Tâm huyết của người thầy Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà

Từ năm 1981 đến nay, mỗi tuần ba buổi tối, võ sư Hồ Văn Tường chạy xe gắn máy từ nhà ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức hay từ những cơ sở đào tạo đến Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh để dạy võ cho các môn sinh mà phần lớn là các bạn sinh viên, học sinh. 

Võ sư Hồ Văn Tường hướng dẫn thế võ cho các môn sinh.
Võ sư Hồ Văn Tường hướng dẫn thế võ cho các môn sinh.

Luyện võ: Lợi ích bất ngờ

Là người con của phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) nơi phát xuất môn phái Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà, võ sư Hồ Văn Tường ý thức rất rõ việc gìn giữ và phát huy nền võ học nước nhà. Ông ghi vào lòng những điều mà người cha cùng các võ sư tiền bối ân cần nhắc nhở. Là con nhà võ (ông là con của võ sư Hồ Văn Lành (tức Từ Thiện) không chỉ học tập, rèn luyện mà còn giúp cha huấn luyện môn sinh nhỏ tuổi, nghiệp dạy võ đã song hành cùng ông từ thời trẻ góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện của các lớp thanh thiếu niên, qua đó nêu cao truyền thống hào hùng, thượng võ của dân tộc.

Môn phái Võ lâm Tân Khánh ra đời từ thế kỷ 17 theo bước chân của người dân Việt khi đến khai khẩn vùng đất Nam Bộ. Các bậc tiền nhân đã tìm ra những đòn thế, bài quyền để chống thú dữ, giặc giã, bảo vệ thành quả lao động, giữ vững biên cương, phù hợp điều kiện sống trên vùng đất mới. Đến giữa thế kỷ 19, bà Trà - hậu duệ của một vị tướng Tây Sơn - cùng gia đình đến đây, truyền dạy võ thuật cho người dân ở Bình Chuẩn và Tân Khánh, kết hợp thế võ xưa thành môn phái Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà. 

Võ sư Hồ Văn Tường kể: “Ngày 18-7-1981, Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh khai giảng khóa đầu tiên truyền bá môn phái Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà. Từ đó đến nay, tôi có nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là nhiều lần các bạn môn sinh báo cho tôi biết là sử dụng Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà để tự vệ rất hiệu quả. Bên cạnh đó, không ít các bạn tập võ từ khi còn nhỏ đến nay đều vui sướng báo cho tôi hay là các bạn đã có chiều cao như mình mong muốn. Như Phạm Ngọc Thành (17 tuổi) sau nhiều năm luyện tập đã cao 1,7 m, Nguyễn Thiên Thanh (13 tuổi) cũng cao 1,6 m. Tôi vui lắm, như vậy phương pháp phát triển chiều cao bằng tập luyện Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà đã thành công. Đặc biệt, nhiều bạn sau khi tập Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà đều nhận thấy sức khỏe được tăng cường, năng động trong cuộc sống và giữ bình tĩnh trước mọi tình huống”.  Cũng vì nhận ra lợi ích này mà từ năm 1995, ông còn mở lớp dạy Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà miễn phí cho sinh viên, học sinh. Hằng năm chiêu sinh ba đợt (đầu tháng 3, đầu tháng 6 và đầu tháng 10), qua đó tạo sân chơi hữu ích cho các bạn trẻ.

Đặc biệt, năm 2009, võ sư Hồ Văn Tường bị tai biến, sau khi chữa trị, ông vẫn liệt nửa người, bác sĩ khuyên cần phải tránh vận động mạnh. Tuy nhiên, lòng say mê và tâm huyết đã giúp ông tập luyện trở lại, hồi phục và quay về với các môn sinh. 

Tâm huyết của người thầy Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà -0
Võ sư Hồ Văn Tường chỉnh thế võ cho môn sinh. 

Lan tỏa tinh hoa dân tộc 

Cùng với việc dạy, võ sư Hồ Văn Tường còn biên soạn bài võ. Năm 1979, do yêu cầu của lớp võ dân tộc cần một bài binh khí ở trình độ sơ cấp, dựa vào vốn liếng võ thuật, ông biên soạn bài Tứ Linh Đao cho chương trình huấn luyện sơ cấp. Bài võ nhận được sự tán thưởng của người dạy và người học. Ông còn nghĩ ra cách tối ưu hóa những bài quyền và bài vũ khí, dựa trên những bài bản chính thống của Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà để các môn sinh nước ngoài dễ dàng tập luyện. Sau gần 40 năm đứng lớp, ông đã có hàng nghìn môn sinh tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố. Ngoài công việc chính, họ còn tham gia truyền bá võ thuật. Không gì vui hơn với người thầy là nhìn thấy những môn sinh có sức khỏe dẻo dai, rèn luyện các phẩm chất dũng cảm, bình tĩnh, kiên trì…, làm tròn công việc được giao. Đồng thời, trong những người học còn được nuôi dưỡng niềm tự hào về môn phái mà mình tập luyện, tu dưỡng. 

Buổi tối các ngày thứ hai, tư, sáu trên sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh, các môn sinh của ông hăng say tập luyện. Hiện nay lớp có khoảng 50 môn sinh với 10 em nữ, độ tuổi từ 9, 10 đến trên 40. Người mới nhập môn thì đai đen, học khoảng một năm thi lên đai xanh, hơn nữa là đai đỏ, đai vàng và cao nhất là đai trắng. Anh Nguyễn Ngọc Tâm, 42 tuổi, nhà ở quận 4, đã theo học từ năm 20 tuổi, nay đạt đến đai trắng, ban ngày đi làm, buổi tối đến phụ thầy huấn luyện các môn sinh mới. Hay anh Nguyễn Văn Thắng, 31 tuổi, quê Trà Vinh, hiện là nghiên cứu sinh ngành Vật lý Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Sáng làm việc tại trường, chiều lại từ quận 9 chạy xe sang tập luyện. Hay chị Đoàn Thị Cẩm Tú, 24 tuổi, quê Tây Ninh đang là sinh viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã đến lớp võ được 4 năm, theo chị, luyện võ vừa tăng cường thể chất vừa để bảo vệ bản thân. Rồi người bạn Argentina, Adrián, 33 tuổi, khi tham quan TP Hồ Chí Minh, nhìn các môn sinh đi những đường quyền, thế võ, lấy làm “tâm phục, khẩu phục”, liền xin nhập môn! 

Quan tâm đến việc rèn luyện thân thể của các bạn trẻ, võ sư Hồ Văn Tường cho hay, ông đã đăng tải lên YouTube gần 200 bài quyền, bài vũ khí và các kỹ thuật khác, ai xem đều có thể tập theo được. Ông nói: “Ý nghĩa của việc viết sách, phổ biến bài bản công khai trên YouTube nhằm hai mục đích, thứ nhất, cho các bạn môn sinh ở xa có thể ôn luyện và học hỏi thêm. Thứ hai, tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải truyền dạy lại, không vì sự ích kỷ mà làm cho môn phái bị thất truyền!”. 

Năm 2013, võ sư Hồ Văn Tường nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa dân gian của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Hiện, ngoài võ thuật, ông còn giảng dạy tại một số trường cao đẳng, đại học tại TP Hồ Chí Minh.