Tạo hành lang pháp lý cho khám, chữa bệnh từ xa

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Đề án khám chữa bệnh (KCB) từ xa giai đoạn 2020 - 2025. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm đã bộc lộ một số vướng mắc.

Các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương tham gia hội chẩn từ xa với 5 điểm cầu bệnh viện địa phương.
Các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương tham gia hội chẩn từ xa với 5 điểm cầu bệnh viện địa phương.

Không thể một sớm, một chiều

Dẫn thực tiễn hoạt động KCB từ xa, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế cho rằng, việc hội chẩn liên viện, hội chẩn trực tuyến đã góp phần đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh mắc Covid-19, nhất là đối với một số ca bệnh nặng, trong tình trạng nguy kịch như bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh. “Các giáo sư, chuyên gia đầu ngành đã liên tục, thường xuyên hội chẩn trực tuyến về tình hình sức khỏe của ca bệnh này để kịp thời đưa ra các phương án điều trị phù hợp từng giai đoạn sức khỏe của người bệnh, để đến hôm nay người bệnh đã có những hồi phục bước đầu”, GS Long nói.

Bộ Y tế đã lựa chọn bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội là đơn vị thí điểm triển khai mô hình chẩn đoán bệnh từ xa với một số BV vệ tinh và theo dõi quản lý sức khỏe người mắc bệnh mãn tính. Đến nay, BV đã tổ chức khám, tư vấn, hội chẩn từ xa mỗi tuần hai lần cho 16 BV vệ tinh.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, mục đích của việc ứng dụng KCB từ xa nhằm tổ chức hội chẩn trực tuyến giữa BV tuyến trên với tuyến dưới và nhằm giảm tải số lượng người bệnh lên các tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động này. Vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể. Đơn cử, việc thanh toán KCB bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người bệnh sẽ như thế nào, hay thanh toán chi phí đường truyền KCB trực tuyến cho các cơ sở y tế ra sao.

“Về mặt chuyên môn, để được thăm khám và chẩn đoán trực tuyến, người bệnh buộc phải tự đo huyết áp, đường máu, thân nhiệt, nội soi tai mũi họng, ghi điện tâm đồ. Thiết bị y tế để thực hiện các công việc này không hề rẻ, lại chưa được cộng đồng, người dân tự sử dụng một cách phổ biến”, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu nói. Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc chi trả cho các bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa, cần có chế độ chính sách phù hợp.

Thông tin về quá trình triển khai KCB từ xa tại BV Nhi T.Ư, PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV cho hay, BV đã sử dụng phần mềm Zoom, hội chẩn được 10 trường hợp với các BV vệ tinh. Điển hình là trường hợp bé gái người Lào bị nang phổi bẩm sinh đã được các bác sĩ tại BV hội chẩn từ xa để chủ động điều trị. Về điều này, ông Điển cũng cho biết, để triển khai có hiệu quả KCB từ xa cần đào tạo nguồn nhân lực có chứng chỉ, quy trình thực hiện phải có hành lang pháp lý cụ thể.

Cần có cơ chế tài chính

Theo GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế, KCB từ xa không làm thay đổi hệ thống mà mang tính hội chẩn liên viện, hội chẩn toàn tuyến, không thay thế KCB truyền thống. Ông Long đã đưa ra hai vấn đề chính cần phải giải quyết là: Làm thế nào để các BV tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn thường xuyên và khi cần thiết? Làm thế nào để mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết? Về mặt ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB từ xa, cần có nền tảng công nghệ hiệu quả, kết nối đa tuyến, nâng cao năng lực KCB.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị quy định rõ trách nhiệm của BV từ T.Ư tới địa phương khi triển khai Đề án KCB từ xa. Từ đó, tiến tới xây dựng hệ thống khám bệnh online, khám bệnh qua thẻ BHYT, tin nhắn điện thoại.

Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Quý Tường cho rằng, việc tư vấn KCB từ xa giữa BV với BV cần áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao. Lâu dài, cần có cơ chế tài chính để bảo đảm tính bền vững cho đề án này. “Đến thời điểm này đã có quy định chi trả cho KCB từ xa nhưng đang thiếu quy định xây dựng giá cho từng loại hình. Nếu không đưa BHYT vào Đề án thì không thể thanh toán được chi phí”, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho hay. Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm khẳng định, nếu quy định được giá cụ thể của từng loại hình KCB từ xa thì BHYT sẽ thanh toán được. Sau khi tính toán giá phải xác định đối tượng chi trả tư vấn KCB từ xa.

Để Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020 - 2025 nhanh chóng được triển khai trong thực tế, Thứ trưởng Long đề nghị Vụ BHYT khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế, kết cấu trong BHYT để rõ ràng trong việc thanh toán, chi trả chi phí KCB từ xa cho người dân.

“Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020 - 2025” được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, giảm quá tải BV, đặc biệt là các BV tuyến trên, góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Dự kiến có 15 BV thuộc mạng lưới BV hạt nhân theo chuyên khoa và đa khoa do Bộ Y tế chỉ định gồm: Bạch Mai, T.Ư Huế, Việt Đức, Chợ Rẫy, E, Phụ sản T.Ư, Từ Dũ, Nhi T.Ư, Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh; Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Xanh Pôn. Đề án ưu tiên đầu tư cho 400 BV tuyến tỉnh, tuyến huyện, BV tư nhân là BV vệ tinh của 15 BV hạt nhân.