Không phải là dấu chấm hết

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 165 nghìn ca mắc mới ung thư và có 300 nghìn bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Tuy nhiên, ung thư không phải án tử, cũng không phải là dấu chấm hết, nếu được phát hiện sớm. Do vậy, để giảm gánh nặng của bệnh ung thư, cần nâng cao nhận thức về dự phòng, phát hiện sớm, tăng cường khám sàng lọc.

Các trang thiết bị, thuốc điều trị ung thư ở nước ta đã ngang bằng với nhiều nước trên thế giới.
Các trang thiết bị, thuốc điều trị ung thư ở nước ta đã ngang bằng với nhiều nước trên thế giới.

Ung thư đang trẻ hóa

Hiện, Việt Nam có tám bệnh viện (BV) chuyên khoa, 69 trung tâm hay khoa hoặc đơn vị chuyên điều trị ung bướu. Chỉ tính riêng tại BV K T.Ư năm 2018, có tới 417 nghìn lượt bệnh nhân ung thư đến khám, trong đó thực hiện 22 nghìn ca phẫu thuật, 24 nghìn lượt bệnh nhân hóa trị và hơn 13 nghìn lượt xạ trị với các loại ung thư thường gặp ở nam giới như ung thư phổi, gan, đại trực tràng, miệng, hầu, dạ dày; nữ giới là ung thư vú, cổ tử cung, hạch, máu…

Trước đây, ung thư phổi có tỷ lệ mắc mới lớn nhất, nhưng đến nay, ung thư gan đã vươn lên vị trí số một với số mắc là 25.335 trường hợp. Kế tiếp là ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ giới, ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi.

Bệnh viện K từng tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư vòm họng, ung thư dạ dày ở độ tuổi lên 9, ung thư vú trong độ tuổi 18 - 20, ung thư tuyến giáp cũng có những bệnh nhân mới 20 đến 30 tuổi.

Mặc dù, ở nước ta chưa có nghiên cứu đầy đủ nào để tìm ra nguyên nhân của tình trạng trẻ hóa căn bệnh ung thư, nhưng các nhà khoa học trong nước đã chỉ ra một số nguyên nhân như: Thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng, cường độ lao động cao, không có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc cho sức khỏe, áp lực công việc, ít vận động, hút thuốc lá... Môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ tổn thương gen và phát triển tế bào ung thư, thực phẩm bẩn làm tăng tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn, vi sinh gây bệnh, độc tố nấm, độc tố vi khuẩn, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc nhuộm mầu, chất bảo quản chống thối… Những tác nhân này khi thâm nhập cơ thể có thể gây ra những phản ứng tức thời như: ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Về lâu dài có thể gây các bệnh mạn tính, đột biến gen, phát sinh tế bào ung thư.

Hãy tầm soát ung thư sớm

Theo số liệu công bố của Viện Nghiên cứu phòng, chống ung thư, có khoảng 70% số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn gây khó khăn trong điều trị, tốn kém chi phí mà cơ hội kéo dài sự sống không cao. Do đó, để có thể phát hiện sớm và điều trị căn bệnh ung thư, người dân cần khám sức khỏe định kỳ một - hai lần mỗi năm để tầm soát và phát hiện bệnh sớm.

PGS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K cho biết, các phương tiện chẩn đoán, trang thiết bị, thuốc điều trị ung thư ở nước ta đã ngang bằng với nhiều nước trên thế giới. Để giảm gánh nặng của bệnh ung thư, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả bốn nội dung cơ bản của chiến lược phòng, chống ung thư, gồm: Phòng bệnh, sàng lọc chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, có một bất cập là bảo hiểm y tế chưa chi trả cho hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm ung thư. “Về lâu dài, nếu Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả được một phần cho hoạt động sàng lọc ung thư, nhất là với nhóm đối tượng có nguy cơ cao sẽ giúp người dân được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả”, PGS, TS Lê Văn Quảng nêu ý kiến. 

Còn theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, lợi ích của việc tầm soát ung thư sớm là rất rõ ràng. Thời gian qua, ngành ung bướu cũng có nhiều nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng trên phạm vi cộng đồng, như: Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về dự phòng, phát hiện sớm, tăng cường khám sàng lọc ung thư ở quy mô rộng... Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, trong đó dự kiến bổ sung quy định bảo hiểm y tế chi trả sàng lọc cho một số loại ung thư nhiều người mắc, như: Phổi, gan, vú, dạ dày…

Để phòng, tránh ung thư, GS, TS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khuyến cáo, phụ nữ hơn 40 tuổi cần tầm soát ung thư vú và cổ tử cung. Nam giới hơn 40 tuổi nghiện thuốc lá nặng (kể cả đã bỏ) cần tầm soát ung thư phổi, hơn 50 tuổi cần tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Đối với những người có nguy cơ cao (viêm gan B, C) nếu hơn 40 tuổi nên kiểm tra, rà tìm ung thư gan. Người có bệnh sử viêm loét dạ dày có thể xét nghiệm tìm vi khuẩn HP để có hướng xử lý thích hợp…

Người dân nên duy trì chế độ khám sức khỏe ít nhất một hoặc hai lần/năm để tầm soát, phát hiện sớm các loại bệnh tật, trong đó có ung thư. Đặc biệt, đối với những nhóm có nguy cơ cao, như nghiện rượu, bia, thuốc lá; làm việc trong môi trường độc hại... thì càng nên tầm soát dày hơn và sớm hơn. Đồng thời, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách cải thiện môi trường sống, tránh xa những yếu tố độc hại như thuốc lá, rượu, bia, tích cực tập thể dục - thể thao để rèn luyện thân thể. Ngoài ra phải cẩn thận trong ăn uống, không sử dụng nguồn thực phẩm kém chất lượng, ẩm mốc, nguồn gốc không rõ ràng để ngăn ngừa các bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay.