Ngăn chặn nạn tín dụng đen

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục có những diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy là sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và các hành vi giết người, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, tổ chức đánh bạc, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, đe dọa… Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an ninh xã hội. Điều đáng nói các biện pháp xử lý, kiểm soát vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Ứng dụng cho vay trên điện thoại.
Ứng dụng cho vay trên điện thoại.

Hoạt động ngày càng tinh vi

Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, các đối tượng cho vay lãi ngày càng tinh vi với các thủ đoạn phức tạp. Các đối tượng thường sử dụng website, ứng dụng điện thoại di động (App cho vay) để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục đơn giản để “nhử”. Người vay chỉ cần cung cấp ảnh, chứng minh thư, giấy phép lái xe hoặc sổ hộ khẩu. Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Tiền sẽ được chuyển luôn vào tài khoản của người vay. 

Gần đây, một hiện tượng khác là cho vay ngang hàng (P2P) mới du nhập vào Việt Nam, nhưng đã có khoảng 70 doanh nghiệp (DN) thực hiện P2P. Có DN sau ba năm đã có 14 nghìn tổ chức, cá nhân tham gia với vai trò là bên cho vay, 1,5 triệu cá nhân tham gia với vai trò là người đi vay. 

Thiếu tướng Trần Văn Hà, Cục trưởng Cảnh sát hình sự cho biết, các đơn vị này hoạt động không đúng với bản chất của hoạt động P2P, là trung gian kết nối giữa người đi vay và người cho vay. Nhưng các DN này cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính bán dữ liệu, thông tin cá nhân của người vay để gây nhiễu loạn thông tin và thu hút thêm nhiều người khác đến vay. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 4-2020, toàn quốc có 27.999 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ với hơn 1.000 người làm nghề. Trong đó có hơn 7.770 cơ sở cầm đồ có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” (1.410 cơ sở không có giấy phép), do 5.008 cá nhân làm chủ. Thêm nữa, có hơn 1.700 cơ sở kinh doanh tài chính liên quan đến “tín dụng đen” (521 cơ sở không có giấy phép), 3.909 cá nhân cũng có biểu hiện cho vay nặng lãi. Hiện nay, “tín dụng đen” có lãi suất từ 100% đến 300%/năm, thậm chí lên đến hơn 1.000%/năm, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính, tiền tệ cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Những năm qua, không ít vụ án VPPL liên quan “tín dụng đen” và đòi nợ thuê đã được các cơ quan chức năng xử lý. Nhiều đường dây đòi nợ thuê bị bóc gỡ. Tại TP Hồ Chí Minh, đầu tháng 6, lực lượng chức năng phát hiện đường dây “tín dụng đen” và đòi nợ thuê liên quan đến Công ty TNHH Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech. Tại Hà Nội, ngày 16-7, Công an quận Cầu Giấy đã triệt phá ổ nhóm tín dụng đen cho vay nặng lãi với lãi suất 180%/năm. Tại Quảng Bình, ngày 21-7, Công an TP Đồng Hới đã bóc gỡ đường dây “tín dụng đen” hoạt động trên địa bàn và bắt giữ 10 đối tượng có liên quan…

Ngăn chặn nạn tín dụng đen -0
Nhóm người bị bắt giữ trong đường dây cho vay nhanh qua app với hơn 60.000 người vay. 

Cần nhiều biện pháp mạnh

Về công tác đấu tranh, theo Thiếu tướng Trần Văn Hà, mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhưng qua tổng hợp còn nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương chưa quan tâm. Nhiều địa phương chưa thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, chưa ban hành kế hoạch hoạt động và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị. Việc phát hiện, kiến nghị thu hồi các thuê bao trên các tờ rơi, quảng cáo liên quan “tín dụng đen” chưa được thực hiện quyết liệt.

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cảnh sát hình sự cho biết thêm, hiện một số văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Việc cho vay và đi vay, tài sản, huy động vốn là quan hệ dân sự tự nguyện, có sự thỏa thuận của hai bên, thường không muốn công khai cho nhiều người biết, đến khi người vay bị các đối tượng đe dọa, bắt giữ, đánh đập, khủng bố tinh thần thì vụ việc mới được phát hiện, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn.

Bởi thế lúc này cần nhiều biện pháp hiệu quả để đấu tranh với các loại tội phạm này. Công an các địa phương với vai trò là nòng cốt, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ và nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”, không để ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi bảo kê, thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. 

Mặt khác, cần tăng cường rà soát, phát hiện tội phạm do các băng nhóm, tổ chức người nước ngoài huy động vốn lãi suất cao dưới các hình thức chơi họ, huy động tài chính dưới hình thức đa cấp, kinh doanh tiền ảo. Với các đối tượng côn đồ đã được rà soát, cần tăng cường các đối sách quản lý, tích cực xác lập chuyên án trinh sát, đấu tranh triệt phá.