Tuyển sinh 2020:

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Dự thảo Thông tư tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), trình độ cao đẳng (CĐ) ngành đào tạo giáo viên mầm non năm 2020 (Quy chế tuyển sinh) đang được các trường góp ý đến hết ngày 21-2. Dự báo kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm 2020 sẽ có nhiều điểm mới, tập trung bảo đảm chất lượng đầu vào, đề cao trách nhiệm xã hội và trách nhiệm uy tín nhà trường, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việc tuyển sinh của các trường được thực hiện theo đề án tuyển sinh đã công bố, phù hợp với quy định hiện hành. Ảnh: HẢI ANH
Việc tuyển sinh của các trường được thực hiện theo đề án tuyển sinh đã công bố, phù hợp với quy định hiện hành. Ảnh: HẢI ANH

Chấm dứt tuyển sinh trung cấp sư phạm

Theo TS Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục ĐH, năm 2020, Quy chế tuyển sinh cơ bản sẽ giữ ổn định như những năm vừa qua. Tuy nhiên, có những điểm mới đáng chú ý, nhất là đối với ngành sư phạm. Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ không tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm.

Quyết định này phù hợp Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) khi quy định đối với giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên. Như vậy, hệ trung cấp sư phạm chính thức chấm dứt tuyển sinh từ năm 2020.

Với hệ CĐ, Bộ chỉ còn cho tuyển sinh ngành sư phạm mầm non. Từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp sẽ được nâng lên so Luật Giáo dục 2005. Cụ thể, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT, phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (quy định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp CĐ và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS). Nhiều trường sư phạm các địa phương đã lên phương án sáp nhập với các trường CĐ khác.

Tính đến nay, cả nước có 29 trường CĐ sư phạm thuộc UBND tỉnh, thành phố quản lý. Trong số này, 13 trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, đề án sáp nhập; 16 trường chưa có kế hoạch. Các trường đã lên kế hoạch sáp nhập như: Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên sáp nhập với Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên; Trường CĐ Sư phạm Điện Biên thành lập Trường ĐH Điện Biên trên cơ sở sáp nhập với Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên; Trường CĐ Sư phạm Gia Lai cũng có dự kiến chuyển thành cơ sở của Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sáp nhập với Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh...

Điều chỉnh điểm sàn sức khỏe, sư phạm

Trong dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với các ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ. Căn cứ phương thức tuyển sinh mà trường lựa chọn, các trường xác định và công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (thường gọi là “điểm sàn”) trong đề án tuyển sinh.

Về điểm sàn, năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ xác định điểm sàn cho hai nhóm ngành sức khỏe (12 ngành như năm 2019) và nhóm ngành sư phạm. Tuy nhiên, Bộ sẽ có điều chỉnh trong xác định điểm sàn học bạ với nhóm ngành sức khỏe và ngành đào tạo giáo viên.

Cụ thể, trong trường hợp sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển với điểm thi THPT quốc gia... ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương các ngưỡng theo quy định như sau:

Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường phải tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.

Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ ĐH với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.

Dự thảo cũng quy định rõ, riêng các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, CĐ sư phạm mầm non... điểm tối thiểu thí sinh cần đạt từ 6,5 trở lên.

Tổ hợp tuyển sinh phải có văn hoặc toán

Dù tuyển sinh theo phương thức nào thì trường đều phải thực hiện việc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển theo các nguyên tắc sau:

Sử dụng kết quả của ba bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi toán hoặc ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn yêu cầu của ngành đào tạo, không sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp). Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của ba bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi toán, ngữ văn kết hợp kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Cùng với đó, tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức, loại hình đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước ngày 10-3 hằng năm và chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án. Việc tuyển sinh của các trường được thực hiện theo đề án tuyển sinh đã công bố, phù hợp với quy định hiện hành.

Đề án tuyển sinh của trường phải bảo đảm một số yêu cầu, trong đó phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh và các điều kiện bảo đảm chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp của hai năm gần nhất so năm tuyển sinh).

Trong đề án phải nêu rõ quy định chỉ tiêu tuyển sinh theo các hình thức tuyển sinh khác nhau (nếu có); ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào phù hợp quy định của Bộ GD&ĐT; quy định rõ về việc trường có sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, điểm thi được bảo lưu theo quy định tại quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Các trường có quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh cho đơn vị mình, nhưng phải nói rõ về từng phương án trong đề án tuyển sinh. Các trường tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia; các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, tổ chức thi năng khiếu và các hình thức thi khác kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, đều phải thực hiện quy trình xét tuyển mà Bộ GD&ĐT quy định.

Với những trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của trường khác hoặc của tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới để xét tuyển thì phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường. Những trường này có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một ngành hoặc nhóm.

Nếu tuyển sinh không dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, các trường phải bảo đảm các yêu cầu sau: không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.

Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh; thực hiện các quyền và nhiệm vụ tương ứng với từng phương thức mà Bộ GD&ĐT đã quy định.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, quy chế tuyển sinh năm nay là quy chế tuyển sinh hợp nhất các loại hình đào tạo, gồm đào tạo chính quy, đào tạo vừa làm vừa học, bằng hai, chương trình tiên tiến, chất lượng cao, đào tạo theo đặt hàng, liên thông... Do vậy, các trường phải rà soát kỹ khâu xác định chỉ tiêu cho tất cả các loại hình đào tạo và công khai để thí sinh nắm rõ.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo, các trường cần đề cao trách nhiệm xã hội và khẳng định uy tín của trường đối với thí sinh và xã hội thông qua mức yêu cầu chất lượng đầu vào do trường xác định; tránh tình trạng vì quy mô, nguồn tuyển mà hạ thấp chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của trường, đến toàn hệ thống và chất lượng nguồn nhân lực.