Hơn 40 ngày “sống chung” với lũ lụt

Những ngấn nước vẫn còn in hằn trên tường nhà của hàng nghìn hộ dân ở hạ nguồn con sông Bồ như đánh thêm một dấu mốc lịch sử. Nước lên rồi xuống, nhiều người vẫn nhớ những ngày “ngâm mình” trong nước lũ.

Phụ nữ, trẻ em ngồi trên chiếc giường, chung quanh là nước lũ.
Phụ nữ, trẻ em ngồi trên chiếc giường, chung quanh là nước lũ.

Điệp khúc nước lũ dâng lên hạ xuống

Trong ký ức của cư dân hạ nguồn con sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế), lũ năm 1999 trở thành một dấu mốc không thể nào quên, bởi lũ dâng cao gây ra nhiều mất mát, đau thương... Để rồi, những trận lũ lụt sau đó, lũ năm 1999 được đem ra để làm mốc so sánh. 21 năm trôi qua, chưa có trận lũ nào mực nước trên sông Bồ lại bằng hay cao hơn mức lũ năm 1999. Thời gian 21 năm đó nhanh chóng chấm dứt khi vào ngày 10-10 năm nay, mực nước lũ trên sông này đạt đỉnh 5,24 m, trên báo động 3 là 0,74 m, vượt lũ lịch sử năm 1999 là 0,06 m.

Không chỉ lũ lịch sử, nhiều thôn, xã ở hạ nguồn con sông Bồ này từng “ngâm mình” trong nước lụt hơn 40 ngày. Hầu như không có ngày nào các mặt đường quanh các thôn trở nên khô ráo bởi con nước bạc cứ “lì lợm” bám chặt lấy.

Vốn là “rốn lũ” của xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, ngày 15-11, khắp các con đường ở thôn Xuân Tùy còn nước lũ bao vây tứ phía. Đưa tay chỉ vào ngấn nước trên tường nhà, anh Lê Cư, ở thôn Xuân Tùy nói rằng: “Nước lũ vào rồi ra liên tục nhiều lần trong hơn 40 ngày. Các con đường chưa khi nào khô ráo nước lụt. Trong đợt lũ ngày 10-10, nhà tôi ngập sâu trong nước hơn 1 m, bức vách tường cũng bị sụp… Còn đợt lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 12 vừa rồi, nước lại ngập tầm nửa mét”.

Không riêng gì nhà anh Cư, hàng chục ngôi nhà ở thôn Xuân Tùy có lúc nước lũ vào nhà trên dưới 1 m. Những bữa ăn tối trong ánh đèn dự phòng lúc mất điện cùng việc bì bõm lội nước trong nhà đã thành điều bình thường của dân vùng lũ. Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, nói rằng chính vì đặc sản lũ lụt nên thôn Xuân Tùy hay gọi đùa là làng “sáu tháng mặc quần, sáu tháng ở lỗ (ý nói mặc quần đùi)”. 

Thời khắc người dân Xuân Tùy bắt đầu “chiến đấu” với lũ chính là vào đêm mồng 9, rạng sáng ngày 10-10. “Dù nhà cao so những ngôi nhà trong vùng nhưng nhận được thông tin thủy điện Hương Điền xả lũ liên tục với tần suất đợt sau hơn đợt trước, gia đình tôi đã chuẩn bị tâm thế để kê đồ đạc lên cao”, bà Phạm Thị Hòa (50 tuổi) ở thôn Xuân Tùy kể lại. Khi trời chập choạng, nước lũ vừa mới mấp mé ngoài sân, rồi nhanh chóng leo lên bậc thềm… “Tôi cùng đứa con trai quần quật hai - ba tiếng đồng hồ, bì bõm trong nước, mò mẫm trong bóng tối mới đưa được mọi thứ lên cao”, bà kể.

0 giờ ngày 10-10, cả thôn Xuân Tùy huyên náo bởi tiếng gọi, tiếng kêu của người dân vang vọng khắp nơi. Nhà nhà, người người giúp nhau, công việc khẩn trương kê cao đồ đạc. Người dân nơi đây thao thức không dám ngủ vì sợ nước sẽ còn lên cao nữa. Lúc này, mực nước ngoài đường đã hơn 2,3 m, gần 100% nhà dân chìm trong biển nước. 

