Sẵn sàng phát hành thẻ bảo hiểm điện tử

Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2020, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử cho người tham gia. Sự thay đổi này mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) và cơ quan BHXH.

Thẻ bảo hiểm điện tử sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý, khai thác, giải quyết chế độ BHXH, BHYT .Ảnh: H.ANH
Thẻ bảo hiểm điện tử sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý, khai thác, giải quyết chế độ BHXH, BHYT .Ảnh: H.ANH

Ngăn chặn các hành vi trục lợi

BHXH Việt Nam cho biết, thẻ bảo hiểm điện tử là dạng thẻ chip, kích cỡ giống hệt với một chiếc thẻ ATM hay Master card, trong đó tích hợp dữ liệu cả thẻ BHYT và sổ BHXH, lưu giữ các thông tin cơ bản, quá trình đóng, hưởng của người tham gia BHXH, BHYT, người sử dụng thẻ được xác thực thông qua đầu đọc và nhận diện vân tay.

Dữ liệu chi tiết của thẻ bảo hiểm điện tử đối với người tham gia BHXH, BHYT sẽ được lưu giữ tại Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành BHXH, các dữ liệu này sẽ được truy xuất khi người tham gia thực hiện các giao dịch như khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ BHXH... Thẻ bảo hiểm điện tử sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý, khai thác, giải quyết chế độ BHXH, BHYT đồng thời rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng như mang lại nhiều ứng dụng tiện ích cho người sử dụng.

Ông Đỗ Văn Quảng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chia sẻ: Thẻ BHYT giấy như hiện nay có hình thức nhỏ, gọn, phù hợp việc đem theo người như các loại giấy tờ tùy thân khác. Tuy nhiên, do chất liệu thẻ BHYT vẫn làm bằng giấy nên dễ bị rách, hỏng, nhất là đối với bệnh nhân thường xuyên KCB.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương (quận Ba Đình) khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Sait Paul cho rằng: Mặc dù đã có mã vạch nhưng thẻ BHYT hiện nay chưa có ảnh, dữ liệu cũng chưa quét ảnh của người có thẻ, do đó khi đi KCB, bệnh nhân vẫn phải trình giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ khác gây bất tiện, đặc biệt là vẫn có nhiều trường hợp thông tin thân nhân không thống nhất giữa thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân)...

Ngoài tạo thuận lợi trong việc KCB cho người bệnh cũng như thanh toán BHYT, quản lý người bệnh, kiểm tra các lần KCB phục vụ điều trị, cấp thuốc điều trị phù hợp, tránh kháng thuốc… rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính, theo Trưởng ban Sổ - Thẻ BHXH Việt Nam Võ Khánh Bình, khi chuyển đổi sang sử dụng thẻ BHYT điện tử sẽ tiết kiệm cho ngân sách và Quỹ BHYT.

Cụ thể, việc chuyển đổi này sẽ giảm chi phí đổi thẻ BHYT do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng… Giảm chi phí giao dịch khi thực hiện thẻ đa chức năng với việc tích hợp các tiện ích ứng dụng trên thẻ như: Nộp tiền BHYT qua thẻ ATM, internet banking, tra cứu thông tin đóng - hưởng BHYT.

“Việc quan trọng hơn là ngăn chặn kịp thời các hành vi lạm dụng, trục lợi BHYT như mượn thẻ BHYT, gian lận BHYT... thông qua chức năng quản lý lịch sử, lịch trình KCB và kiểm tra thông tin các lần KCB BHYT trong ngày và những lần KCB gần nhất liên tiếp trong ngày, trong tháng của người bệnh có thẻ BHYT”, ông Bình cho hay.

Bảo đảm đầy đủ quyền lợi trong giai đoạn chuyển đổi

Chỉ còn hai tháng nữa ngành BHXH phải hoàn thiện mọi dữ liệu, thủ tục cho việc cấp thẻ. Để thực hiện tốt quy trình đổi thẻ BHYT, thay thế hoàn toàn cho thẻ BHYT và sổ BHXH giấy như hiện nay, BHXH Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT.

Cụ thể, BHXH Việt Nam đã ban hành các quy định về việc cấp mã số BHXH cho các đối tượng tham gia với mục tiêu mỗi người chỉ có một mã số BHXH duy nhất khi tham gia BHXH, BHYT. Từ giữa năm 2016, cơ quan BHXH đã tiến hành rà soát từng đối tượng và hộ gia đình tham gia BHXH, BHYT nhằm đồng bộ hóa dữ liệu lên hệ thống thông tin do ngành BHXH quản lý.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, hiện tại, các điều kiện về cơ sở hạ tầng ứng dụng CNTT trong quản lý đã cơ bản hoàn thiện, BHXH Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu tập trung về đối tượng tham gia và hoạt động nghiệp vụ của ngành trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT như cấp số định danh cá nhân (mã số BHXH) cho người tham gia.

Mặt khác, người tham gia và các cơ sở KCB cũng đã quen với việc tra cứu thông tin về thẻ BHYT trên Cổng dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT. Do đó, việc triển khai thẻ BHYT điện tử trong thời gian tới là rất thuận lợi.

Hiện, cả nước có 85,238 triệu người có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số. Mục tiêu năm 2025 hơn 95% dân số có BHYT. Theo BHXH Việt Nam, với người tham gia BHYT đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Trong giai đoạn chuyển đổi sang thẻ điện tử, BHXH Việt Nam vẫn bảo đảm đầy đủ các quyền lợi người bệnh.