Mở đường phát triển “xe bus sạch”

Ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện môi trường; hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm, tai nạn và ùn tắc... Đó là nội dung trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân giai đoạn 2021 - 2030 của TP Hồ Chí Minh. 

Cần tập trung phát triển nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải công cộng.
Cần tập trung phát triển nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải công cộng.

Còn nhiều vướng mắc

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, thành phố đang có 2.043 xe bus tham gia hoạt động trên 127 tuyến xe bus. Trong đó, 496 xe dùng nhiên liệu sạch (CNG). Ngành giao thông đã đề xuất mở mới năm tuyến xe bus năng lượng điện nhằm giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa xe bus sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ.

Tuy nhiên, thành phố cũng gặp không ít vướng mắc. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng, đến nay, nguồn CNG chỉ có Công ty CP kinh doanh khí Miền Nam (PVGas South) cung cấp, đầu tư trạm cấp nhiên liệu và quyết định công thức bán, giá bán. Trong khi đó, giá bán thời gian qua không ổn định, thường thay đổi theo chiều hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư phương tiện CNG. 

Thành phố chỉ mới có ba trạm nạp khí CNG cho phương tiện vận tải hành khách công cộng với công suất 180 xe/ngày, chứ chưa có quy hoạch hệ thống trạm nạp CNG cho địa bàn. Mặt khác, tiến độ đầu tư, lắp đặt các trạm nạp khí CNG mới để phục vụ cho vận tải hành khách công cộng tương đối dài khi thực hiện các thủ tục hành chính. Ngoài ra, hệ thống trạm cung cấp nhiên liệu CNG không nhiều và không thuận tiện cho mỗi lần nạp (20 -  30 phút/lần nạp) và mỗi lần nạp có thể chạy được từ 200 - 300km, cự ly chạy huy động rỗng tới các trạm nạp CNG để tiếp nhiên liệu xa... Trong khi đó, để nạp xăng hay dầu diesel thì chỉ mất 2 - 5 phút. Các trạm xăng, dầu diesel lại phủ khắp nơi, thuận tiện cho việc cung cấp nhiên liệu. Không những vậy, các loại xe bus sử dụng nhiên liệu sạch thường có giá cao hơn loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu truyền thống (diesel) từ 20 - 50%. Đây là những rào cản lớn cho việc phát triển “xe bus sạch”.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, nhu cầu sử dụng xe bus điện của người dân chủ yếu tập trung vào buổi tối, các ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết nên số lượng phương tiện hiện tại chưa đáp ứng đủ vào các thời điểm này. Thời gian sạc pin lâu (từ 6 - 8 giờ/lần sạc đầy). Thiếu trạm sạc pin di động cũng gây hạn chế trong công tác vận hành. Trong khi, linh kiện thay thế hiếm, giá thành cao gây khó khăn cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện. “Hiện nay, loại phương tiện sử dụng điện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá nên không đủ cơ sở để chuẩn bị các bước tiếp theo trong việc triển khai công tác đấu thầu hoặc đặt hàng lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe bus theo đúng quy định”, ông Đỗ Ngọc Hải nêu.

Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh là đơn vị thí điểm vận hành tuyến xe bus không trợ giá, sử dụng xe bốn bánh (12 chỗ) gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện, hoạt động trong phạm vi hạn chế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ năm 2017. Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cũng nêu khó khăn: “Bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của người dân và góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Nhưng do thí điểm ở phạm vi hẹp, số phương tiện hạn chế và tần suất hoạt động thấp nên lượng khách đi lại trên các lộ trình hoạt động còn thấp, doanh thu chưa bảo đảm chi phí hoạt động”. 

Mở đường phát triển “xe bus sạch” -0
Xe điện dần làm thay đổi nhận thức sử dụng phương tiện công cộng. 

Lựa chọn tất yếu cho “siêu” đô thị

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho phép TP Hồ Chí Minh được tự quyết thí điểm xe bus điện, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực này.

Trao đổi với Thời Nay, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết, Sở đã đề xuất năm tuyến xe bus điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố, với số lượng 77 xe có sức chứa 65 - 70 chỗ, thí điểm 12 tháng. Lấy đó làm cơ sở để chuẩn bị các bước tiếp theo trong triển khai công tác đấu thầu hoặc đặt hàng nhằm phát triển rộng rãi loại hình này.

Song song đó, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm vận hành ba tuyến xe bus không trợ giá, sử dụng xe bốn bánh (12 chỗ), gắn động cơ chạy bằng điện hoạt động trên địa bàn từ năm 2017. Với sáu phương tiện, từ đầu năm 2021 đến nay, sản lượng đạt hơn 12.400 hành khách. “Vào dịp cuối tuần, gia đình tôi thường đến Công viên 23-9 để cùng lên tuyến xe bus điện đi vòng quanh thành phố. Ngồi xe điện rất êm, tốc độ vừa phải, cảm giác rất thoải mái”, chị Lê Thị Minh (ngụ đường Lý Tự Trọng, quận 1) chia sẻ.

PGS, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Trường ĐH Bách khoa thành phố) cho rằng, với một “siêu” đô thị như TP Hồ Chí Minh, việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng là bắt buộc nhằm giảm ùn tắc, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng đang quá tải. Trong đó, phương tiện cần được khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch và cũng là xu thế tất yếu, góp phần giảm ô nhiễm không khí, giúp đa dạng và hiện đại hóa loại hình này.

Sở GTVT đã đề xuất UBND thành phố xem xét chấp thuận phê duyệt đề án thí điểm hoạt động đối với xe bốn bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện theo hình thức hợp đồng, du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ. Dự kiến thí điểm trong hai năm. Về tình hình giá nhiên liệu CNG có chiều hướng ngày càng tăng, Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí ngân sách ổn định hằng năm (kinh phí trợ giá hoạt động xe bus) để các doanh nghiệp vận tải yên tâm hơn về nguồn cấp và chi phí vận hành.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm kiến nghị, Chính phủ cần có hướng dẫn cho các địa phương trong việc định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, bảo đảm định hướng phát triển. Về phía địa phương, UBND thành phố cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, thuế đất… cho doanh nghiệp, nhà sản xuất phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch nhằm khuyến khích đầu tư, bảo đảm đồng bộ và hạ giá thành sản phẩm. 

Được biết, thành phố đã phê duyệt đề án hỗ trợ, trong đó, hỗ trợ lãi vay đối với phương tiện CNG là phần chênh lệch lãi suất vay thực tế trừ đi 3%/năm (cao hơn so phương tiện sử dụng nhiên liệu diesel là phần chênh lệch lãi suất vay thực tế trừ đi 5%/năm). Về xe điện, sau thời gian hoạt động thí điểm, hoàn thành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá xe bus điện, sẽ tổng kết, đánh giá để chuẩn bị các bước tiếp theo trong triển khai công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa thông báo về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các đơn vị phải bảo đảm việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 30 người/chuyến; hành khách ngồi cách ghế (hoặc đứng đối với xe bus) bảo đảm giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Các nhà ga, bến xe, cảng, bến thủy nội địa phải bảo đảm hành khách ngồi cách ghế, giữ khoảng cách an toàn. Sở cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp. Trong đó, có khai báo y tế bắt buộc đối với hành khách trên các phương tiện và tại các nhà ga, bến xe, cảng, bến thủy nội địa...