Nỗi lo cây xanh ngã, đổ trong mùa mưa

TP Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, đây cũng là giai đoạn các cây xanh dễ ngã, đổ gây ra những tai nạn đáng tiếc cho người đi đường. Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng nhằm phòng ngừa cây xanh ngã, đổ, người dân cũng cần hết sức thận trọng, chủ động phòng, tránh những tình huống bất ngờ này. 

Một cây xanh ngã đè gây hư hại một ô-tô tại quận 7.
Một cây xanh ngã đè gây hư hại một ô-tô tại quận 7.

Bất ngờ gặp tai nạn

Mới đây, vào chiều 12-4, một trận mưa lớn đầu mùa xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khiến nhiều cây xanh ngã, đổ, tét nhánh. Đáng tiếc là các sự cố này khiến nhiều người gặp tai nạn phải nhập viện điều trị, hư hại nhiều tài sản có giá trị. Như trường hợp một lái xe công nghệ, trời mưa lớn, khi lái xe đang chở khách lưu thông trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) thì một cây sao cao khoảng 30 mét bất ngờ bật gốc đổ xuống. Do quá bất ngờ nên cả hai đã gặp nạn. Sự việc khiến nữ hành khách bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu còn lái xe cũng bị xây xước nhẹ, chiếc xe máy bị hư hỏng nặng. 

Cùng trong buổi chiều đó, cơn mưa lớn làm một số cây xanh tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) bật gốc, trong đó, một chiếc xe ô-tô hiệu Mazda CX9 trở thành “nạn nhân” khi thân cây đổ khiến phần trần xe bị hư hỏng nặng. Rất may mắn, chủ nhân của chiếc xe này không bị cây đè trúng người. Tương tự, ngày 16-4, một trận mưa lớn kèm gió cũng làm xảy ra một số sự cố về cây xanh trên nhiều tuyến đường như: Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh (quận Tân Bình), Âu Cơ, Lũy Bán Bích (quận Tân Phú)… trong đó, nhiều cây lớn bị bật gốc đổ xuống đường khiến giao thông vào buổi sáng trên một số tuyến đường gặp nhiều khó khăn. 

Còn nhớ, vào đầu mùa mưa năm 2020, một số trận mưa lớn cũng gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm đối với người đi đường. Đơn cử như vụ việc một cành cây gãy trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) khiến người đàn ông 62 tuổi tử vong khi không may bị cây rớt trúng người khi đang lưu thông trên đường. Tại sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), một gốc phượng cũng bật gốc đè trúng một học sinh đang ngồi phía dưới khiến em này tử vong và một số em bị thương. Cây xanh ngã, đổ, tét nhánh nhiều năm qua trở thành nỗi lo thường trực của người dân khi lưu thông trên đường, nhất là vào mùa mưa.

Chủ động “khám bệnh” cho cây

Để hạn chế các sự cố từ việc cây xanh ngã, đổ, tét nhánh, từ hai tháng trước khi bước vào mùa mưa, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn đã yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác rà soát liên quan cây xanh. Theo đó, khi xảy ra sự cố về cây xanh ngã đổ, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật chủ trì, phối hợp Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty Cây xanh), các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố, giảm thấp nhất các thiệt hại và hạn chế ùn tắc giao thông. 

Giám đốc Công ty Cây xanh Lê Công Phương cho biết, hiện đơn vị đang quản lý, chăm sóc 88.000 cây xanh đường phố và trong công viên. Trước khi mùa mưa đến, công ty đã thực hiện rà soát, khảo sát các cây cổ thụ, cây trong danh mục cấm trồng ở các địa điểm có nguy cơ xảy ra sự cố cây ngã đổ; thường xuyên cắt tỉa, thu gọn tán cây, mé nhánh nặng cành. Đơn vị cũng tăng cường công tác kiểm tra và đề xuất đốn hạ để trồng thay thế các cây sâu bệnh, già cỗi, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm;… Về nguyên nhân gây ra tình trạng cây ngã, đổ, bật gốc, đại diện Công ty Cây xanh cho biết: Nhiều năm qua, tại một số khu vực đô thị, tình trạng người dân có hành vi bức tử cây xanh để phục vụ mục đích cá nhân (như tăng diện tích mặt bằng kinh doanh, tạo khoảng thông thoáng trước nơi ở, chiếm dụng để kinh doanh…) diễn ra phổ biến. Ngoài ra, thời tiết diễn biến bất thường, thay đổi khí hậu, môi trường; mật độ xây dựng đô thị lớn với nhiều tòa nhà cao tầng khiến thay đổi hướng gió… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cây xanh bất ngờ bật gốc khi có mưa lớn, gió mạnh.

Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị chủ động phòng tránh, ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do sự cố hạ tầng kỹ thuật gây ra trong năm 2021; đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Mặt khác, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cần đặc biệt chú trọng các cây có hệ rễ bị xâm hại do việc thi công các công trình (nâng cấp vỉa hè, cấp thoát nước, điện lực, viễn thông…).

Nỗi lo cây xanh ngã, đổ trong mùa mưa -0
Một gốc phượng ngã, đổ trong Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) khiến một học sinh tử vong 
vào tháng 5-2020. 

Nêu cao ý thức phòng ngừa

Liên quan tình trạng cây ngã đổ, tét nhánh gây tai nạn, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố khuyến nghị người dân khi phát hiện mối nguy hiểm, đặc biệt là hành vi xâm hại cây xanh, cần liên lạc qua số tổng đài 1022 để các đơn vị chức năng kịp thời xử lý. Theo ông Điệp, các công tác chủ động phòng ngừa sự cố liên quan cây xanh dù được các đơn vị quản lý triển khai thường xuyên song các tình huống vẫn xảy ra ngoài ý muốn, nên khi có mưa lớn kèm gió mạnh, lốc, người dân nên hạn chế lưu thông ngoài đường hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. 

Theo các chuyên gia về đô thị, việc trồng cây xanh trong đô thị có nhiều tác dụng tạo mảng xanh, điều hòa không khí, song có mặt trái là nguy cơ gãy, đổ gây tai nạn. Trong đó, cây có hệ rễ ngang, cây bị bức tử thì dễ bị ngã đổ khi gặp gió mạnh. Để chủ động phòng ngừa, thành phố cần thực hiện các chính sách như chọn loại cây trồng phù hợp đô thị, quản lý, chăm sóc hợp lý; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý khi cây xảy ra các sự cố tác động đến đời sống xã hội. Các đơn vị quản lý cây xanh cần tham khảo hoặc có đội ngũ chuyên gia về cây xanh đô thị để đánh giá đúng thực trạng, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là trong mùa mưa, bão. 

Đối với hành vi “bức tử” cây xanh, nhiều luật sư cho rằng: gây tổn hại cây xanh với mục đích cá nhân là hành vi có thể dẫn đến những nguy cơ về gãy đổ, bật gốc cây xanh, gây ra các tai nạn liên quan con người và tài sản. Tuy nhiên, chế tài đối với hành vi này hiện vẫn tỏ ra chưa có tác dụng khi mức xử phạt hành chính chỉ từ 10 - 15 triệu đồng (Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017). 

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Chủ tịch Hãng luật Giải Phóng nêu ý kiến: Trường hợp cây xanh ngã đổ gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân thì tùy theo trường hợp, những người liên quan có thể bị xử lý hành chính, dân sự, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có cơ sở xử lý, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét, điều tra để xác định nguyên nhân. Nếu nguyên nhân đến từ việc quản lý, chăm sóc do đơn vị, cá nhân có trách nhiệm, thì hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có thể bị xem xét theo Bộ luật Hình sự, tất nhiên sẽ xem xét thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, người có tài sản bị thiệt hại. Trường hợp khác, sẽ khó quy trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân quản lý cây xanh, nếu nguyên nhân cây ngã đổ là do yếu tố khách quan (như thời tiết) và thực tiễn thì ranh giới giữa lỗi “chủ quan” và “khách quan” rất mong manh, khó xác định. Để hạn chế những thiệt hại và có cơ sở quy trách nhiệm, các địa phương cần yêu cầu đơn vị quản lý cây xanh phải có quy trình chăm sóc, đánh giá và các phương án bảo vệ cây xanh định kỳ để có đủ cơ sở xem xét trách nhiệm khi có sự cố. Ngoài ra, cần chủ động với nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người dân không nên đứng dưới các tán cây lớn khi mưa to, gió lớn, tự bảo vệ bản thân mình.