Nhiều cơ hội cho lao động xuất khẩu khi về nước

Người đi xuất khẩu lao động về nước có nhiều ưu điểm về tay nghề, văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, thông thạo ngôn ngữ, kỹ năng nghề nghiệp... Vấn đề là cần tạo ra nhiều cơ hội để những lao động này phát huy được thế mạnh của mình tại thị trường lao động trong nước.

Phỏng vấn online dành cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Hà Nội.
Phỏng vấn online dành cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Hà Nội.

Hơn 1.800 cơ hội việc làm

Ngày 15-10, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội; Văn phòng HRD Korea tại Việt Nam, Văn phòng IM Japan tại Việt Nam tổ chức “Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước”.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong những năm qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã có gần 10.000 lượt người lao động (NLĐ) được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước. Chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho NLĐ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm tạo cơ hội cho NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và du học sinh IM Japan của TP Hà Nội và các tỉnh lân cận tìm được việc làm sau khi về nước, có thu nhập để nhanh chóng ổn định cuộc sống, đồng thời động viên, khuyến khích NLĐ yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước, Văn phòng HRD tại Việt Nam đã tổ chức được 12 hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho NLĐ từ Hàn Quốc trở về; gần 500 lượt doanh nghiệp (DN) và hơn 1.500 lượt NLĐ tham gia, kết nối việc làm thành công cho hơn 600 NLĐ. Hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm đã giúp người lao động EPS về nước tìm được việc làm ổn định sau khi về nước và các DN đã tìm kiếm được nguồn LĐ có kinh nghiệm, tay nghề cao để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, DN.

Hội chợ lần này còn có kết nối trực tuyến giữa các sàn giao dịch việc làm (GDVL) Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc với sự tham gia của 63 DN cùng 1.852 chỉ tiêu tuyển dụng, mức lương dao động từ 5 đến hơn 15 triệu đồng/người/tháng. Đến tham dự Hội chợ, NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, thực tập sinh IM Japan về nước có nhu cầu tìm việc, được tiếp xúc và được tham gia phỏng vấn trực tiếp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam, cũng như các công ty khác tại Việt Nam.

Nhiều tiện ích từ tuyển dụng trực tuyến

Chị Trần Thị Ngoan, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel, một trong những DN đến tham gia Hội chợ việc làm chia sẻ: “Đến với Hội chợ, công ty tuyển hai ứng viên cho vị trí dịch thuật, với yêu cầu tốt nghiệp đại học và chứng chỉ tiếng Nhật N2 trở lên. Đã có bốn ứng viên tham gia ứng tuyển, trong đó có ba người dự tuyển trực tiếp tại sàn GDVL Hà Nội và một NLĐ dự tuyển trực tuyến thông qua ứng dụng phỏng vấn trực tuyến của Trung tâm”.

Là một DN có vốn đầu tư từ Nhật Bản trong lĩnh vực lắp ráp điện tử, anh Lê Đăng Thành cho biết: “Tham gia Hội chợ việc làm, công ty hy vọng tuyển được những LĐ đã từng đi làm việc tại Nhật Bản về nước, bởi họ đã am hiểu về văn hóa cũng như nguyên tắc khi làm việc với người Nhật Bản. Hôm nay, nhờ thông qua ứng dụng phỏng vấn trực tuyến, công ty tôi đã có thêm nhiều sự lựa chọn đến từ nhiều địa phương trong cả nước, không chỉ phỏng vấn các ứng viên trực tiếp có mặt tại sàn GDVL mà chúng tôi đã tìm được một ứng viên tiềm năng đến từ Nam Định thông qua mô hình phỏng vấn trực tuyến của trung tâm”.

NLĐ tham gia Hội chợ việc làm lần này phần lớn đã đi làm việc theo chương EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, với mong muốn tìm được công việc phù hợp kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ của mình để có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Thái Anh, sinh năm 1989, đến từ Thạch Thất (Hà Nội) đã từng đi lao động tại Hàn Quốc hơn bốn năm, vừa về nước năm 2019 chia sẻ: “Đến Hội chợ việc làm, tôi hy vọng tìm kiếm được việc làm phù hợp năng lực bản thân và có thể trau dồi kiến thức về tiếng Hàn khi được làm việc trong môi trường công ty Hàn Quốc. Tôi đã gửi hồ sơ cho ba công ty tại đây, đồng thời tham gia ứng tuyển cho một công ty cũng của Hàn Quốc đóng trên địa bàn huyện Thạch Thất thông qua việc phỏng vấn trực tuyến trên internet của Trung tâm DVVL Hà Nội. Tôi rất mừng vì vừa có cơ hội việc làm như mình muốn lại vừa gần nhà”.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội cho biết: “Kết nối trực tuyến đang là xu hướng trong thời đại bùng nổ công nghệ số. Đặc biệt, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người ta càng ngại di chuyển, tập trung nơi đông người. Nắm bắt được xu thế đó, Trung tâm DVVL Hà Nội đã biết cách tận dụng thế mạnh từ internet, biến website thành công cụ đắc lực nhằm kết nối doanh nghiệp với người lao động mọi lúc, mọi nơi. Giờ đây, thay vì DN, NLĐ phải đến các điểm, sàn GDVL để kết nối với nhau thì có thể ngồi tại cơ quan, DN, hay tại nhà thông qua các ứng dụng trên internet của Trung tâm để tuyển dụng và tìm việc làm”.

Kết thúc Hội chợ việc làm ngày 15-10 đã có 1.602 lượt NLĐ được tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường lao động; có 835 lượt người tham gia phỏng vấn tuyển dụng, trong đó có 182 lượt NLĐ trao đổi phỏng vấn online, trực tuyến (đạt 21,7%); kết quả đã có 287 NLĐ trúng tuyển, nhận được việc làm.