Lúng túng với lừa đảo chăm sóc sức khỏe qua mạng

Nhiều bệnh viện lớn như: T.Ư Quân đội 108, Bạch Mai, Da liễu T.Ư, Hữu nghị Việt - Đức, Chợ Rẫy, Bình Dân... thời gian qua đã cảnh báo người dân cẩn trọng trước các thông tin quảng cáo tư vấn bán thuốc, khám, chữa bệnh trên mạng để tránh tiền mất tật mang.

Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Ảnh: HẢI NAM
Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Ảnh: HẢI NAM

Mời chào qua mạng xã hội

Bệnh viện (BV) Da liễu T.Ư vừa phát đi cảnh báo có một số tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại BV nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo BV cho người bệnh. Các đối tượng này lợi dụng hình ảnh BV để tư vấn và giới thiệu các loại thuốc điều trị, sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc có thể gây hại sức khỏe của người bệnh, thậm chí tử vong. Theo PGS, TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu T.Ư, BV không triển khai khám bệnh online trên bất cứ phần mềm ứng dụng nào, nên mọi liên kết, mời chào, giới thiệu qua mạng xã hội là giả danh, có tính chất lừa đảo…

Tương tự, đại diện BV Hữu nghị Việt - Đức cũng cho biết, hiện nay trên nhiều trang thông tin điện tử đã xuất hiện các cơ sở, phòng khám có thông tin giả mạo, tự mang danh BV Hữu nghị Việt - Đức và các khoa, phòng, viện, trung tâm của BV để thu hút người bệnh. Theo một bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của BV, mới đây có bệnh nhân thông tin rằng thấy trên facebook quảng cáo có khoa Thẩm mỹ quốc tế - Viện Việt Đức ở cơ sở Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội). Vị bác sĩ khẳng định, đây không phải là Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt - Đức mà là sự lợi dụng, mập mờ để lôi kéo khách hàng. Đại diện BV Hữu nghị Việt - Đức khẳng định hiện tại, đơn vị chỉ có một cơ sở duy nhất hoạt động khám, chữa bệnh tại số 40 Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Mới đây, Phòng Công tác xã hội, BV Bạch Mai có nhận được điện thoại của bạn đọc để xác minh thông tin “Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai đang có chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày?”. Bạn đọc này đã nhận được điện thoại của một người lạ tự xưng là bác sĩ của Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được một cuộc điện thoại của một người lạ khác tự xưng là nhân viên của Khoa Dược, BV Bạch Mai hỏi địa chỉ để ship trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.

TS, BS Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho rằng: “Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Y tế, quy định của Bộ nêu rõ, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ bán thuốc trên mạng là giả mạo. “Ngành y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân”, ông Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh.

Có thể khởi tố hình sự

Gần đây, không ít bệnh nhân bị ngộ độc, biến chứng nặng do tự mua thuốc về điều trị khi nghe theo những mời chào, tư vấn trên mạng. Điển hình mới đây là trường hợp của bệnh nhân tên N.N.Đ. (47 tuổi, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) nhập BV Nhân dân 115 trong tình trạng hôn mê, hạ đường huyết. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông Đ bị viêm xoang mãn tính, không có tiền sử đái tháo đường. Cách ngày nhập viện một tuần, người bệnh đọc thông tin và đặt mua một lọ thuốc trị viêm xoang không rõ nguồn gốc trên mạng về uống. Theo bác sĩ Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết BV Nhân dân 115, đây là trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng ở người khỏe mạnh, mà nguyên nhân nhiều khả năng liên quan việc uống các thuốc không rõ nguồn gốc.

“Có nhiều trường hợp vì tin vào những lời quảng cáo thổi phồng trên mạng nên đã mua thuốc Đông y trôi nổi về sử dụng. Hậu quả, nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận, thậm chí có trường hợp tử vong”, bác sĩ Võ Tuấn Khoa cho biết.

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đang ngày càng tinh vi, khiến cơ quan chức năng khó xử lý. Theo quy định pháp luật, vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc quản lý nội dung quảng cáo trên một số trang mạng xã hội, website hiện rất khó khăn, đặc biệt với những mạng xã hội, website có hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Hằng Nga, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mạo danh người khác để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy thuộc mức độ vi phạm, tính chất nguy hiểm, mức độ hậu quả gây ra mà đối tượng mạo danh có thể bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện dân sự hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đối tượng dùng thủ đoạn mạo danh người khác để gian dối, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, với hình phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm hoặc chung thân. Nếu hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo các điều trên thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ một đến hai triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.