Vật lộn với dòng nước suốt đêm, hai vợ chồng ông Phạm Hoài Phong (63 tuổi) mệt lả cả người. “Đến sáng hôm sau, chúng tôi phải ăn tạm gói mì ăn liền cho qua bữa, vì bếp ga quên đưa lên cao nên bị chìm dưới nước. Người em gái của tôi đã nấu cơm mang ra cho chúng tôi ăn uống”, ông Phong nhớ lại. Cúp điện nhiều ngày liền, người dân dùng bếp ga để nấu cơm, nấu đồ ăn đã dự trữ sẵn… Rồi nước lũ hạ dần trong niềm vui của người dân. Nhưng niềm vui đó kéo dài chưa được một ngày, lũ lại lên cao hơn đợt đầu gần 10 cm, cuộc sống của người dân thêm khó khăn.

Trong hơn 40 ngày, nước lũ hạ rồi lên liên tục khoảng năm - sáu lần khiến ghe thuyền trở thành phương tiện duy nhất của cư dân Xuân Tùy để di chuyển, đi lại bởi đường sá đã biến thành sông. Đỉnh điểm của đợt lũ này, nước dâng cao hơn 2,3 m ở ngoài đường. Hơn 40 nhà có nhiều bao lúa bị nước lũ ngấm vào, ướt nhẹp.

Trắng tay sau lũ

Tính đến gần cuối tháng 11, khi nước rút, gần 190 hộ dân ở ngôi làng này đã trải qua hơn 40 ngày sống chung với lũ lụt. Mỗi sáng thức dậy, cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với thứ nước đục quánh. Khắp các con đường, ngõ nhỏ trong làng đều ngập chìm trong nước lụt. Một cảnh tượng chưa bao giờ xảy ra… Người dân đã phải chật vật sống cùng với lũ lụt để chờ ngày nước rút hết. Những bàn chân đau nhức vì nước ăn chân, nhiều bữa ăn thực đơn duy nhất là mì ăn liền, những đêm sống trong bóng tối… đã trở thành những ký ức khó quên trong những ngày qua của người dân Xuân Tùy. 

Ông Phạm Văn Lợi nói rằng, nhận thức sống ở nơi thấp trũng nên người dân Xuân Tùy thường xây dựng móng nhà rất cao, gia đình có điều kiện còn xây trần đổ be kiên cố để phòng, chống bão lũ. “Chỉ có những người già cả là không sắm ghe thuyền chứ tất cả mọi gia đình đều có ít nhất một chiếc. Vừa rồi xã tăng cường thêm cho Xuân Tùy hai chiếc ghe để phòng, chống lũ lụt”, ông Lợi cho biết thêm.

Tuy nhiên, trong năm nay, do hứng chịu liên tiếp hậu quả của bão số 5, đợt lũ đặc biệt lớn vào tháng 10 và bão số 9 nên xã Quảng Phú bị thiệt hại nặng, ước khoảng 25 tỷ đồng. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Dũng (65 tuổi), ở thôn Xuân Tùy, khi dấu tích cơn lũ vẫn chưa phai. Mặt ông buồn bã, đờ đẫn đầy xót xa bởi khoảng 2.000 con gà, trong đó có 1.000 con sắp xuất chuồng, ba hồ cá trôi theo dòng nước. Lũ đã cuốn phăng bao công sức gây dựng lâu nay của gia đình ông Dũng. Ông chính thức trắng tay, nợ nần gần 200 triệu đồng. Ông Dũng tâm sự: “Vào tối hôm lũ đổ về, tôi ở hồ cẩn thận kê đồ đạc lên cao rồi. Vậy mà lũ cao quá nên tôi chỉ giữ lại được bốn con heo nhưng giờ nó cũng bị chết, phải mang đi chôn”.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, chia sẻ, trong nhiều ngày qua, cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện này đã phải gặp vô vàn khó khăn khi bị ngập lụt liên tục. 

Chịu dồn dập những trận bão, trận lũ lụt, trong khi nhiều thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế dần dà khắc phục hậu quả của thiên tai, người dân ở hạ du con sông Bồ đang tiếp tục lo ổn định cuộc sống để hướng tới ngày mai.