Không lơ là trong phòng, chống dịch bệnh

Từ ngày 15-11-2020, hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ở nơi công cộng bị tăng mức phạt lên gấp 10 lần, tức là có thể bị phạt tới ba triệu đồng theo Nghị định 117/2020. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan khi không có ca mắc mới trong cộng đồng. Trên thế giới, tình hình dịch Covid-19 vẫn tăng mạnh ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam, mùa đông đang đến gần, là thời điểm bệnh lây qua đường hô hấp gia tăng.

Tại phố đi bộ hồ Gươm, còn nhiều bạn trẻ chủ quan không đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN
Tại phố đi bộ hồ Gươm, còn nhiều bạn trẻ chủ quan không đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Còn hiện tượng coi nhẹ việc phòng dịch

Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chiều 16-11, theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các tiểu thương và người đi chợ đều không đeo khẩu trang. Các quán quà chiều tập trung tại các con đường chung quanh chợ như quán chè, quán bánh giò, tào phớ… nơi có người ngồi trên vỉa hè ăn uống cũng không thấy ai đeo khẩu trang. Chị Thanh, chủ quầy hàng thịt chế biến sẵn trong chợ cho biết: “Chúng tôi có khẩu trang, có găng tay vệ sinh nhưng khi không có khách mua hàng thì bỏ ra cho thoáng thôi!”.  Chị Minh, chủ quầy thịt lợn tươi cũng không đeo khẩu trang. Chị nói: “Hàng ế không có ai hỏi mua nên tôi không đeo. Với lại, khi đeo khẩu trang, tôi nói khách không nghe rõ nên tôi đành bỏ!”.

Tương tự, tại chợ Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nhiều người đi chợ quên đeo hoặc đeo khẩu trang chỉ để đối phó. Theo ông Đào Trường Quảng, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), UBND phường đã duy trì hoạt động của 27 tổ giám sát, hằng ngày tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch trên hệ thống loa di động, loa truyền thanh. Sắp tới, UBND phường sẽ xử phạt mạnh tay với các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định mới. 

Còn tại quận Hoàn Kiếm, các tuyến phố đi bộ đã thiết lập nhiều chốt trực ở lối vào và yêu cầu mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang. Thực tế, 100% người dân khi đến đây đều mang theo khẩu trang, nhưng chỉ khoảng 50 - 60% tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng dịch. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 2 của thành phố nhận xét, người dân đến phố đi bộ hầu hết đều mang theo khẩu trang, nhưng nhiều người khi đi qua chốt kiểm soát lại tháo ra bỏ vào túi… Điều này thể hiện rất rõ sự chủ quan, lơ là trong phòng dịch Covid-19.

Tiếp tục ghi nhận tại các trung tâm thương mại, siêu thị như Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, Aeon Mall Long Biên… trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhân viên bảo vệ thường trực tại lối vào, duy trì thường xuyên việc xịt nước sát khuẩn cho khách tới mua sắm. Bên trong siêu thị, 100% số nhân viên và hầu hết khách mua hàng đeo khẩu trang. Tuy nhiên, do ý thức chưa cao nên vẫn có người tới mua sắm không đeo khẩu trang. 

Luật sư Nguyễn Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét, Nghị định tăng mức phạt với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch là hợp lý. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại nơi công cộng người dân bắt đầu lơ là đeo khẩu trang, nhưng trong bối cảnh chưa hết dịch thì việc đeo khẩu trang là rất quan trọng để phòng ngừa sự lây lan khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng. “Mức phạt lần này khá cao, không thể biện minh vì dịch Covid-19 kinh tế khó khăn mà không có tiền đóng phạt. Thay vào đó, mỗi người cần chấp hành yêu cầu đeo khẩu trang phòng dịch của địa phương để bảo vệ mình và mọi người chung quanh. Mức phạt cao nên trước khi xử phạt, tôi nghĩ cần có một thời gian nhất định tiếp tục tuyên truyền”, luật sư Hằng Nga nêu ý kiến. 

Nguy cơ thường trực

Tính đến 6 giờ ngày 18-11, thế giới ghi nhận tổng cộng 55.909.936 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 1.342.561 trường hợp tử vong. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Mỹ và các nước châu Âu chiếm tới hơn 70% số ca mắc Covid-19 và hơn 77% số ca tử vong trên toàn thế giới. Nhiều nước vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi người dân phải cảnh giác và thận trọng trong bối cảnh thế giới vẫn đang chờ một loại vaccine tiềm năng có thể phòng bệnh hiệu quả.

