Những đứa trẻ nhà... biên phòng

Khi nhớ lại những gương mặt các cậu bé, cô bé đã gặp ở hai đồn biên phòng Hà Giang, tự nhiên tôi liên tưởng đến cách gọi đầy trìu mến “Những đứa trẻ nhà bầu Đức” của các cầu thủ lò bóng đá Hoàng Anh Gia Lai và cũng như thế, các bé con nuôi các đồn biên phòng tôi cũng muốn gọi là “Những đứa trẻ nhà… biên phòng” dù giữa “những đứa trẻ” của hai nơi ấy hoàn toàn khác nhau, thậm chí trái ngược. 

Cháu Mùa Văn Minh phụ giúp việc chăn nuôi ở đồn biên phòng.
Cháu Mùa Văn Minh phụ giúp việc chăn nuôi ở đồn biên phòng.

Hai cậu nhóc của các bố biên phòng Tùng Vài

Trong căn phòng chung, nơi ở những người lính biên phòng đồn Tùng Vài, từ chiếc giường trong cùng hơi tối vì tắt điện và đóng cửa trong giờ ngủ trưa, hai chiếc đầu với mái tóc ngắn gọn gàng từ chiếc chăn của một chú bộ đội thò ra sau tiếng gọi “Ly ơi, Dương ơi” của bố Tống Nguyên Ngân, Đội phó vũ trang, người được phân công trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc cho các bé. Như một người lính thực thụ, hai cậu tung chăn, nhanh chóng lăn xuống giường trở về căn phòng ở cạnh bên của mình.

“Dạ, bọn cháu đều gọi là bố ạ”, câu trả lời của cậu bé Mai Xuân Dương nhận được cái gật đầu đồng tình của cậu bé Thào Văn Ly khi tôi hỏi các con gọi các chú bộ đội biên phòng của đồn là gì. Chắc chắn rồi, không có nhiều đứa trẻ lại có được hạnh phúc có nhiều bố đến vậy. “Ở với các bố biên phòng con thích nhất gì?”. “Dạ, con thích nhất là được cùng thực hiện các chế độ trong ngày”. Cậu bé Thào Văn Ly trả lời, còn Mai Xuân Dương thì bổ sung thêm, đó là buổi chiều thích được đá bóng với các bố. Nói về các cầu thủ bóng đá, Dương bảo, thế giới em mê nhất là Ronaldo, còn Việt Nam, đó là Quang Hải bởi Ronaldo mạnh mẽ, sút như búa bổ còn Quang Hải thì có cái sườn và cổ chân dẻo như kẹo kéo. Và tất nhiên, cậu cũng không quên ước mơ sẽ là một cầu thủ bóng đá giỏi. Còn với Thào Văn Ly, cậu thích học toán, thích được chơi với các con số và rất mê nhà toán học Ngô Bảo Châu. Trong lớp, với môn toán, cậu lúc nào cũng đứng không nhất thì nhì. Nói về sở thích đọc sách, cả hai đều mê truyện cổ tích. Thào Văn Ly mê nhất truyện “Tấm Cám”, đặc biệt thích nhân vật bà cụ - người xé vỏ quả thị vứt đi để cô Tấm không thể chui vào đấy nữa. Còn Mai Xuân Dương thì thích truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, bởi họ là những vị thần mạnh mẽ và quyền năng. “Sơn Tinh mạnh mẽ rắn rỏi như… Ronaldo còn Thủy Tinh thì dẻo như Quang Hải nhỉ”.

Cả hai cậu bé cùng bật cười rồi gật đầu trước câu đùa của tôi.

Gương mặt xuội một nét buồn, Thào Văn Ly hơi cúi đầu xuống khi tôi hỏi em về mẹ. Em bảo, em thương và rất nhớ mẹ. Hè nào mẹ về thăm cũng đều ôm em và khóc dặn dò phải chăm ngoan học giỏi để mai này tự lo được cho mình. Em cũng rất thương các anh, các chị trong gia đình và cố gắng học giỏi để sau này có thể trở thành một người lính biên phòng như các bố ở đây.

Trung tá Đồn trưởng Biên phòng Tùng Vài Vũ Phan Nhân chia sẻ. Cả hai cháu đều sinh năm 2007 và đang học lớp 8 của trường cấp 2 xã Tùng Vài, hoàn cảnh gia đình đều hết sức khó khăn. Thào Văn Ly, bố mất năm 2014, mẹ lấy chồng khác hiện ở Thái An, Quản Bạ, Hà Giang. Anh trai Thào Văn Hồng sinh năm 2003, sau khi bố mất, phải nghỉ học để nuôi hai em. Đến năm 2017, khó khăn quá, chị của Ly là Thào Thị Hoa, sinh năm 2005 cũng phải bỏ học nốt. Ba anh em đùm bọc nuôi nhau qua ngày. Mai Xuân Dương dù bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh (bố là Mai Seo Giang, mẹ Sùng Thị Sinh cùng sinh năm 1986), nhưng hai người khi lấy nhau không đăng ký kết hôn và đã bỏ nhau. Cả hai cùng đi lấy vợ, chồng mới, bỏ lại Mai Xuân Dương ở với cậu mợ tại thôn Pao Mã Pìn, xã Tùng Vài, Quản Bạ, trong khi điều kiện kinh tế của cậu mợ Dương cũng hết sức khó khăn.

