Nhiều mô hình phòng, chống Covid-19

Từ những ngày đầu tiên xuất hiện dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai các phương án tác chiến, kế hoạch nhằm đối phó kịp thời. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc xây dựng các bệnh viện dã chiến nhằm điều trị và cách ly người bệnh ra khỏi khu dân cư.

Bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động với quy mô 300 giường bệnh.
Bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động với quy mô 300 giường bệnh.

Bệnh viện dã chiến sớm hoạt động

Sau năm ngày khẩn trương phối hợp Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế, bệnh viện dã chiến (BVDC) phòng, chống Covid-19 của TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động từ ngày 10-2. BV đặt ngay trong khuôn viên Trường Quân sự thành phố (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi), quy mô 300 giường bệnh với 20 giường hồi sức tích cực, tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, ngành y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố xây dựng hai BVDC quy mô 500 giường. Trong đó, BVDC trên địa bàn huyện Củ Chi là 300 giường và huyện Nhà Bè là 200 giường. “Khi BVDC huyện Củ Chi sử dụng hết 300 giường thì ngành y tế thành phố sẽ nhanh chóng xây dựng BVDC ở huyện Nhà Bè”, ông Thượng nói.

Hình thức BVDC cho thấy sự chủ động của TP Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch bệnh. “Hiện các địa phương cũng đã xây dựng khu cách ly. Tuy nhiên, do diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp nên BVDC được xây dựng nhằm tiếp nhận, cách ly và điều trị những ca nghi nhiễm bệnh khi vượt khả năng của các địa phương”, đại diện ngành y tế thành phố nhấn mạnh.

Trong giai đoạn đầu, BV Bệnh Nhiệt đới sẽ chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho BVDC. Nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn sẽ do Bộ Tư lệnh điều động. Theo đó, lần lượt các BV thành phố và BV quận, huyện sẽ cử các bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến công tác tại BVDC, tùy thuộc tình hình diễn tiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Theo dự kiến, khi người bệnh còn ít (dưới 20 người), BV Bệnh Nhiệt đới phối hợp BV huyện Củ Chi bảo đảm mỗi ngày có bảy nhân sự thường trực tại BVDC. Khi số lượng người bệnh đông, Sở sẽ bổ sung điều động luân phiên bác sĩ, điều dưỡng… BVDC sẽ tiếp nhận, cách ly và chăm sóc hoàn toàn miễn phí theo quy định, cung cấp miễn phí ba bữa ăn/ngày đối với người bệnh và bốn bữa ăn/ngày đối với nhân viên y tế.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho hay, để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế tại BVDC, Bộ Tư lệnh thành phố đã thành lập thêm đội giữ binh và bộ phận hậu cần, phục vụ ăn uống cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Khu vực chung quanh BVDC chiến là đồng cỏ, không có nhà dân, thêm phần thuận lợi cho việc phòng lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đánh giá: Sở Y tế và Bộ Tư lệnh đã hết sức khẩn trương và trách nhiệm, hoàn thành BVDC 300 giường sớm hơn dự định. Việc này không chỉ ý nghĩa cho riêng công tác đối phó với dịch của thành phố mà còn đối với các vùng khác. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng thêm một số BVDC để chuẩn bị sẵn sàng đối phó dịch bệnh.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đánh giá cao việc TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng BVDC. TP Hồ Chí Minh hiện có 47 cơ sở có thể tiếp nhận cách ly người nhiễm Covid-19, Bộ đã đề nghị thành phố tận dụng tất cả các hệ thống này. 24 đội phản ứng nhanh của thành phố sẽ hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới các ca bệnh nhẹ, trường hợp nào nặng mới đưa lên tuyến trên, bảo đảm bốn tại chỗ, khoanh vùng, không để bệnh dịch lây lan.

Nhiều mô hình phòng, chống Covid-19 ảnh 1

Đẩy mạnh “5 tại chỗ”

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang thực hiện phương châm năm tại chỗ bao gồm: lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh khiết tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Thiện Nhân. Trong đó, nhiệm vụ tại chỗ là tất cả các sở, ngành, chủ tịch quận, huyện đều phải có kế hoạch riêng trong việc phòng, chống dịch bệnh. “Bí thư yêu cầu các sở, ngành, quận - huyện phải có kế hoạch. Kế hoạch này không phải cứng mà mềm dẻo, linh hoạt, tùy tình hình diễn biến dịch bệnh”, ông Liêm nói. Đến nay, thành phố đã ban hành 12 văn bản liên quan để chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thành phố cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến cấp thành phố để chỉ đạo xuyên suốt.

Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm báo chí thành phố thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn đến báo chí, tránh để người dân hoang mang. Theo đó, TP Hồ Chí Minh chú trọng tập trung tuyên truyền đến từng hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm báo chí thành phố đã in và phát hành năm triệu tờ rơi với nội dung những khuyến cáo phòng, chống bệnh Covid-19 cho người dân ở 24 quận, huyện. Cùng với đó, là in 4,5 triệu bản cam kết giữa các hộ dân và chính quyền trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đã cấp cho các quận, huyện để thực hiện ký cam kết.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn về củng cố công tác sẵn sàng khám, sàng lọc, thu dung điều trị người bị bệnh Covid-19. Theo đó, các BV phải phân công nhân viên y tế trực điện thoại đường dây nóng 24/24 giờ, tư vấn cho người dân các nội dung liên quan đến dịch bệnh do Covid-19, bảo đảm công tác tổ chức thường trực chống dịch bệnh 24/24 giờ; bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất phục vụ việc sàng lọc, tiếp nhận thu dung, cách ly và điều trị người bệnh. Đối với BV đa khoa, BV quận, huyện và BV chuyên khoa nhiễm, nhi, phụ sản và các BV tư nhân, phải bố trí khu vực cách ly riêng để quản lý người bệnh, cách ly theo dõi và điều trị.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo: Đối với các BV chuyên khoa lẻ khác và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có giường lưu, khi phát hiện người bệnh nghi nhiễm Covid-19, phải cách ly tạm thời, hội chẩn với BV Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng thành phố hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.