Nhận định về tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện quan điểm chỉ đạo “phải bao thật chặt bên ngoài”, thời điểm này “phải siết mạnh hơn, chặt hơn” các biện pháp phòng, chống dịch, bởi trong cộng đồng đã xuất hiện tư tưởng lơi lỏng, trong khi các nước khác lại đang siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa đất nước. “Đây là giai đoạn cao điểm để chúng ta quyết tâm hơn. Tất cả các lực lượng phải vào cuộc quyết liệt hơn, bởi sắp tới sẽ là “mùa đông khốc liệt”, đặc biệt là vào thời điểm Tết Nguyên đán”, Bộ trưởng nêu rõ. 

Còn theo TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đeo khẩu trang là biện pháp hữu hiệu để phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19. Đến  nay, đã hơn 70 ngày Việt Nam chưa có ca mắc mới trong cộng đồng khiến nhiều người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng nguồn lây nhiễm chủ yếu từ người nhập cảnh. Số này đều được cách ly ngay tại cửa khẩu nên không còn lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhập cảnh trái phép vẫn âm thầm diễn ra, nhất là tại các đường mòn, lối mở. Do vậy, không chỉ tại các thành phố lớn mà các địa phương nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu. 

Các chuyên gia y tế cũng lo ngại, BV là nơi phát hiện sớm, điều trị và giúp ngăn chặn các ca bệnh, không để lây lan. Song, đây cũng chính là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nếu dịch bệnh phát tán, thậm chí là dễ lây lan trong cộng đồng. Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 17-11, ngay từ cổng các bệnh viện (BV) Việt Đức, Saint Paul, Bạch Mai, BV E, tổ bảo vệ luôn cương quyết với những trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch của thành phố, sẵn sàng mời ra ngoài, từ chối phục vụ. Tại BV E, ngoài việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, BV còn bố trí cổng riêng, lối đi riêng, khu vực khám sàng lọc dành riêng cho các ca bệnh nghi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn những cơ sở y tế tư nhân chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định, không bảo đảm an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly.

Từ nay đến cuối năm, số người nhập cảnh gia tăng, nguy cơ lây nhiễm tại các khu cách ly là rất lớn. Đơn cử, thời gian qua, đã có hai trường hợp là nhân viên tại một khách sạn, nơi được chọn làm khu cách ly bệnh nhân Covid-19 đã trở thành diện F1 khi thực hiện các động tác thiếu an toàn như nghe điện thoại cho người bệnh, đổi tiền hộ người bệnh… Hiện, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết về việc cách ly tại các khách sạn và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, bất cứ khách sạn nào không thực hiện nghiêm các điều kiện cách ly, sẽ lập tức không được phép tiếp tục sử dụng làm địa điểm cách ly. 

Tổ chức diễn tập phòng, chống dịch

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Cục trưởng Quân y (Bộ Quốc phòng) Nguyễn Xuân Kiên nhấn mạnh đến nhiệm vụ diễn tập phòng, chống dịch bệnh, nhằm sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Cục trưởng Nguyễn Xuân Kiên ủng hộ việc diễn tập tại các khu cách ly ngoài quân đội nhằm kiểm soát tất cả các khâu, từ khi người nhập cảnh đến lúc trở về sau cách ly, bệnh viện điều trị… Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ xây dựng tình huống để các bộ, ngành, địa phương có phương án diễn tập.

Hiện nay, khoảng 13.000 trường học; 1.530 BV trên toàn quốc đã cập nhật thông tin lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19” (www.antoancovid.vn). Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt là các trạm y tế, phòng khám tư nhân phải tự kiểm tra điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch; cập nhật thông tin lên bản đồ; những cơ sở không an toàn sẽ không được phép hoạt động. Đến ngày 16-11, tất cả các khách sạn, cơ sở lưu trú phải hoàn thành việc cập nhật thông tin lên bản đồ. 

Trước cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới “không nên trông chờ vào vaccine Covid-19”, các chuyên gia đề nghị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hợp tác sản xuất vaccine, tiếp cận các nguồn cung cấp trên thế giới; đồng thời, chú ý quản lý chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam, bởi trong nước đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, lơ là. Ban Chỉ đạo yêu cầu, trong tuần tới, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các nhà máy, cơ sở sản xuất, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ…, cập nhật lên bản đồ phòng, chống dịch. Trước tâm lý chủ quan do không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, thời gian tới Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ tiến hành tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục cử các đoàn kiểm tra tại cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly…