Hướng nghiệp cần luôn đi trước

Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) các hoạt động như ngày hội tư vấn nghề nghiệp, chương trình tư vấn tuyển sinh và chọn nghề - hướng nghiệp… lại diễn ra rầm rộ nhằm đáp ứng phần nào thông tin tới các thí sinh. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả, đã đến lúc tư vấn hướng nghiệp cần được đẩy mạnh và chuyên nghiệp hơn, phải đặt trước tuyển sinh nhằm góp phần giúp những công dân trẻ luôn chủ động, biết cách thích ứng với biến động của thị trường lao động.

Các thí sinh được tư vấn nhiều thông tin về ngành nghề mà mình quan tâm. Ảnh: TTXVN
Các thí sinh được tư vấn nhiều thông tin về ngành nghề mà mình quan tâm. Ảnh: TTXVN

Thí sinh quan tâm gì?

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và báo Tuổi Trẻ tổ chức vừa diễn ra sáng 21-6. Tại điểm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, học ĐH là một lựa chọn tốt nếu học sinh có nền tảng kiến thức phổ thông chắc chắn, sau này trở thành những người có kiến thức chuyên môn toàn diện, có năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, nếu muốn tham gia thị trường tốt hơn, sớm hơn mà tốn ít thời gian, tiền bạc hơn thì có thể chọn học CĐ, trung cấp, các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Dũng, trong năm 2019, 85% số sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm với thu nhập ổn định. Thậm chí những sinh viên giỏi thì ngay năm nhất, năm hai đã có việc. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng khuyến khích nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề, thích ứng với yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại buổi tư vấn của các chuyên gia, thầy, cô đến từ Bộ GD&ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường ĐH, CĐ, nhiều thí sinh có cùng mối quan tâm là lựa chọn ngành nghề nào để phù hợp với bản thân và bắt đúng xu hướng của xã hội. Các thầy, cô đại diện khối ngành kinh tế tại ngày hội ở Hà Nội cho biết, mùa tuyển sinh năm nay, những ngành đào tạo bằng tiếng Anh được chú trọng hơn. “Trường ĐH Kinh tế quốc dân có 16 ngành đào tạo bằng tiếng Anh. Những bạn trẻ có vốn tiếng Anh tốt thì lợi thế trong chọn ngành nghề và cũng có nhiều cơ hội thành công hơn. Đây cũng là các ngành dự đoán thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển”, Ths Mạc Văn Tạo, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định.

PGS, TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cũng chia sẻ trường có 15/30 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Đây cũng là những ngành làm nên “thương hiệu Ngoại thương” khi tiệm cận với các chuẩn đào tạo quốc tế, sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên ngành mà được chú trọng đào tạo nhiều kỹ năng mềm, trong đó có ngoại ngữ để có thể làm việc ở nhiều cơ sở trong, ngoài nước.

Ở khối ngành kỹ thuật công nghệ, những ngành công nghệ ô-tô, kỹ thuật ô-tô được rất nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Một trong những lý do “giấc mơ ô-tô” của nhiều bạn trẻ lên ngôi là vì đã có ô-tô của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Điều đó khiến một số học sinh cho rằng các ngành liên quan sản xuất ô-tô có nhiều cơ hội thành công. PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải khẳng định, có những sinh viên của trường ông tốt nghiệp trở thành kỹ sư ngành kỹ thuật ô-tô, không chỉ có cơ hội việc làm rất rộng mà còn có thể khởi nghiệp trở thành các ông chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, nhóm ngành kỹ thuật ô-tô, kỹ thuật cơ điện tử đang là mũi nhọn của trường, thu hút nhiều người giỏi. TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, tiết lộ việc trường và VinFast hợp tác đào tạo ngành công nghệ ô-tô. Những học sinh tốt nghiệp ra trường sẽ có việc làm ngay với mức lương khởi điểm cao.

Hướng nghiệp cần luôn đi trước ảnh 1

Ngày hội tư vấn, tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: TTXVN

Những lưu ý trong xét tuyển

Nhiều học sinh tham gia ngày hội ở Hà Nội quan tâm các phương thức “kết hợp xét tuyển”. Theo các thầy trong ban tư vấn, trong phương thức xét tuyển của nhiều trường ĐH, học viện năm nay kết hợp áp dụng nhiều chính sách, hình thức. Cụ thể là xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, xét dựa trên các tiêu chí như chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, có giải thưởng ở những lĩnh vực khác nhau trong các cuộc thi trí tuệ… “Các bạn cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường để biết nội dung cụ thể, trong đó chú ý tỷ lệ chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức xét tuyển để cân nhắc lựa chọn đăng ký”, Ths Mạc Văn Tạo, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra lời khuyên.

