Thấp thỏm chờ điểm chuẩn đại học

Hàng triệu học sinh cả nước đang “nín thở” chờ các trường đại học công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm học 2019 - 2020. Nhiều em lo lắng mất ăn, mất ngủ. Nỗi lo ấy lan sang cả bố mẹ, các thành viên trong gia đình.

Thấp thỏm tra cứu điểm thi phỏng đoán khả năng vào trường ĐH.
Thấp thỏm tra cứu điểm thi phỏng đoán khả năng vào trường ĐH.

Trắng đêm tính phương án…

Em Tạ Phương Linh (cựu học sinh (HS) Trường THPT Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội) cho biết chọn thi khối A1, đăng ký nguyện vong NTH02 (Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh) và NTH03 (Tài chính - Ngân hàng và Kế toán). Ngoài ra, em còn đăng ký thêm một số nguyện vọng dự phòng khác là truyền thông Quốc tế và Quan hệ Quốc tế (Học viện Ngoại giao), Học viện Tài chính và ĐH Quốc gia.

Chị Hương mẹ của Linh cho biết, trước khi đi thi, cháu dặn “con đi thi về mẹ đừng hỏi gì nhé. Thành ra, dù có sốt ruột, có lo lắng đến đâu, nhưng sau mỗi môn thi, em chỉ dám hỏi cháu, đề dễ hay khó”. Khi cháu nói bình thường, chị Hương cũng cảm thấy yên tâm phần nào. “Thi xong các môn cháu đã tự chấm điểm. Số điểm tự tính thụt 0,25 điểm so kết quả mà Bộ GD&ĐT công bố. Cháu tỏ ra khá lo lắng”, chị Hương kể.

Bởi với số điểm 24,85, Linh cho biết so năm trước, ngành cháu chọn học là vừa đủ điểm đỗ, nhưng năm nay đọc thông tin trên mạng, nhiều thầy cô giáo nhận định phổ điểm năm nay cao hơn năm trước. Linh bảo “Lúc đầu thi xong, cũng như khi đợi điểm thi… em không hồi hộp như bây giờ. Từ hôm có điểm, lúc nào cũng chập chờn… câu hỏi: đỗ hay không đỗ vào nguyện vọng ưu tiên số 1 - Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh”. Linh lo lắng nhưng em cũng kịp nói thêm “em đã đăng ký sáu nguyện vọng nên nếu trong trường hợp không đỗ NV1 thì sẽ đổi sang các ngành khác có khả năng cao hơn lên. Hy vọng em được học tại Trường Ngoại thương - ngôi trường mà em vẫn mong ước”.

Điểm không cao như Phương Linh, Dương Minh Đức (Thạch Thất, Hà Nội) đăng ký xét tuyển khối A nhưng điểm thi chỉ đạt 17 điểm. Thấp hơn nhiều so lực học thường ngày trên lớp. Đức tỏ ra thất vọng với bản thân. Em cho biết, dù ban đầu em cũng chỉ đăng ký vào ĐH Thương mại nhưng cũng không thể ngờ lại “chấp chới” như hiện nay. “Bố mẹ từ hôm biết điểm không nói năng gì. Cả nhà cứ như có đám. Em cũng buồn mà không biết nói với bố mẹ như thế nào. Lỗi tại em. Giờ thì đành chờ may rủi”, Đức nói. Em cũng cho biết thêm, trước khi biết điểm em luôn tự tin mình đỗ vào thương mại. Nhưng giờ thì sợ không được nên “mấy hôm nay, tối nào em cũng lên mạng tìm hiểu thêm về các trường, các ngành có số điểm đầu vào vừa phải. Có hôm trắng đêm luôn”.

Bố mẹ cũng lo đứng, lo ngồi

Trong khi đó, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (giáo viên luyện thi Trung tâm Học mãi - Hà Nội) cho biết, năm nào cũng vậy, sau mỗi đợt thi, Facebook, điện thoại của mình luôn đầy ứ tin nhắn. Lúc mới thi xong, các bạn mong thầy giải đề sớm nhất. Đến khi có điểm rồi, các bạn lại đề nghị thầy dự đoán điểm chuẩn của từng trường.

“Lo lắng, hồi hộp là tâm trạng của không chỉ HS mà nhiều khi phụ huynh còn lo hơn. Đơn cử như sáng nay thôi, vừa mới bật máy, tôi đã nhận được dòng tin nhắn của một phụ huynh HS. Phụ huynh này viết: Thầy ơi, thầy giúp em với ạ. Hiện nay con em được 26,8 điểm. Cháu thi khối A1 Trường Ngoại thương, cháu muốn đăng ký vào khoa NTH01 kinh tế quốc tế nhưng em cứ phân vân lo lắng không biết có được vào không. Tại vì em sợ, nếu đăng ký mà không đủ điểm, trường xét xuống học luật thì cháu mất đi hy vọng”. Thầy Ngọc cũng cho biết thêm, phụ huynh này nói, con của chị ấy từ hôm biết điểm cháu tỏ ra lo lắng thật sự, đến mức không dám cả nhắn tin hỏi thầy. Vì thương con, hơn nữa bản thân chị ấy cũng sốt ruột nên đành “nhắn cho tôi, những mong nhận được lời khuyên”.

