệp, nhiều DN đến tuyển dụng đành phải ra về vì hầu hết sinh viên đã có việc làm. Điều đó khẳng định chất lượng đào tạo và danh tiếng của mỗi nhà trường có vai trò quan trọng trong tình hình tuyển sinh ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học nghề, các ngành, đơn vị, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Theo Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân, Bộ đã kiến nghị, đề xuất các ngành, địa phương ưu tiên đầu tư kinh phí cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm. Đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 40 trường được đầu tư để trở thành các đơn vị đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Ngày 22-7 vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ký kết hợp tác triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo tinh thần Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ với một số DN lớn. “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai rộng rãi, có sự tham gia của doanh nghiệp sẽ góp phần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo trong lực lượng học sinh, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho một số trường nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức giảng dạy để trở thành trường chất lượng cao, đào tạo các nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, như: Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... Thành phố cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động tham gia học nghề.

Ngoài những giải pháp chung, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn có cơ chế đặc thù hỗ trợ học sinh, sinh viên. Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “100% số học sinh, sinh viên được ký kết hợp đồng đào tạo, bảo đảm chắc chắn có việc làm sau khi tốt nghiệp. Những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được tặng học bổng toàn phần”. Còn Trường CĐN Cơ điện Hà Nội không thu học phí một học kỳ đối với sinh viên mới nhập học là bộ đội xuất ngũ và giảm học phí 50% trong suốt khóa học cho các sinh viên học chương trình đào tạo chất lượng cao...

Mới đây, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích học sinh theo học hệ giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, làm căn cứ cho các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch tại địa phương. Công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề cần đẩy mạnh từ cấp vĩ mô tới vi mô. Ông Ngô Văn Quý cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành chính sách ràng buộc trách nhiệm của DN trong tuyển dụng lao động phải qua đào tạo; có cơ chế hỗ trợ kinh phí học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS và tiếp tục liên thông lên CĐ; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quy định của chính sách, pháp luật hiện hành đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc thù…