Nhiều giải pháp đột phá về giao thông

Năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng loạt nhiều giải pháp đối với ngành giao thông vận tải nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra của chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020.

TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh các công trình hạ tầng giao thông.
TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh các công trình hạ tầng giao thông.

Gỡ “nút thắt” cho nhiều dự án giao thông trọng điểm

Một trong những nút giao thông thường xuyên quá tải lưu lượng xe gây ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài từ trước tới nay là nút giao Mỹ Thủy (cửa ngõ Cảng Cát Lái, quận 2). Theo ghi nhận, hiện nay, việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng hạng mục cầu Kỳ Hà 3, hầm chui rẽ trái từ Vành đai 2 đi Cảng Cát Lái và cầu vượt trên Vành đai 2 đã giảm tải rất nhiều cho điểm “nóng” này.

Thế nhưng, theo lái xe Lê Văn Trường (Công ty TNHH dịch vụ vận tải hàng hóa Minh Liên, quận Bình Thạnh), thường xuyên lái xe container vận chuyển hàng hóa từ Cảng Cát Lái cho biết, trong những giờ cao điểm cuối tuần vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài hướng vào Cảng Cát Lái do lưu lượng xe cộ gia tăng đột biến, trong khi nút giao Mỹ Thủy vẫn chưa hoàn thiện tổng thể.

Đây cũng là một trong những công trình giao thông trọng điểm mà TP Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện hoàn thành trong năm 2020. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, năm 2020, nút giao thông Mỹ Thủy sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 gồm: Cầu Mỹ Thủy 3; cầu vượt rẽ trái từ Cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ; cầu Kỳ Hà 4, từ đó nhằm đồng bộ hoàn thiện và giải quyết bài toán quá tải cho nút giao thông quan trọng này.

Tương tự, tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn (nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2) dài gần 1,5 km, quy mô sáu làn xe được thiết kế kiểu dây văng. Công trình khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành dịp Lễ 30-4-2018 nhưng do vướng mặt bằng nên chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh dời kế hoạch quyết tâm đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành. Đến nay, phía bờ quận 2, do không vướng mặt bằng nên việc thi công thuận lợi. Phía bờ quận 1, nhà thầu đã làm xong các hạng mục trụ cầu, khó khăn lớn nhất là hai nhánh cầu chính kết nối trụ tháp dây văng trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đang vướng mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Sau khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là cây cầu thứ hai bắc qua sông Sài Gòn trong quy hoạch xây năm cây cầu cùng một hầm chui nối trung tâm và các quận khác với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giải tỏa áp lực giao thông chung quanh khu vực, kết nối khu Đông với trung tâm thành phố.

Tiêu biểu cho việc trễ hẹn là tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro, Bến Thành - Suối Tiên), mặc dù, dự án được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2007 và khởi công tháng 8-2012, nhưng đến nay dự án mới chỉ đạt hơn 70% tổng khối lượng công việc chung. Dự án có chiều dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Công trình dự kiến hoàn thành năm 2017, được kỳ vọng là bước ngoặt thay đổi phương tiện đi lại của người dân, tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh (trong đó lớn nhất là mặt bằng và nguồn vốn), khiến tuyến Metro này liên tục bị lỗi hẹn.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho hay, sau khi UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư cho tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), bài toán về nguồn vốn đã cơ bản được giải quyết. Ban quản lý và các nhà thầu đặt ra kế hoạch hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020 để đưa toàn tuyến vào khai thác cuối năm 2021. “Trong năm 2020, thành phố phấn đấu hoàn thành từng hạng mục của toàn tuyến. Tháng 6 tới sẽ đưa đầu máy, toa xe về lắp đặt và vận hành thử. Thành phố cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực đào tạo đưa đi đào tạo tại Nhật Bản để sẵn sàng tiếp nhận và vận hành dự án”, ông Cường thông tin.

Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, ngoài ra, hiện đang còn một số công trình giao thông trọng điểm đang còn trễ hẹn so kế hoạch đề ra như: Nút giao thông An Sương; đường Vành đai 2; bến xe Miền Đông mới… Thời gian tới, thành phố quyết tâm giải quyết một số khó khăn và vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng sớm đưa các dự án vào hoạt động.

Nhiều giải pháp đột phá về giao thông ảnh 1

Các công trình hạ tầng giao thông tạo ra những bước đột phá cho TP Hồ Chí Minh.

Quyết tâm để kết nối đồng bộ

Liên quan đến công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong năm 2020, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, năm 2020, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra như: khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng các tuyến quốc lộ trên địa bàn, các công trình khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cảng Cát Lái, các tuyến đường sắt đô thị và nâng cấp các tuyến đường trục chính, cửa ngõ… Để hết năm 2020, dự kiến hoàn thành 28 dự án công trình có quy mô lớn, đấu thầu khởi công 15 dự án; giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành 32 dự án và đấu thầu khởi công 36 dự án.

Mạng lưới đường thủy cũng được thành phố chú trọng phát triển kết nối. Theo Trung tâm quản lý đường thủy thành phố, năm 2020, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phát triển giao thông đường thủy, trong đó đề xuất thành phố ưu tiên vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. Song song đó, tập trung nguồn lực thực hiện các dự án kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển đối với Khu cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Khu Cảng Cát Lái (quận 2). Theo kế hoạch dự kiến đến tháng 4 tới, thành phố sẽ khai thác tuyến phà biển vận tải hành khách, hàng hóa từ huyện Cần Giờ đi Vũng Tàu và ngược lại. Giai đoạn 2020 - 2022, thành phố sẽ phát triển tuyến vận tải hành khách, phục vụ du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Sở đã đề xuất nghiên cứu và triển khai có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ các công trình giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, các tuyến cao tốc, đường sắt đô thị. Đặc biệt, rà soát hiện trạng sử dụng đất và nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị chung quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga metro để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các trục giao thông, các tuyến đường sắt đô thị. “Năm 2020, ngành giao thông sẽ tăng cường sử dụng mô hình mô phỏng giao thông trong việc dự báo nhu cầu giao thông, phân tích các vấn đề xảy ra trên mạng lưới giao thông trong quá trình khai thác, sử dụng cũng như xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển giao thông đô thị trên địa bàn thành phố”, ông Lâm nhấn mạnh.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên nguồn lực cho các công trình giao thông cấp bách để kéo giảm ùn tắc giao thông; duy tu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, đặc biệt tại các khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái; xây dựng một số nút giao trọng điểm, khép kín Vành đai 2, các tuyến đường tại khu vực cửa ngõ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Ở khu vực nội thành, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.