Xây dựng đô thị thông minh

Lựa chọn lộ trình giao thông trong lòng bàn tay

Chính quyền TP Hồ Chí Minh đang tích cực thực hiện đề án “xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025” và bước đầu đã có hiệu quả nhất định. Minh chứng rõ nhất là trong lĩnh vực giao thông, thành phố đã cho vận hành Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh. Đây là trung tâm đầu tiên trên cả nước, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng xử lý các tình huống về giao thông, còn người dân sẽ nắm rõ tình hình giao thông để có lựa chọn thích hợp khi tham gia lưu thông.

Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông thông minh thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông thông minh thành phố Hồ Chí Minh.

Tiện ích

Vừa mở màn hình điện thoại thông minh, anh Lê Văn Mạnh Khang (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) truy cập ngay vào trang web: http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn, để xem tình hình giao thông trên lộ trình sắp di chuyển. Cụ thể, ngay tại thời điểm đó anh Khang sẽ di chuyển trên trục đường từ Đỗ Xuân Hợp - Xa lộ Hà Nội - Ngã ba Vũng Tàu - quốc lộ 51 (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Do đó, để lộ trình di chuyển được thuận lợi, sau khi vào Cổng thông tin giao thông thành phố, vào mục bản đồ để truy cập hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông như: ngã tư Bình Thái, ngã tư Thủ Đức, cầu vượt trạm 2, nút giao cổng ĐH Quốc gia và cầu Đồng Nai. Từ đây, anh Khang sẽ biết rõ hiện trạng giao thông, mật độ xe cộ tham gia giao thông tại các nút giao thông này, giúp chủ động trong việc đi lại. Trường hợp một trong các nút giao thông trên bị ùn ứ, tắc đường sẽ chủ động lựa chọn lộ trình di chuyển khác. “Cổng thông tin giao thông thành phố còn có App để người dân tham gia giao thông tải về dùng trên nền tảng điện thoại thông minh rất thuận lợi và dễ dàng”, anh Khang cho biết.

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, đơn vị quản lý và vận hành Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh), Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh vừa đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cho một đô thị thông minh của thành phố. Hiện Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh trở thành hệ thống quản lý, điều hành giao thông hiện đại nhất cả nước với bốn chức năng chính gồm: giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ phối hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi thành phố.

Thông qua Cổng thông tin giao thông TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp rộng rãi cho người dân thông tin về tình hình giao thông theo thời gian thực, hình ảnh camera giám sát, vận tốc cho phép lưu thông trên các tuyến đường, điều chỉnh phân luồng giao thông, vị trí bãi đậu xe trong các tòa nhà và trung tâm thương mại, các tuyến đường cho phép đậu xe, thông tin hướng dẫn lộ trình lưu thông... Người dân hoàn toàn chủ động khi di chuyển trên mọi lộ trình trên địa bàn thành phố.

Tiên phong cho một đô thị thông minh

Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng vừa được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán năm 2019. Giai đoạn 2 (dự kiến thực hiện sau năm 2020) sẽ hoàn thành trung tâm với quy mô toàn thành phố, có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Hiện thành phố đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở GTVT tìm nguồn vốn khả thi thực hiện. Khi đó, Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh sẽ quản lý trực tiếp toàn bộ hệ thống điều khiển giao thông cũng như cung cấp thông tin dữ liệu, phục vụ cho việc xử lý các vi phạm; giám sát, bảo đảm an ninh trật tự đô thị; xử lý các sự cố khẩn cấp; phòng, chống cháy nổ, ngập lụt; quản lý bến bãi... Tóm lại, thành phố sẽ quản lý giao thông đô thị trên nền tảng hệ thống giao thông thông minh ITS và đây sẽ là “trái tim” của hệ thống giao thông đô thị. Từ đó, ITS giúp giảm đáng kể lực lượng chức năng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Cơ quan quản lý giao thông và Cảnh sát giao thông chỉ cần can thiệp trong những tình huống giao thông bất thường.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, để hướng tới xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh, ngoài việc đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh, Sở cũng lần lượt đưa vào vận hành một loạt ứng dụng phần mềm trong chiều hướng tăng cường tương tác với người dân thành phố như: phần mềm thông tin xử lý hạ tầng kỹ thuật, dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh, nhờ đó người dân có thể chụp ảnh và gửi tin phản ánh các sự cố hạ tầng.

Sở GTVT thành phố cũng đã đưa ra lộ trình phát triển Trung tâm điều hành giao thông thông minh sau năm 2020, với 10 chức năng gồm: giám sát giao thông; điều khiển giao thông; cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng; tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử; quản lý nhu cầu giao thông; quản lý vận tải hàng hóa; chia sẻ thông tin theo yêu cầu và quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.