Hướng đến bệnh viện thông minh

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong y tế đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhiều bệnh viện (BV) đã và đang ứng dụng CNTT vào khám, chữa bệnh (KCB).

Hướng dẫn người bệnh đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện K. Ảnh: SONG ANH
Hướng dẫn người bệnh đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện K. Ảnh: SONG ANH

Nhiều ứng dụng mới

CNTT được đánh giá là giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chống thất thu viện phí, công khai minh bạch tài chính, kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý an toàn. Đồng thời, giúp người bệnh (NB) giảm bớt các thủ tục phiền hà. Thông tin từ Cục Ứng dụng công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT ở các BV hiện nay theo nhiều mức độ khác nhau, nhưng đã có đến 99,5% cơ sở kết nối KCB bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan giám định BHYT để triển khai giám định BHYT điện tử. Một số BV đã tiên phong ứng dụng công nghệ mới vào công tác KCB cũng như quản lý hoạt động và bước đầu đạt hiệu quả cao.

Đã gần một năm nay kể từ khi chính thức đưa vào vận hành hệ thống quản lý tổng thể Bệnh viện FPT.eHospital, BV Đa khoa Vinh (Nghệ An) đã không còn tình trạng NB phải xếp hàng, chờ đợi mệt mỏi đến lượt khám, ùn ứ tại khu vực tiếp nhận và khám bệnh. Thay vì chỉ đón tiếp được khoảng 300 - 500 người/ngày, đến nay BV đã có thể tiếp đón từ 1.600 - 1.800 người chỉ trong… hai tiếng.

Hay như tại BV Bạch Mai, việc ứng dụng hệ thống FPT.eHospital đã giúp tiếp đón số lượng NB rất lớn (có thời điểm lên tới 9.000 người/ngày). Số lượng NB đến KCB sau khi sử dụng phần mềm tăng 15 - 20%. Trung bình mỗi NB chỉ mất 15 giây - 1 phút cho thủ tục đăng ký. Đáng nói, quy trình thanh toán viện phí hay các thủ tục về BHYT cũng giảm từ 30 phút/NB xuống chỉ còn 3 - 5 phút. Bạch Mai cũng là BV triển khai thành công tiện ích thanh toán không cần dùng tiền mặt.

Với số lượng người dân tới KCB hằng ngày gần 2.000 lượt, nên để tạo điều kiện thuận lợi cho NB, giảm thời gian chờ đợi và các thủ tục hành chính phức tạp, BV Tim Hà Nội đã kết nối đồng bộ tất cả các quy trình từ tiếp đón, khám bệnh, nhập viện, thanh toán viện phí bằng CNTT. Theo Phó Giám đốc BV - bác sĩ (BS) Vũ Quỳnh Nga, việc triển khai ứng dụng CNTT và bệnh án điện tử giúp các bác sĩ dễ dàng nắm bắt toàn bộ bệnh án của NB chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, thậm chí NB kháng thuốc gì, tiền sử bệnh như thế nào đều được hệ thống cảnh báo. Hơn nữa, với việc triển khai bệnh án điện tử, NB không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đến KCB, việc sử dụng thẻ BHYT cũng minh bạch hơn.

Ứng dụng gần đây nhất trong sử dụng trí tuệ nhân tạo là đưa hệ thống IBM Watson for Oncology vào điều trị ung thư tại một số BV như: BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, BV K T.Ư, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ... Đây là một hệ thống ứng dụng những thành quả của điện toán biết nhận thức kết hợp với dữ liệu lớn. Hệ thống sẽ đưa ra các khuyến cáo điều trị, qua đó, BS có thể lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu cho từng trường hợp bệnh.

Hướng đến bệnh viện thông minh ảnh 1

Ứng dụng CNTT và bệnh án điện tử giúp các bác sĩ dễ dàng nắm bắt toàn bộ bệnh án của người bệnh. Ảnh: NAM HẢI

Không ít khó khăn, vướng mắc

Mặc dù việc ứng dụng CNTT trong KCB đang được đẩy mạnh triển khai nhưng bản thân các BV cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. TS, BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc ứng dụng CNTT mỗi BV đang làm một kiểu. Phần mềm, hệ thống không giống nhau, cũng chưa có quy chuẩn thống nhất nên việc kết nối, phối hợp giữa các BV trong chia sẻ dữ liệu là không đơn giản. Đại diện một số BV cũng nhìn nhận khó khăn về kinh phí khi đầu tư đồng bộ hồ sơ bệnh án điện tử, các phần mềm quản lý BV, phần mềm hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh, hệ thống thông tin xét nghiệm...

