Nhiều “chiêu trò” trốn đóng BHXH

Những doanh nghiệp (DN) chây ỳ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn sử dụng mọi “chiêu trò” để né trách nhiệm. Chính vì thế, việc thanh tra, kiểm tra những DN này luôn gặp khó khăn và rất cần sự kiên quyết, khôn khéo của lực lượng chức năng.

Người lao động gặp nhiều khó khăn trong giải quyết chế độ khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: NG.HẢI
Người lao động gặp nhiều khó khăn trong giải quyết chế độ khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: NG.HẢI

Trong năm 2018, lực lượng thanh tra chuyên ngành của BHXH các địa phương phát hiện nhiều trường hợp người lao động (NLĐ) được chủ DN ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong hai năm. Sau khi hết hạn hợp đồng hai đến năm ngày, họ lại được ký tiếp “HĐLĐ mùa vụ”. Hay như, thanh tra tại một DN, đoàn thanh tra phát hiện nhiều NLĐ được ký HĐLĐ một năm (từ tháng 6-2017) nhưng chưa tham gia BHXH. Theo hồ sơ DN cung cấp, đến tháng 12-2017 NLĐ xin thôi việc nhưng đến tháng 4-2018 (ba tháng sau) lại được tiếp nhận vào làm việc với HĐLĐ mới và tham gia BHXH từ tháng 4-2018... Đây là những tình huống khá phổ biến mà nhiều đoàn thanh tra gặp phải. Tuy nhiên, cách ứng xử, giải thích của các chủ DN lại rất khác nhau, nên các đoàn thanh tra cũng có những xử lý khác nhau.

Ông Dương Quang Hớn, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH tỉnh Long An) cho biết, trong quá trình thanh tra, các đoàn còn phát hiện nhiều DN thỏa thuận với NLĐ trong HĐLĐ (ngoài lương) là khoản trợ cấp sáng kiến, thưởng hoàn thành nhiệm vụ với mức tiền cố định hằng tháng theo từng chức danh công việc. Từ đó, các DN không đưa các khoản này làm căn cứ để tính đóng BHXH, BHYT…

Tại nhiều DN, khi thanh tra mới phát hiện hàng chục NLĐ chưa được tham gia BHXH; thậm chí hàng nghìn NLĐ bị đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức tiền so thực tế. Lúc này, trách nhiệm của đoàn thanh tra là phải thu thập bằng chứng, tài liệu, đối chiếu quy định pháp luật mới có thể buộc DN thực hiện đúng. Đơn cử như thời gian qua, BHXH tỉnh Long An đã phát hiện 2.737 trường hợp NLĐ bị DN đóng thiếu so quy định và hơn 500 trường hợp không tham gia…

Theo ông Nguyễn Trọng Nam, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH TP Hồ Chí Minh, trước đây, “chiêu” mà các DN thường áp dụng là ký HĐLĐ thời hạn dưới ba tháng. Họ ký tối đa hai hợp đồng rồi sau đó giấu đi, chỉ khi bất đắc dĩ mới cung cấp cho cơ quan chức năng. Theo ông Nam, các DN thường có ba loại hồ sơ (gồm HĐLĐ, bảng lương), trong đó một bộ để lưu hành trong nội bộ DN, giữa các cổ đông; một bộ để báo cáo cơ quan chức năng, ngân hàng và một bộ để dùng cho chính NLĐ. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018, “chiêu” ký hai hợp đồng dưới ba tháng sẽ không thể áp dụng, vì Luật BHXH quy định HĐLĐ từ một tháng trở lên phải đóng BHXH cho NLĐ nên khả năng phát hiện DN gian lận sẽ cao hơn.

Thời gian gần đây, việc liên thông dữ liệu thuế hỗ trợ rất lớn cho cơ quan BHXH trong việc đối chiếu, kiểm tra các hành vi gian lận. Trước đây, DN có thể báo cáo thuế thu nhập DN một đằng và đóng BHXH một nẻo. Nhiều DN khai báo thuế trả tiền lương, tiền công cho NLĐ với số tiền vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để làm chi phí khấu trừ thuế thu nhập DN nhưng không đóng BHXH cho ai. Nay, cơ quan BHXH đã có dữ liệu của ngành thuế để đối chiếu nên DN khó “lách” quy định, thậm chí sai phạm sẽ bị xử lý rất nặng.

Theo đại diện BHXH một số tỉnh phía nam, khi bị thanh tra, nhiều DN còn cố tình cung cấp hồ sơ không đúng thực tế (bảng lương, HĐLĐ, quy chế trả lương…) gây khó cho công tác thanh tra.

Theo ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam), trong thực tế, công tác thanh tra của ngành gặp rất nhiều tình huống khác nhau. Do đó, ngoài nắm vững nghiệp vụ, cán bộ thanh tra luôn phải lưu ý, tiên liệu trước các tình huống có thể xảy ra để ứng xử phù hợp. Đơn cử, sau khi kết thúc thanh tra, phía đơn vị sử dụng LĐ không ký vào biên bản làm việc thì cần phải làm gì tiếp theo? Hay khi làm việc, Phó Giám đốc Công ty A không ký vào biên bản làm việc và biên bản xử phạt với lý do không được Giám đốc ủy quyền việc ký thì xử lý thế nào cho hợp lý?…

Ông Long cũng cho rằng, ngoài nắm vững kiến thức pháp luật, các đoàn thanh tra cũng cần linh hoạt xử lý, tránh máy móc. Thí dụ, một đợt thanh tra 10 DN vi phạm, khi bắt tay vào nhiệm vụ, nếu phát hiện một đến hai DN vi phạm thì phải lập biên bản xử phạt ngay, chứ không phải “máy móc” đợi đến khi thanh tra đủ cả 10 DN mới xử lý. “Sau khi thanh tra xong, phải kiên quyết yêu cầu người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp của DN ký biên bản làm việc, chứ không thể có chuyện bà kế toán, ông trưởng phòng nhân sự… đứng ra ký biên bản trong khi không có ủy quyền đúng pháp luật”, ông Long nhấn mạnh.