Phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1677/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025. Mục tiêu nhằm củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025

Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 92% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, trong đó hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường.

Chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt hơn 43,29% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ vốn đã giao trong ba năm (2016- 2018) của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) mới đạt 33.748 tỷ đồng (đạt 43,29% kế hoạch vốn trung hạn được giao). Số vốn còn lại giai đoạn 2016 - 2020 là 44.207 tỷ đồng (bằng 56,71% kế hoạch vốn trung hạn được giao) sẽ tạo áp lực cho việc thực hiện và giải ngân (trong trường hợp được bố trí đủ nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao). Tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình được cấp có thẩm quyền giao trong giai đoạn 2016 - 2020 là 77.955 tỷ đồng (Chương trình nông thôn mới là 48.257 tỷ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng).

Bộ Tài chính đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản theo trách nhiệm của từng cấp ngân sách làm cơ sở bố trí vốn theo Nghị quyết số 32/2016/QH14 của QH, không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau ngày 31-12-2014.

Cơ chế một cửa quốc gia đã tiếp nhận, xử lý hơn 1,66 triệu bộ hồ sơ

Theo Tổng cục Hải quan, thống kê đến cuối tháng 11-2018, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối 130 thủ tục hành chính (TTHC) được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), tăng 62 TTHC so thời điểm nửa cuối tháng 10-2018. Kết quả, các bộ, ngành đã tiếp nhận, xử lý hơn 1,66 triệu bộ hồ sơ của hơn 25.300 doanh nghiệp tham gia.

Phạt nhiều cơ sở thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với bốn cơ sở vi phạm ATTP với tổng số tiền phạt gần 130 triệu đồng. Cả bốn cơ sở này đều có sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm về ATTP.

Trong đó, Công ty CP Quốc tế Lotuzz (ở số 4 Trương Quốc Dung, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) bị phạt số tiền 50 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Công ty CP Dược phẩm Quốc tế USA (ở 61A1 khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 40 triệu đồng vì sản xuất lô sản phẩm có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn.

Cục ATTP đã buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.