Tiện ích khám, chữa bệnh trực tuyến

Đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục hành chính cho người bệnh mà còn góp phần đẩy lùi nhiều tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh (KCB). Vậy nhưng hiện nay vẫn rất ít cơ sở y tế triển khai đặt lịch KCB trực tuyến và người dân chưa quan tâm dịch vụ này. 

Chữa bệnh trực tuyến giúp các BV ở tuyến dưới xử lý được những ca phẫu thuật phức tạp.
Chữa bệnh trực tuyến giúp các BV ở tuyến dưới xử lý được những ca phẫu thuật phức tạp.

Người bệnh hưởng lợi

Mới đây, trên website của Bệnh viện (BV) K đã triển khai đặt lịch khám theo yêu cầu. Theo đó, chỉ với những thao tác đơn giản bằng việc điền thông tin như: Họ tên, địa chỉ, tình trạng bệnh tật, ngày và giờ dự kiến đến khám… người bệnh sẽ được đăng ký khám trực tuyến và nhận lịch hẹn đến khám. 

Từ ngày 7-4, BV triển khai khám theo yêu cầu cả trong ngày thứ bảy tại cơ sở 2 Tân Triều nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Người dân có thể đặt lịch khám trực tuyến theo hướng dẫn. 

Thời gian tới, BV sẽ tiếp tục triển khai đăng ký khám trực tuyến với người bệnh khám theo bảo hiểm y tế. Đại diện BV cho biết, việc triển khai đăng ký lịch khám qua mạng là một trong những giải pháp nhằm giảm tình trạng quá tải tại khu vực phòng khám và rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. 

Với sự phát triển của công nghệ, sự kết nối trực tuyến từ BV tuyến trên, từ các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu có thể giúp các BV tuyến dưới ở vùng sâu, vùng xa xử lý được cả những ca phẫu thuật phức tạp. 

Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Yên (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã quen với việc đi KCB tại các cơ sở y tế khi có bệnh. Mỗi khi ốm đau lặt vặt, cảm cúm thông thường, chị thường đến Trạm Y tế xã hoặc Trung tâm Y tế huyện để khám bệnh, mua thuốc về uống. Tuy nhiên, khi bị bệnh nặng hoặc khám nhi khoa cho các con, chị lại lặn lội về Hà Nội để khám, điều trị. “Tôi lựa chọn các BV tuyến T.Ư để KCB bởi có đội ngũ y, bác sĩ giỏi, chẩn đoán bệnh nhanh, điều trị hiệu quả. Hơn nữa dịch vụ KCB cũng tốt hơn”, chị Thoại chia sẻ. 

Nay nhờ chương trình chẩn đoán bệnh từ xa, những bệnh nhân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa như chị Yên không phải lặn lội hàng trăm cây số về các BV tuyến T.Ư nữa. Thí dụ, từ trung tâm điều hành tại BV Đại học Y Hà Nội kết nối với bốn điểm cầu gồm: BV đa khoa Mường Khương (Lào Cai), BV đa khoa TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Trạm Y tế xã và nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) và điểm cầu ở nhà người bệnh mạn tính tại Hà Nội. 

Triển khai chương trình này, các bệnh nhân đã đặt lịch hẹn khám và được các bác sĩ thăm khám trực tuyến. Riêng những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở BV tuyến cơ sở được hội chẩn với các chuyên gia tại trung tâm điều hành để có hướng điều trị phù hợp... 

Hệ thống KCB từ xa còn có thể giúp người dân dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin…, đặt lịch khám và cập nhật các thông tin hướng dẫn điều trị… Chương trình cũng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt rất cần thiết ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Một bệnh án dùng chung

Tại hội nghị triển khai dịch vụ đặt lịch KCB trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hệ thống đặt lịch KCB trực tuyến vẫn chưa triển khai được trên toàn quốc vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, hiện nay một số đơn vị đã triển khai nhưng mỗi nơi có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, hồ sơ không được chia sẻ giữa các đơn vị, bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong cơ sở y tế. Bên cạnh đó, tại các BV khi triển khai thực hiện cũng không gắn kết bất cứ chương trình điều trị nào từ ngoại trú hay các hoạt động khác. 

Hiện, tỷ lệ cơ sở y tế triển khai đặt lịch KCB trực tuyến cũng còn rất thấp. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nơi đã triển khai mạnh hệ thống KCB, hội chẩn trực tuyến từ xa nhưng tỷ lệ người dân đặt lịch rất ít. Bệnh nhân vẫn chọn giải pháp đến viện xếp hàng từ 4 - 5 giờ sáng. 

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị phát triển hệ thống phần mềm đặt lịch KCB. Đặc biệt, trong hội nghị chuyển đổi số y tế mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra mục tiêu từ ngày 1-7-2021 phải triển khai việc đặt lịch KCB trực tuyến trên toàn quốc. “Việc triển khai đặt lịch KCB trực tuyến sẽ hạn chế được tình trạng “hai tháng khám 80 lần” như báo chí phản ánh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo đó, mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khỏe này là “một bệnh án dùng chung” cho tất cả các cơ sở KCB mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về sức khỏe người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị, những nội dung cần lưu ý, chống chỉ định,… trong đơn thuốc.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, với những cơ sở KCB đã triển khai đặt lịch KCB trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng. Hệ thống mới này sẽ được cung cấp miễn phí cho các cơ sở KCB. Đặc biệt, nó được bổ sung những tiện ích hệ thống đặt lịch KCB trực tuyến. Tất cả dữ liệu sẽ do Bộ Y tế quản lý.