“Thiếu trước, hụt sau” trong bảo vệ trẻ em

Áp lực gia tăng dân số cùng những tác động về mặt xã hội đang đặt TP Hồ Chí Minh đứng trước nhiều thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (TE). Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng đến thời điểm này, việc bảo vệ trẻ trước các vấn đề liên quan nạn bạo hành, xâm hại, bóc lột sức lao động… tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh mới đây đã yêu cầu các trường học, phòng giáo dục và đào tạo 24 quận, huyện nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh mới đây đã yêu cầu các trường học, phòng giáo dục và đào tạo 24 quận, huyện nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học.

Trẻ vẫn đối mặt nhiều mối nguy

Theo thống kê, hiện nay TP Hồ Chí Minh có hơn 2,1 triệu TE, chiếm gần 17% dân số. Trong đó, có hơn 12.000 TE có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 23.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, còn có hơn 470.000 trẻ dưới 15 tuổi đăng ký tạm trú tại thành phố này. Hiện nay, 48 cơ sở nuôi dưỡng, bảo vệ tại các quận, huyện đang hỗ trợ cho hơn 3.000 trẻ, con số còn khá hạn chế so nhu cầu thực tế. Tỷ lệ TE quá cao và ngày một tăng không chỉ tạo áp lực lớn về nhà ở, trường học, bệnh viện mà còn đặt ra nhiều thách thức trong việc phòng, chống tội phạm liên quan nhóm đối tượng yếu thế này.

Tính từ năm 2015 đến tháng 6-2019, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 499 TE bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Trong số 499 TE bị xâm hại có hai trẻ tử vong, hai trẻ bị thương tật, bảy trẻ em bị rối loạn tâm thần, 64 trẻ có thai và 424 trẻ bị tác động khác về thể chất, tinh thần. Chỉ tính từ năm 2017 đến quý I-2019, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 282 vụ bạo lực, xâm hại TE, phần lớn là hành vi xâm hại tình dục TE (chiếm 86,51%). Thực tế cho thấy, hành vi xâm hại TE đang có xu hướng gia tăng về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng. “Điều đáng sợ là độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, có bé chưa tới 2 tuổi, với hành vi ngày càng tinh vi. Nhiều vụ án khi tiếp xúc với nạn nhân chúng tôi vô cùng xót xa vì các bé phải mang thai ngoài ý muốn, phải phá thai hoặc chịu những thương tổn về mặt thể xác, tâm lý, việc học hành bị gián đoạn”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo ông Phạm Đình Nghinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP Hồ Chí Minh, mặc dù đã làm được rất nhiều việc cho TE như hoàn thiện hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ đến tận cơ sở, có chế độ chăm lo tốt cho TE có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, sáng tạo nhưng đến thời điểm hiện tại thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nhiều vấn đề liên quan nhóm đối tượng đặc biệt này. Cụ thể, tình trạng TE lang thang ăn xin; TE có nguy cơ lao động sớm; TE bị xâm hại, ngược đãi; TE vi phạm pháp luật… tại TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa cải thiện như mong muốn.

Nếu như TE từ mầm non đến bậc tiểu học thường gặp các nguy cơ về bạo hành, xâm hại thì học sinh từ bậc THCS trở lên còn gặp nhiều vấn đề nan giải hơn nếu thiếu kênh hỗ trợ kịp thời. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều học sinh (HS) bậc THCS và THPT phải đối mặt với nhiều mối nguy như bạo lực học đường (thể chất lẫn tinh thần), xâm hại tình dục, nghiện trò chơi điện tử, mạng xã hội, bị “nhiễm” các hành vi trái chuẩn mực đạo đức… Cô Nguyễn Nam Phương, một giáo viên (GV) thường xuyên làm việc với nhiều HS cá biệt trăn trở: “Có nhiều nguyên nhân khiến HS học hành sa sút, thậm chí có cách cư xử chưa đúng, như đánh bạn, vô lễ với thầy, cô giáo, vi phạm quy chế thường xuyên nhưng theo quan sát của tôi hầu hết các em đều có hoàn cảnh đặc biệt. Gia đình thiếu quan tâm, GV còn áp lực về chuyên môn nên vốn thời gian hạn hẹp, nhiều HS không tìm được hướng giải quyết vấn đề nên ngày càng sa sút”.

“Thiếu trước, hụt sau” trong bảo vệ trẻ em ảnh 1

Cần xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho các cơ sở đào tạo.

