Mạng lưới y tế không giới hạn

Bộ Y tế đang triển khai Đề án Khám chữa bệnh (KCB) từ xa giai đoạn 2020 - 2025 nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, KCB, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D Einstein Vision.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D Einstein Vision.

Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa 

Mới đây, một bé gái 13 tháng tuổi (phường Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ) bị teo thực quản bẩm sinh đã được phẫu thuật tạo hình thực quản ngay tại quê nhà, nhờ hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa giữa Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư và BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ. “Nếu như trước đây, bệnh nhi mắc các bệnh lý phức tạp hầu hết đều chuyển tuyến trên, gây quá tải BV, tốn kém thời gian và tiền bạc đi lại thì hiện nay, nhiều ca bệnh đã can thiệp điều trị ở tuyến dưới nhờ vào tư vấn trực tuyến từ các chuyên gia hàng đầu của BV Nhi T.Ư”, Giám đốc BV Nhi T.Ư Lê Thanh Hải cho biết.

Đến nay, đã có gần 20 BV T.Ư kết nối KCB từ xa, trong đó BV Bạch Mai đã kết nối được 300 điểm cầu; BV Hữu nghị Việt Đức kết nối gần 130 điểm cầu; BV Đại học Y kết nối với gần 200 điểm. Hiện tại, 1.000 điểm cầu KCB từ xa đã được thiết lập để đáp ứng mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin để triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa và đã chứng tỏ hiệu quả của nó. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thành lập Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19. Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các BV xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong nam, ngoài bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới. 

PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, Đề án được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các BV tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên chất lượng cao hơn, đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền.

Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, KCB, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các BV tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB và sự hài lòng của người dân.

Cần hành lang pháp lý

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc triển khai hệ thống KCB từ xa là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện hệ thống khám, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đa dạng của hệ thống y tế. Quyền Bộ trưởng nêu ra vấn đề chính cần phải giải quyết. Đó là làm thế nào để các BV tuyến dưới cũng như mọi người dân khi cần đều được hỗ trợ chuyên môn thường xuyên và khi cần thiết.

Quyền Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị quy định rõ trách nhiệm của BV từ T.Ư tới địa phương khi triển khai Đề án KCB từ xa. Từ đó, tiến tới xây dựng hệ thống khám bệnh online, khám bệnh qua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), tin nhắn điện thoại.

Ông Long cũng cho biết, để tiếp tục nhân rộng và duy trì điểm cầu KCB từ xa cần một loạt hành lang pháp lý và các chính sách để duy trì hoạt động. Cụ thể, cần sự quản lý chặt chẽ từ vấn đề bảo mật thông tin, đường truyền; danh mục kỹ thuật để thanh toán BHYT; các quy định để những ý kiến hội chẩn tuyến trên trở thành căn cứ pháp lý và cần thiết để tuyến dưới thực hiện... Bảo đảm các yếu tố đó sẽ phát huy những ưu điểm của KCB từ xa mà thế giới đã thực hiện.

Cục quản lý KCB được giao là đầu mối phối hợp với các vụ, cục của Bộ Y tế và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tập đoàn Vietel triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm tính pháp lý của một buổi hội chẩn từ xa cũng như bảo đảm các yếu tố kỹ thuật để tư vấn, KCB từ xa đạt hiệu quả.

Trước những băn khoăn của các tuyến y tế về chi phí KCB từ xa, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Vụ BHYT khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế, kết cấu trong BHYT để rõ ràng trong việc thanh toán, chi trả chi phí KCB cho người dân. Bên cạnh đó, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị y tế cũng như người bệnh.