Chung tâm trạng phụ huynh trên, chị Nghiêm Thị Lan Hương có con gái tên Phạm Thị Ngọc Anh, cựu HS Trường THPT Việt Đức cũng chia sẻ: “khá lo lắng, phập phồng chờ đợi trường con đăng ký công bố điểm sàn”. Con chị Hương thi khối A01, D01 với kết quả cả hai khối đều được 23,6 điểm. Cháu đăng ký mấy nguyện vọng vào Trường ĐH Ngoại thương. “So điểm chuẩn năm trước, thì với số điểm con đạt được chắc chắn đỗ. Nhưng đang lo năm nay điểm sàn tăng lên từ 1 - 2 điểm nên không biết cháu có vào được đúng nguyện vọng mà mình mong ước không. Nhưng tôi vẫn quyết định đăng ký. Hy vọng dù nghe nhiều thông tin “vỉa hè” dự báo điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ 1 - 2 điểm, nhưng đó chỉ là những khoa hot, khoa bình thường thì vẫn giữ nguyên như năm trước, con mình có cơ hội đỗ”.

Chị Hương cho biết, cả nhà căng như dây đàn, ai cũng nhăm nhăm tìm kiếm các thông tin. Bất kể thông tin dự báo, dự đoán liên quan đến ngành học, trường con đăng ký là lao vào tìm kiếm. “Tôi cho cháu đăng ký 14 nguyện vọng. Trong đó, ưu tiên học các ngành trong Trường ĐH Ngoại thương, vì thế nếu không được thì chuyển sang học Học viện Ngoại giao (điểm sẽ thấp hơn)”, chị Hương bày tỏ.

Dù rất ít bộc lộ cảm xúc, nhưng với lần thi ĐH của con đầu tiên, anh Ngô Thanh Hùng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng không giấu nổi sự lo lắng. Anh cho biết, con gái anh thi khối D, đăng ký vào ĐH Ngoại thương với kết quả 25,6 điểm (điểm chuẩn năm ngoái 24,1). “Gia đình vẫn khá lo lắng khi nghe thông tin sẽ tăng điểm chuẩn từ 1 - 3 điểm tùy từng chuyên ngành. Bởi các con thi vào ĐH Ngoại thương toàn “cao thủ” trên cả nước nên chỉ khi nào con mình nhận được phiếu báo nhập học… mới thở phào. Cháu rất thích ngoại thương nên sẽ đăng ký vào các khoa của ngoại thương, không được nữa thì mới chuyển sang đại học Kinh tế quốc dân hoặc ĐH Tài chính kế toán”, anh Hùng chia sẻ.

Tỏ ra đồng cảm với tâm trạng chung của các bậc phụ huynh, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho rằng: Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng mà tạo thêm áp lực cho con trẻ. Bởi xét cho cùng, các con cũng đã thi rồi, điểm thi cũng đã biết rồi. Nếu các con không đạt được nguyện vọng như ý muốn thì còn có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn khác. Thậm chí, theo thầy Ngọc có những em quyết tâm thi ĐH Y đến mức, dù đã học yên ổn ở một trường ĐH rồi nhưng năm sau vẫn “quyết tâm phục thù”.

“Trong những buổi lên lớp, tôi vẫn luôn nói với các em, có nhiều con đường dẫn đến thành công. Điều quan trọng, chúng ta làm như thế nào để đạt được thành công đó. Nếu chúng ta biết dồn sức, tập trung cộng với chút may mắn… có thể thành công sẽ đến như mong muốn. Còn ngược lại, có thể chỉ một sơ suất nhỏ, có thể sẽ thay đổi. Nhưng đại học không phải là cánh cửa duy nhất để chúng ta vào đời. Ngựa hay là biết chạy đường dài”, thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.

Nhìn lại cảnh bố mẹ lo lắng về việc chọn trường ĐH cho con, chị Hoàng Bích Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) nhớ lại: Năm 2010, con trai chị thi trượt ĐH Bách khoa Hà Nội khoa cơ khí chế tạo máy. Thất bại đầu tiên trước ngưỡng cửa quan trọng, “mấy ngày liền thằng bé giam mình trong phòng làm vợ chồng tôi hết sức lo lắng. Tôi động viên con, còn đỗ nguyện vọng 2 vào trường ĐH khác, con có thể lựa chọn không nhất thiết phải ĐH Bách khoa mới mang đến cho con thành công. Rồi không hiểu sao, trong vòng “một nốt nhạc” thằng bé nói không học ĐH mà đi học nghề khiến cả hai vợ chồng tôi đều sững sờ nhưng tôi vui vẻ đồng ý. Bởi lẽ, với tôi ĐH không quan trọng bằng niềm vui và sự đam mê của con. Con tôi chọn học ngành Cơ khí - hàn tại một trường cao đẳng nghề có tại Thường Tín - Hà Nội. Là cậu bé chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi cộng thêm với năm 2013 là thời điểm ngành hàn đang rất hot nên vừa ra trường thằng bé đã được một doanh nghiệp nhận ngay với lương khởi điểm 15 triệu đồng. Sau đó, công ty tạo điều kiện cho đi học bằng 4G (hàn trên trần và kết cấu tấm ngang). Dự án vào thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp này sẵn sàng chi 30 triệu/tháng để trả lương cho con tôi. Đến thời điểm hiện tại, thằng bé đã học xong bằng 6G (hàn ống - mức hàn được đánh giá cao nhất) và lương không khi nào dưới 30 triệu/tháng. Từ con tôi nhận ra, làm bố mẹ ai cũng muốn con mình bước chân vào cánh cổng đại học, nhưng đó không phải là tất cả.