Cần thêm giải pháp

Tại Hội nghị chuyên đề Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học năm học 2019 - 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, một chuyên viên thuộc Phòng GD&ĐT quận Thủ Đức rất tâm tư khi nói về tình trạng thiếu GV tâm lý tại địa phương này nhiều năm qua. Theo cán bộ này, đến thời điểm này toàn quận Thủ Đức vẫn chưa có GV chuyên về lĩnh vực tư vấn tâm lý học đường từ bậc mầm non đến THCS mà chỉ toàn GV kiêm nhiệm. Mặc dù các GV kiêm nhiệm tư vấn tâm lý học đường vẫn được tạo điều kiện tham gia các khóa học lấy chứng chỉ tâm lý nhưng chỉ theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa có chiều sâu nên rất khó bảo đảm yêu cầu. Và các GV này chỉ một tuần trực tư vấn một buổi nên không giải quyết được nhiều những tâm tư, thắc mắc của các em.

Hiện tại, số trẻ mắc chứng tự kỷ, tăng động tại quận Thủ Đức có dấu hiệu tăng, nhiều trường có xấp xỉ 70 trẻ diện này, tạo áp lực rất lớn đến việc nuôi, dạy trẻ. Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục nhưng gia đình không báo nhà trường gây khó khăn trong việc can thiệp, giúp đỡ trẻ về mặt tâm lý. “Chưa có chiều sâu, không chuyên ngành nên khi GV kiêm nhiệm tư vấn tâm lý rất khó đạt hiệu quả cao. Về quy định thì các trường được phép tuyển nhưng biên chế không đủ nên không trường nào ưu tiên cho vị trí này. Đây là cái khó cần được ngành hỗ trợ xử lý vì GV phải bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, kiêm nhiệm thêm vị trí này rất khó hoàn thành tốt cả hai. Bên cạnh đó, tôi cũng mong áp lực chuyên môn sẽ giảm để môi trường học tập của trẻ nhẹ nhàng hơn”, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Thủ Đức đề xuất.

Từ khi Luật Trẻ em có hiệu lực vào năm 2016, TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 như: Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng ngừa giảm thiểu lao động TE; xây dựng TP Hồ Chí Minh thân thiện với TE… Thành phố cũng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Luật TE, quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách cho TE; đấu tranh, phòng, chống tệ nạn lạm dụng, bạo hành TE… Đến nay, hơn 95% số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã được công nhận môi trường giáo dục bảo đảm an toàn. Thế nhưng, việc xuất hiện hàng loạt vụ bạo hành, bạo lực học đường giữa GV với HS và HS với HS đã phát lên tín hiệu môi trường giáo dục cần được quan tâm nhiều hơn. Ths Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn bảo vệ, chăm sóc HS thật tốt, trước tiên GV phải giải tỏa được áp lực từ công việc đến cuộc sống. Khi GV hạnh phúc, HS sẽ có được môi trường học tập vui vẻ, thoải mái. Khi trẻ xảy ra sự cố, GV cần kết nối gia đình với nhà trường trong quá trình tìm hiểu lý do và phương pháp hỗ trợ cần thiết. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách trang bị kỹ năng để giúp trẻ thật sự biết cách bảo vệ bản thân, xử lý tình huống xấu. “Chương trình lồng ghép kỹ năng sống hiện nay mà các trường đang triển khai là cách phòng ngừa tốt, giúp trẻ nhận biết các tình huống nguy hiểm và cách xử lý. Thế nhưng, dạy kỹ năng sống phải có chuyên đề riêng để các em hiểu và làm được, chứ dạy lồng ghép thôi chưa đủ”, bà Bích phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc TE và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống luật và chính sách liên quan hiện nay không thiếu, cái khó nằm ở sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ: “Một số gia đình thật sự chưa quan tâm đến con trẻ, đẩy hết trách nhiệm cho GV, nhà trường. Đây là áp lực rất lớn vì GV không thể vừa bảo đảm việc dạy vừa theo dõi từng biểu hiện về tâm lý, hành vi của trẻ. Theo tôi, gia đình phải đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo vệ, chăm sóc TE. Luật TE có gần 20 điều quy định vai trò của gia đình trong chăm sóc TE, nhưng thử hỏi có bao nhiêu phụ huynh quan tâm việc này?”.

Trước thực trạng các vụ bạo hành, xâm hại TE ngày càng nhiều, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ TE. UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị các bộ, ngành T.Ư có quy định mới đối với trường hợp TE bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bị cha, mẹ bỏ rơi nhằm bảo đảm cao hơn sự an toàn, ổn định tâm lý cho trẻ. Mới đây, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc TE trên địa bàn thông qua việc nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc TE cho các cá nhân, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, các trường được yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tư vấn, tham vấn trong trường học, xây dựng và củng cố môi trường giáo dục an toàn và thân thiện.