Theo PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện tất cả các BV đã và đang khởi động CNTT, nhưng mức độ áp dụng CNTT ở các BV có sự khác biệt bởi nguồn nhân lực. “Để tuyển được một chuyên gia CNTT về BV rất khó. Hạ tầng CNTT giữa các BV có nhiều sự khác biệt. Để đầu tư hạ tầng CNTT là vấn đề không nhỏ, trong khi các BV lại tự chủ, nên một số BV có nguồn thu thấp, không đủ kinh phí đầu tư, hạ tầng sẽ kém”, PGS, TS Tăng Chí Thượng phân tích.

Nhiều lãnh đạo BV cũng chỉ ra, hiện nay, chi phí cho phần mềm quản lý BV, phần cứng cơ sở hạ tầng của CNTT khá tốn kém. Đồng thời, với việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, việc đầu tư chữ ký số của NB và BS thay cho chữ ký tươi trước đây không hề dễ dàng, bởi giá của một chữ ký điện tử khá đắt. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn chưa đưa giá CNTT vào giá dịch vụ y tế hiện tại, gây khó khăn cho các cơ sở KCB.

Giám đốc BV Sản nhi Quảng Ninh Nguyễn Quốc Hùng cho biết, BV đã sử dụng bệnh án điện tử được hai năm. Theo ông Hùng, nếu in bệnh án ra giấy thì sẽ tốn kém rất nhiều về vật chất, mực in, làm ảnh hưởng đến môi trường và nhà kho để đựng bệnh án. Tuy nhiên, khi triển khai ứng dụng phần mềm bệnh án điện tử để quản lý tình trạng sức khỏe của người dân, các chuyên gia CNTT lẫn các BS vẫn lo ngại về hành lang pháp lý. Chẳng hạn tiêu chí về thiết bị kết nối và chia sẻ dữ liệu ra sao? Khả năng mở rộng ứng dụng khi có thiết bị mới như thế nào? Dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của NB có được bảo mật?

Với mục tiêu giảm tải cho các BV, đồng thời tiết kiệm công sức và tiền của cho người dân, Chính phủ đã phê duyệt đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, theo đó, đến năm 2020 chấm dứt thanh toán viện phí bằng tiền mặt. PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng CNTT (Bộ Y tế) khẳng định, ứng dụng CNTT trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là rất cần thiết và có ý nghĩa, góp phần cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng đến gần người dân hơn. Tuy nhiên, nhiều người e ngại thói quen dùng tiền mặt của đại đa số người dân và những khoản phí phát sinh trong giao dịch thẻ là những rào cản khiến cho việc này khó triển khai. Về phía BV, khi sử dụng dịch vụ của các ngân hàng trong thanh toán đều cho rằng, khi triển khai thanh toán viện phí không tiền mặt cũng gặp phải vấn đề về phí ngân hàng quá cao, có ngân hàng thu phí lên tới 3%. Ngoài ra, mỗi phát sinh trong quá trình thanh toán qua thẻ như tạm ứng trước tiền viện phí; hoàn lại tiền thừa cho NB… đều phải trả phí.

Ông Trần Quý Tường cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 54/2017/TT-BYT về bộ tiêu chí ứng dụng CNTT trong BV nhằm thúc đẩy việc đưa các công nghệ mới vào công tác KCB và quản lý y tế, hướng tới BV thông minh. Bộ tiêu chí này được chia làm bảy mức. Nếu BV nào đạt được đến mức 6 -7 (được trang bị phần mềm quản lý thông tin BV - HIS, phần mềm quản lý xét nghiệm - LIS, phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh - PACS, phần mềm bệnh án điện tử - EMR, có kiosk thông tin cho phép bệnh nhân tra cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...) thì được coi là BV thông minh.

Ngay sau thông tư ra đời đã có nhiều BV đăng ký đạt mức 5 - 6. Để đạt được điều đó thì trước mắt, các BV cần phải lựa chọn giải pháp công nghệ đáp ứng được theo yêu cầu mà Bộ Y tế đã đề ra, đồng thời phù hợp mô hình hoạt động của từng đơn vị, đặc biệt là lựa chọn đơn vị triển khai có uy tín và kinh nghiệm để bảo đảm sự thành công là điều mà các chuyên gia khuyến nghị.

Hệ thống IBM Watson for Oncology đã được triển khai trên 230 BV tại 13 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều NB ung thư từ Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ..., sau khi được điều trị bằng ứng dụng hệ thống IBM Watson for Oncology đã ghi nhận những kết quả ban đầu tích cực.