Tăng cơ hội việc làm cho lao động biển

Sự cố môi trường biển năm 2016 đã tác động nghiêm trọng tới các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sau ba năm, vấn đề việc làm cho các lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố năm 2016 đã dần được giải quyết, góp phần ổn định đời sống của người dân và khôi phục, phát triển kinh tế địa phương.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình có nhiều hoạt động tích cực trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình có nhiều hoạt động tích cực trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Cầu nối là sàn giao dịch việc làm

Ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã sử dụng kinh phí hỗ trợ để tái đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề đúng mục đích. Bên cạnh đó cũng thực hiện nhiều chính sách: Hỗ trợ người dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm để bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Trong sáu tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tuyển được 5.042 học viên, trong đó có 32 học viên hệ cao đẳng, 134 học viên hệ trung cấp, 3.354 học viên hệ sơ cấp, 1.522 người tham gia các khóa học dưới ba tháng và 3.181 người đã tốt nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động qua các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn tập trung, tư vấn qua điện thoại hoặc trang thông tin điện tử. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ vào ngày 12 và 16 hằng tháng cùng những phiên giao dịch lưu động tại các địa phương đã thu hút gần 200 lượt doanh nghiệp tham gia, trở thành cầu nối giữa các đơn vị tuyển dụng và người lao động. Việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được tiến hành hiệu quả với nhiều biện pháp thiết thực như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, chi phí khám sức khỏe, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và hỗ trợ vay vốn (mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Nhà nước quy định).

Đánh giá về hoạt động của sàn giao dịch việc làm trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình nhận định, với 18 phiên giao dịch việc làm được tổ chức, 11.936 lượt người lao động được tư vấn, 2.148 lượt người được giới thiệu việc làm, 169 người xuất khẩu lao động, Trung tâm “đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động tại địa phương phát triển, thu hút đông đảo các cấp, ngành tham gia và trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà tuyển dụng cũng như người tìm việc. Đây còn là một trong những căn cứ để các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo nghề nắm bắt sát tình hình cung - cầu lao động trên thị trường nhằm có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động trong tỉnh”.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

Tại Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển năm 2016 đã ảnh hưởng nặng nề tới 22.780 hộ gia đình và 65 xã, với gần 24.500 người mất việc và không có việc làm ổn định, trong đó có 14.770 nghìn người trực tiếp làm trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. Số người thất nghiệp thuộc ngành kinh doanh thủy sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần, dịch vụ khách sạn - nhà hàng và ngành sản xuất muối cũng gia tăng đáng kể.

Sau sự cố, bên cạnh việc kịp thời chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các gia đình bị tổn thất theo Quyết định của Chính phủ về việc bồi thường thiệt hại cho bảy nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển tại miền trung, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức thường xuyên và hiệu quả. Với sự tham mưu của Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí cho hoạt động đào tạo nghề tại các địa phương, ưu tiên những học viên là người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh cũng tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động, đồng thời triển khai nhiều phiên giao dịch việc làm với mật độ thường xuyên hơn tại các vùng duyên hải, đặc biệt là những địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Bằng nhiều biện pháp thiết thực như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, chi phí khám sức khỏe, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và hỗ trợ vay vốn, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ 35.762 người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Rumani...

Tính đến giữa tháng 3-2019, tổng kinh phí cho việc hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển của Hà Tĩnh là 29,564 tỷ đồng. Ngoài ra, 1.730 dự án vay vốn để sản xuất của người lao động đã được phê duyệt và giải quyết thủ tục nhanh chóng với tổng số tiền là 59,588 tỷ đồng. Nhờ đó, 2.523 lao động có cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập. Số vốn được vay phần lớn được dùng để tái đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.