Khởi nghiệp từ thổ cẩm tái chế

Với những ý tưởng độc đáo như tái sử dụng thổ cẩm, tour du lịch trải nghiệm nhuộm chàm, nhuộm củ nâu, Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mường Hoa, đang có một khởi đầu đầy tự tin trong chặng đường khởi nghiệp từ các giá trị văn hóa truyền thống.

Chị Sùng Thị Lan hướng dẫn kỹ thuật buộc sỏi nhuộm vải.
Chị Sùng Thị Lan hướng dẫn kỹ thuật buộc sỏi nhuộm vải.

Người kể chuyện thổ cẩm

Gian hàng nhỏ rực rỡ sắc mầu các sản phẩm thổ cẩm cạnh suối Mường Hoa rộn rã tiếng cười nói của những phụ nữ thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, Sa Pa, Lào Cai. Những tháng cuối năm, Sùng Thị Lan tất bật với những chuyến bay vào TP Hồ Chí Minh, những chuyến xe xuống Hà Nội. Hành lý mang theo, bao giờ cũng là va-li các mặt hàng thủ công của HTX Mường Hoa, các sản phẩm thổ cẩm, và sản phẩm từ các nguyên liệu sạch. Từ khi ý tưởng “Nhuộm tự nhiên, chè thảo dược, hương thảo mộc”, đạt giải thưởng và được đánh giá cao trong các cuộc thi khởi nghiệp do Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai tổ chức, sản phẩm của HTX Mường Hoa bắt đầu được biết đến, chị Lan tự tin mang sản phẩm đi giới thiệu ở những hội thảo, những triển lãm khắp cả nước.

Ít người biết rằng, cho ra những sản phẩm truyền thống với cách làm truyền thống như nhuộm vải thổ cẩm, làm hương, làm trà thảo mộc từ cách làm cũ của đồng bào Mông, Lan đã phải nghiên cứu rất kỹ và phải đấu tranh với những sản phẩm làm nhanh bằng công nghiệp từ khắp nơi đổ về. Chị từng nghĩ về các sản phẩm thủ công khi nhìn những chiếc túi, váy, hàng công nghiệp bán trong các cửa hàng lớn trên thị trấn. Trước kia, người H’Mông tự trồng lanh, se sợi dệt vải, bất kể cô gái H’Mông nào trước khi đi lấy chồng cũng thành thục việc dệt vải, nhuộm vải. Giờ đây, nhiều người dân ở Tả Van chuyển sang mua vải thổ cẩm ở nơi khác rồi về may công nghiệp theo mẫu mã và bán cho khách du lịch.

Lan không thích mua sản phẩm thổ cẩm nơi khác về, để may bán có lãi. Cô muốn khôi phục lại những nghề truyền thống đã mai một, đặc biệt là nhuộm vải thổ cẩm. Lan tin rằng một sản phẩm được sản xuất theo phương pháp cổ truyền của người H’Mông sẽ được ưa chuộng. Nhuộm mầu vải, dù nhuộm củ nâu hay nhuộm chàm không phải cứ nhúng vải vào mầu là xong. Mà nhuộm chàm phải chọn ngày nắng, phải để cho nước chàm ngấm vào sợi, cần phải bóp mạnh, đều tay khoảng 30 phút cho ăn mầu thì vớt ra vắt khô, đập và giặt sạch nước vôi, nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, phơi đi phơi lại nhiều lần. Nhuộm vải từ vỏ núc nác, lõi gỗ vang, lá sau sau, lá sắn dây, vỏ bàm bàm, củ nâu, từ củ nghệ, từ lá mầu đồ xôi yêu cầu những kỹ thuật riêng. Lan tin rằng những câu chuyện đằng sau một sản phẩm, về những hương liệu lấy từ rừng, về cách pha chế, nhuộm, dệt vải kỳ công, về kỹ thuật buộc sỏi khi nhuộm, kỹ thuật tạo họa tiết trên vải nhuộm bằng cách buộc chỉ, hoặc kẹp gỗ… cũng sẽ “bán” được, với giá xứng đáng.

Từ niềm tin ấy, Lan đã dũng cảm dùng hết tiền tiết kiệm, vay mượn cho đủ 70 triệu đồng để đầu tư vào khung dệt, con lăn, nguyên liệu nhuộm vải và các dụng cụ phục vụ nghề. Rồi Lan đã tìm ra được công thức pha mầu cũng như cách xử lý nguyên liệu để có mầu tự nhiên đẹp nhất, tạo ra hoa văn, họa tiết lạ hấp dẫn. Ngày càng nhiều cửa hàng ở Sa Pa đăng ký làm đại lý bán sản phẩm của cô. HTX Mường Hoa ra đời tháng 9-2018, tạo công ăn việc làm cho chín phụ nữ, với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Hợp đồng lớn đầu tiên xuất hơn 1.000 m vải cho một cửa hàng trong TP Hồ Chí Minh vào cuối năm ngoái. “Những thứ hợp tác xã mình làm ra không có hóa chất, không phẩm mầu, mà nguồn vốn lại ít, phù hợp tình hình kinh tế của bà con,” Lan tự tin.

Tái sử dụng thổ cẩm

Phải làm sao có sản phẩm bền đẹp, giữ nguyên các họa tiết cổ, vừa an toàn cho người sử dụng, đó là điều mà Lan quyết tâm làm cho bằng được. Ý tưởng tận dụng các sản phẩm thổ cẩm cũ mà người dân bản địa không dùng nữa để làm các sản phẩm trang trí dần thành hình.

Ý tưởng “tái chế” đó được triển khai khi Lan tự tin mình làm chủ kỹ thuật nhuộm vải. Cô mua các sản phẩm thổ cẩm đẹp từ những người dân bản địa, sau đó nhuộm lại, làm mới và may lại thành các sản phẩm thủ công độc đáo. Tiếp đó là sản xuất hương nhang sạch, được chế biến từ các loại dược liệu dùng trong công đoạn nhuộm vải. Tour du lịch trải nghiệm về kỹ thuật nhuộm vải cũng ra đời sau đó không lâu. Nhiều khách nước ngoài hứng thú tham gia, vì họ vừa được lắng nghe câu chuyện dệt vải bằng cây lanh, biết về chàm - mầu nhuộm đã có từ bao đời nay của các dân tộc miền núi, vừa được tự tay mình nhuộm mầu cho những mảnh vải với những họa tiết sáng tạo. Sẽ còn nhiều ý tưởng được triển khai, nhiều sản phẩm của HTX Mường Hoa ra mắt trong thời gian tới với sự năng động của nữ giám đốc người H’Mông trẻ tuổi đầy nhiệt huyết này.

“Là một người trẻ, nếu mình không giữ được truyền thống thì đến vài thế hệ nữa sẽ bị mai một hoàn toàn”, đó là động lực của Lan trong những chuyến ngược xuôi đi giới thiệu sản phẩm. Từ ánh mắt quyết đoán và đôi bàn tay xanh mầu chàm của người phụ nữ ấy, những hoa văn, họa tiết, những giá trị truyền thống và tri thức bản địa đã không bị mất đi. Những phụ nữ dân tộc thiểu số người H’Mông, người Giáy ở Tả Van có thể sống với chính nghề của cha ông để lại.