Mong bàu Súng trở lại như xưa

Vào các tháng từ tháng chín đến tháng ba âm lịch hằng năm, bàu Súng (xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên) lại nhộn nhịp tiếng đập nước về đêm. Qua thời gian dài khai thác với những “biến chứng” môi trường, người dân bắt đầu mong giữ gìn đầm nước như sinh kế của mình.

Niềm vui khi đầy cá.
Niềm vui khi đầy cá.

Nghề “mọn” nuôi bữa qua ngày

Bàu Súng là đầm nước ngọt bạt ngàn hoa súng. Với diện tích 2,5 km², ở đây cũng có nghề “mọn” đánh cá trong bàu.

Mỗi cuối năm, vào tháng chín âm lịch, những trận mưa lớn từ các nơi cao đổ về tạo nên mùa nước nổi ở bàu Súng. Đó cũng là lúc các kén trứng cá, trứng ốc còn vùi dưới bùn, bám trên ngọn cỏ được sinh sôi, nảy nở. Đây cũng là mùa đánh bắt cá đồng của bà con sống ở các thôn tiếp giáp với bàu như thôn Hòa Đa, thôn Giai Sơn, thôn Phú Long, thôn Phú Hòa.

Người dân đánh bắt cá đồng bằng nhiều dụng cụ khác nhau, tùy đối tượng đánh bắt mà có những cách thức và thời gian đánh bắt cho phù hợp. Một số dụng cụ có thể kể đến như lưới thả cá, lờ để nhử cá, vợt vớt ốc hay cái nôm mà dân địa phương hay gọi là cái đó để nhử con tôm,con cua…

Để có được những con cá tươi ngon, người nông dân đã phải rất kỳ công từ khâu chuẩn bị dụng cụ đánh bắt cho đến việc gỡ con cá từ tấm lưới như thế nào để còn nguyên vẹn. Trước đây, để làm ra được một tấm lưới, phải mất từ ba đến bốn ngày để hoàn thành. Từ công việc mua cước về rồi đan thành lưới, nấu nước sôi trụng qua cho lưới thẳng, rồi xuồng phao, cặp chì, từng công đoạn đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ. Nhưng nay thì đỡ rồi, ngoài thị trường đã có những tấm lưới cá làm sẵn với mức giá vừa phải.

Làm cái nghề này, đâu kể gì đến thời gian, có khi một ngày đi thả lưới, kéo lưới đến hai, ba lần. Ai làm lâu thì sẽ có kinh nghiệm và nhận biết được hướng nước chảy, lúc nào cá chạy để canh được thời gian và nơi đánh bắt. 1 giờ sáng, khi mọi người còn đang say giấc thì chú Lê Văn Mười (59 tuổi, thôn Hòa Đa, xã An Mỹ) đã bắt đầu công việc ngày mới với những tấm lưới cá trên chiếc ghe thường ngày đã cũ. Chiếc ghe này đã đồng hành cùng chú được mấy mùa nước nổi và là người bạn thân thiết nhất của chú trên bàu Súng. Không riêng gì chú, vào khung giờ ấy, giữa màn đêm yên tĩnh, ta có thể nghe thấy rất rõ tiếng những chiếc ghe lướt trên mặt nước, tiếng hỏi thăm nhau: “Hôm nay đi sớm thế chú Mười”, “Bữa nay được không anh Tư”. Trong bàu Súng lúc này, những ánh đèn mỗi lúc một nhiều, tiếng người, tiếng khua nước, tiếng cá giẫy trong khoang ghe. Ai cũng nhanh tay, vội vã, mong được nhiều cá để kịp cho buổi chợ đầu ngày.

Những tấm lưới cá trắng được kéo về lúc bốn giờ sáng, dưới ngọn đèn giữa sân, vợ chồng chú Mười cẩn thận gỡ từng con cá sao cho chúng còn nguyên vẹn để bán được với giá cao. Còn những chú cá rô phi tươi rói, bơi trong thau. “Chuyện chim trời, cá nước khó nói trước được, có hôm thì nhiều, có hôm thì ít. Hôm nào nhiều lắm thì bán cũng được 200 nghìn đồng thôi, có hôm thì được vài ba chục”, cô Nguyễn Thị Nhung, vợ chú Mười chia sẻ.

Tìm cách phục hồi

Đánh bắt cá đồng ở bàu Súng được xem là nghề truyền thống mỗi khi mùa nước về. Những người theo nghề này đa số là nam giới, sau khi kết thúc việc đồng áng, họ chuẩn bị cho một mùa đánh bắt thủy sản để kiếm thêm thu nhập. Vì cứ mỗi độ nước về thì bàu Súng lại lắm cá tôm như cá rô, cá diếc, cá tràu, cá trạch, cá trê, tôm, cua, ốc các loại, chỉ việc đánh bắt thôi cũng đủ cho mọi người có một bữa cơm ngon, đậm vị quê nhà. Còn gì tuyệt vời hơn, sau những giờ làm việc mệt nhọc, mọi người có thời gian quây quần bên mâm cơm gia đình, thưởng thức món cá diếc nấu ngọt, thêm quả cà chua, vài lát ớt, mùi thơm từ rau nêm. Thêm đĩa gỏi bông súng bên cạnh thì còn gì bằng.

Nhưng những năm trở lại đây, số lượng cá, ốc trên bàu Súng suy giảm rõ rệt. Một số loại có giá trị kinh tế cao như cá diếc, cá trạch, ốc lá, ốc bươu đen dần như không còn xuất hiện. Đó là dấu hiệu cho thấy việc lén lút sử dụng “bình châm điện” trong quá trình đánh bắt, việc đánh bắt theo kiểu tận diệt đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh sản và duy trì nòi giống của những loại thủy sản này. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất nông nghiệp trong quá trình trồng trọt tại bàu Súng trước đây, cũng là một trong những nguyên nhân làm ung trứng các loài thủy sản còn sót lại trong các đám bùn, cây cỏ. 

Mong muốn khôi phục lại một bàu Súng như xưa, một số người đang tìm cách để gây dựng lại những giống thủy sản dần mất đi bằng cách vừa đánh bắt, vừa nuôi trồng, mua giống ở những nơi khác về thả nuôi để sinh sản. Đồng thời hạn chế việc sử dụng hóa chất nông nghiệp để bảo vệ nguồn thủy sản, từng bước duy trì nghề truyền thống ở đây.