Sau khi rà soát các trường hợp trên địa bàn, căn cứ vào các tiêu chuẩn để nhận con nuôi, tháng 9-2019, cán bộ chiến sĩ đồn Tùng Vài đã đón hai cháu về ở tại đồn để chăm sóc nuôi nấng cho các cháu học hành.

Nhìn gương mặt rạng rỡ của hai cháu khi chào chúng tôi để chuẩn bị đến trường, tôi chợt nghĩ, biết đâu, hai cậu bé này tương lai, một có thể thành cầu thủ, một sẽ là nhà toán học tương lai, hoặc sẽ là những người lính biên phòng vững vàng, bản lĩnh và hiểu biết để bảo vệ đường biên mốc giới của Tổ quốc. Trước mắt, chắc chắn các cháu sẽ có một điểm tựa vững vàng để trở thành một công dân tốt, có thể lo được tương lai của mình.

Những đứa con của đồn Bạch Đích

Chúng tôi đến đồn Bạch Đích khi trời bắt đầu se lạnh báo hiệu chuẩn bị có một đợt rét mới. Thực hiện mô hình “con nuôi đồn biên phòng” của bộ đội biên phòng, qua rà soát, đồn Bạch Đích nhận nuôi hai con có hoàn cảnh khó khăn. Để bảo đảm thuận lợi cho việc đến trường của các con, vì đồn ở xa trường học nên cả hai đều không ở tại đồn mà một ở cùng các bố tại trạm kiểm soát biên phòng Bạch Đích, con còn lại được tạo điều kiện ở với gia đình.

Trải qua quãng đường khoảng 5 km khá xấu, chúng tôi bước vào trạm kiểm soát của đồn Bạch Đích để gặp Mùa Văn Minh, cậu bé đã mất bố, mẹ đang ở với em gái, điều kiện gia đình rất khó khăn. Trong chiếc áo phông đỏ có hình ngôi sao năm cánh như các cổ động viên bóng đá của đội tuyển quốc gia và chiếc quần soóc khỏe khoắn, Mùa Văn Minh thoăn thoắt đưa từng nắm cỏ vào bệ để một bố ở trạm kiểm soát Bạch Đích hạ lưỡi dao sắc lẹm xuống biến đống cỏ voi dài thượt thành những khúc nhỏ cho Minh mang ra đổ vào máng bò.

“Con làm thế này có thấy vất vả không?”. “Dạ không ạ”. Cậu bé thẹn thò trả lời. Như tính cách bao cậu bé người dân tộc, Mùa Văn Minh trả lời câu hỏi của tôi bằng những cái gật hoặc lắc đầu cùng những câu khá ngắn gọn. Giống tất cả con nuôi khác của các đồn, Mùa Văn Minh cũng thực hiện đầy đủ các chế độ trong ngày như các chú biên phòng. Sáng dậy đúng giờ tập thể dục sau đó gấp nội vụ gọn gàng, quét dọn phòng mình ở, ăn sáng rồi đi học. Vì trường cách trạm một quãng ngắn nên cháu tự mình đạp xe đến trường rồi đạp về. Hôm nào được nghỉ, Minh giúp các bố thái cỏ bò, tưới rau. Đến giờ thể thao nếu không tham gia cùng các bố, Minh sẽ đi đá bóng với bạn ở trường. Minh bảo mình thích học toán, ở lớp cháu cũng luôn đứng ở tốp đầu. Vì nhà không xa lắm nên thi thoảng mẹ và em gái vẫn đến thăm. Ước mơ của Minh là sau này sẽ trở thành một người lính biên phòng như các bố…

Để tìm hiểu thêm về mô hình con nuôi đồn biên phòng, tôi tìm gặp anh Phương, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Anh cho biết, sau khi mô hình “nâng bước em tới trường” phát huy hiệu quả, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục triển khai mô hình “con nuôi đồn biên phòng” đến tất cả các đơn vị trong Bộ Tư lệnh. Với mô hình này, các đồn sẽ rà soát để nhận các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi. Toàn bộ chi phí ăn học, quần áo, sách vở cho đến khi các cháu học xong THPT sẽ do cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh và các đồn đóng góp. Đồng thời quá trình kèm cặp, nếu cháu nào có khả năng, sẽ tạo điều kiện để cháu thi vào học đại học. Khi đó, bộ đội biên phòng sẽ tiếp tục hỗ trợ. Còn các cháu có đủ điều kiện nhập ngũ thì sẽ cho nhập ngũ để trở thành một người lính biên phòng.

Chiều cuối năm, Hà Giang vào đợt lạnh mới. Gió mùa đông bắc gõ cành cành vào vách núi. Nhưng cái giá lạnh ấy chẳng thể ngăn nổi những chúm chím đào bắt đầu hé cánh hồng trên những cành khẳng khiu chi chít nụ ở các đồn biên phòng Hà Giang mà tôi đi qua. Những nụ, bông và sắc hồng ấy, như “những đứa trẻ nhà biên phòng” mà tôi đã gặp. Ấm áp trong vòng tay yêu thương của các bố biên phòng nơi biên cương phía bắc của Tổ quốc thân yêu.

Chia sẻ về việc giáo dục các con, các đồng chí trong ban chỉ huy đồn Bạch Đích cho biết, khi đón các con về ở, đồn xác định, ngoài kèm cặp các con học hành thì việc rèn luyện tính tự lập, ngăn nắp có kế hoạch cũng được các bố hết sức coi trọng. Nó là hành trang cùng với kiến thức để các con chững chạc bước vào đời.