Theo Ths Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT và mỗi em chỉ được điều chỉnh một lần duy nhất bằng phiếu hoặc trực tuyến (bằng mật khẩu tài khoản thí sinh được cấp khi đăng ký dự thi). Nếu các em muốn điều chỉnh tăng số lượng nguyện vọng thì buộc phải điều chỉnh bằng phiếu. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu từ ngày 9 đến 18-9; điều chỉnh trực tuyến từ ngày 9 đến 16-9.

Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Nếu trúng tuyển, thí sinh phải nộp hồ sơ xác nhận nhập học là giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc (mỗi thí sinh chỉ được cấp một giấy duy nhất). Khi thí sinh đã xác nhận nhập học thì hệ thống sẽ khóa và không thể đăng ký xét tuyển tiếp. “Năm nay, nếu thí sinh đã trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức xét tuyển nào, sau khi xác nhận nhập học thì tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh trên hệ thống đều bị khóa lại và không được đăng ký xét tuyển nữa”, bà Nga lưu ý.

Tư vấn hướng nghiệp vẫn chậm chân

Một khảo sát gần đây của dự án giáo dục ĐH được Ngân hàng Thế giới tài trợ cho kết quả: Khoảng 60% số sinh viên các trường ĐH nước ta phải đào tạo bổ sung, trong đó có rất nhiều trường hợp phải thay đổi ngành học do chọn nhầm nghề không phù hợp năng lực và sở thích cá nhân. Cho dù hơn chục năm nay, các cơ quan chức năng đã nỗ lực tư vấn tuyển sinh, “đưa trường học đến thí sinh” nhưng những nghiên cứu gần đây vẫn cho thấy còn không ít bất cập: Phần lớn học sinh vẫn mê làm “thầy” hơn “thợ”, vẫn mơ bước chân vào giảng đường bất kể học lực.

Mặc dù, chương trình hướng nghiệp bậc THPT mang tính bắt buộc nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết và gần như bị buông lỏng. Nhiều học sinh than phiền rằng các thầy, cô tại trường phổ thông tư vấn hướng nghiệp kiểu “có cũng như không”. Các hoạt động tư vấn tuyển sinh thường chỉ tập trung vào khu vực ĐH là chính. Ở đó chủ yếu là hoạt động quảng bá ngành nghề đào tạo của các trường ĐH để thu hút thí sinh, còn các thầy, cô bậc THPT lại hiếm khi có mặt.

Các trường phổ thông vì nhiều lý do khác nhau luôn đứng ngoài lề công tác hướng nghiệp cho học sinh. Nếu học sinh được tư vấn hướng nghiệp từ sớm hơn (năm lớp 9, lớp 10), nếu giáo viên tư vấn tâm huyết hơn, cơ sở vật chất giảng dạy hướng nghiệp chuẩn và hiện đại hơn, nếu hướng nghiệp cho học sinh được xem là mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện thì học sinh đã không đến nỗi rối bời mỗi khi cận kề mùa thi ĐH.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh nhận định: “Các em ít có thông tin về ngành nghề mà mình sẽ chọn, và quan trọng nhất, các em chưa xác định được tương quan giữa năng khiếu, năng lực học tập của mình với ngành nghề mà các em dự tính chọn. Nhiều em tâm sự với chúng tôi rằng các em chọn nghề dựa trên khả năng… dễ đậu, chọn nghề theo mong muốn hoặc áp đặt của cha mẹ, theo truyền thống nghề nghiệp gia đình. Hoặc có không ít em chọn nghề theo phong trào, chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không quan tâm nghề đó có phù hợp với mình, có gắn với nhu cầu xã hội không”.

Đã đến lúc, tư vấn hướng nghiệp phải đặt trước tuyển sinh. Bởi lẽ, thị trường lao động luôn biến động với những rủi ro mất việc khi lâm vào khủng hoảng kinh tế, hoặc dịch bệnh như thời gian qua, việc định hướng một nghề không chỉ dựa trên nhu cầu xã hội, năng lực, sở thích bản thân. Những công dân trẻ cần phải được trang bị nhiều kỹ năng, thậm chí phải đa năng để thích ứng nhanh với sự thay đổi mới có thể trụ vững trong thị trường lao động thời cạnh tranh khốc liệt.