Năm 2019 không in mới, không đổi thẻ BHYT

BHXH Việt Nam cho biết, với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thẻ BHYT, từ năm 2019, hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu người tham gia, không cần đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây. Ngoài ra, trên thẻ mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày nào, bỏ quy định ghi giá trị sử dụng đến ngày nào. Vì vậy, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT lâu dài, không phải đổi lại hằng năm.

Năm 2019 không in mới, không đổi thẻ BHYT

Việc cấp thẻ BHYT chỉ thực hiện với các trường hợp như mất, hỏng, có thay đổi thông tin quản lý in trên thẻ (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, loại đối tượng, mã hưởng, thay đổi nơi khám, chữa bệnh, thời gian đủ 5 năm liên tục).

Thực tế, từ ngày 1-8-2017, thẻ BHYT mới không ghi thời hạn sử dụng như trước đây, mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày... Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng... hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài theo số 1900 96.96.68 để được giải đáp. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng ký tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp.

Bảo đảm đủ kinh phí để thực hiện chính sách người có công

Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, Bộ đã giao dự toán 30.523,3 tỷ đồng cho Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi cho người có công (NCC) với cách mạng. Trong số kinh phí này đã bao gồm 50 tỷ đồng kinh phí thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu. Cũng trong năm 2018, Bộ Tài chính đã bổ sung 1.712 tỷ đồng để thực hiện pháp lệnh NCC với cách mạng. Về đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng, tổng kinh phí đã hỗ trợ năm 2018 là 8.140 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã hoàn thành việc hỗ trợ từ ngân sách T.Ư cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC… Theo Bộ Tài chính, với số kinh phí trên, năm 2018 ngân sách nhà nước đã bảo đảm kinh phí đủ, kịp thời để thực hiện chính sách NCC.

Phấn đấu 95% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm vaccine sởi

Theo Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh năm 2018 trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định, không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm có số mắc giảm so cùng kỳ năm 2017 như: Sốt xuất huyết, ho gà, nhiễm khuẩn do liên cầu lợn... Một số bệnh có số mắc tăng nhưng đã được khống chế kịp thời như: Sởi, tay chân miệng, dại, viêm não Nhật Bản.

Trong năm 2019, ngành y tế thành phố sẽ tập trung công tác phòng, chống dịch và có biện pháp khắc phục ngay những khó khăn trong thời gian ngắn nhất. Trước mắt, ngay trong tháng 1-2019 ngành rà soát lại các nội dung đã triển khai để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa con em đi tiêm phòng sởi đúng lịch, phấn đấu đạt khoảng 95%.

Ra mắt quỹ Sức khỏe là số 1

Ngày 25-12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Quỹ OneHealth Foundation (Sức khỏe là số 1) nhằm hỗ trợ các hoàn cảnh cơ nhỡ; chắp cánh cho các bạn trẻ tận dụng nhiều cơ hội sẵn có vì sự phát triển của đất nước và nhiều trẻ em nghèo đạt được ước mơ.

Quỹ Sức khỏe là số 1 là một tổ chức phi chính phủ (NGO), giúp xóa đói, giảm nghèo và cải thiện cuộc sống cho các hộ gia đình kém may mắn ở Việt Nam bằng cách tăng tiếp cận, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc y tế cho trẻ em và người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người cơ nhỡ không nơi nương tựa với chất lượng tốt nhất.