Hồi sinh nơi vùng lũ Nghệ An

Trận lũ lịch sử cuối tháng 10 năm 2020 đã khiến huyện Thanh Chương (Nghệ An) phải gánh chịu hậu quả nặng nề, làng mạc tiêu điều, xơ xác, ngập ngụa trong bùn đất... Nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền, sự sẻ chia giúp đỡ của cả cộng đồng, người dân đã nỗ lực nhanh chóng ổn định cuộc sống. Mầm xanh đã nhú lên, cuộc sống đang hồi sinh.

Gia đình anh Chung trồng dưa chuột ngay sau lũ lụt.
Gia đình anh Chung trồng dưa chuột ngay sau lũ lụt.

1/ Trở lại huyện Thanh Chương vào những ngày đầu Xuân Tân Sửu, dòng sông Lam giờ đã trong xanh lững lờ hiền hòa trôi. Là một trong những gia đình thiệt hại lớn trong trận lũ lụt lịch sử vừa qua, anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương cho biết: Hàng chục năm nay không có trận lụt nào lớn như trận lụt này. Cuối tháng 10-2020, trời mưa rất to, không ngớt, nước dâng nhanh lên ngập nóc nhà. Cả xã chìm trong biển nước mưa trắng xóa trời. Nhiều nhà đồ đạc, lợn gà, gạo thóc... bị nước cuốn trôi hết không còn gì.

Cuối tháng 10-2020, nhiều địa phương thuộc huyện Thanh Chương gánh chịu hậu quả nặng nề của trận lũ lịch sử. Nhiều nơi ngập băng trong dòng nước đục ngầu, có những điểm như xã Thanh Mỹ, Thanh Xuân... ngập sâu đến 3 m. Trận lụt đi qua, để lại thiệt hại nặng nề về hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, tài sản và hoa màu của nhân dân. Theo ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, trận lụt lịch sử cuối năm 2020 đã làm thiệt hại hơn 82 tỷ đồng.

2/ Chúng tôi đi vào thăm các xã bị ngập nặng vừa qua, làng mạc giờ đang tấp nập trở lại. Những đàn vịt lội trắng ao và những cánh đồng lúa, ngô, khoai, ớt... các xã Thanh Mỹ, Thanh Xuân, Thanh Lĩnh, Thanh Tùng, Thanh Nho, Thanh Giang... ngút ngát hứa hẹn năng suất cao. Cuộc sống đã hồi sinh… 

Sau mưa lụt, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huy động toàn bộ lực lượng giúp nhân dân tham gia khắc phục hậu quả. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng UBND huyện đã chỉ đạo nhân dân tiếp tục khôi phục sản xuất ổn định đời sống, đặc biệt là diện tích cây trồng vụ đông bị thiệt hại, ông Lê Đình Thanh cho biết thêm. 

Trong ngôi nhà vừa được xây dựng lại vẫn còn ngai ngái mùi sơn, chị Trần Thị Hằng, xóm 3, xã Thanh Tùng, Thanh Chương ngậm ngùi nhớ lại: “Nước ngập căn nhà đơn sơ vợ chồng tui cả đời tích cóp dựng lên. Nước vừa rút, tất cả các đoàn viên, thanh niên trong xã rải xuống các thôn, xóm giúp bà con dọn dẹp lại nhà cửa, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết để tránh ô nhiễm. Nhiều tổ chức đoàn thể đã về xã Thanh Lĩnh thăm hỏi, cứu trợ về vật chất. Được chính quyền địa phương hỗ trợ dựng lại nhà, chăm lo người dân vùng lụt đón Tết, mặc dù tài sản bị trôi, trắng tay sau lũ, nhưng chúng tôi cũng ấm lòng vì đã có nhiều tấm lòng hảo tâm về trao quà cho bà con địa phương. 

Sau gần ba tháng, mọi dấu tích của trận lụt đã gần bị xóa. Chị Hằng đang chăm sóc trà lúa xuân và con bê của gia đình. Đây là quà của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương để gia đình chị vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và cộng đồng, vợ chồng sẽ cố gắng tập trung khôi phục lại sản xuất để ổn định cuộc sống…”, chị Hằng chia sẻ.

3/ Đến thăm anh Nguyễn Tư Chung, xã Thanh Lĩnh, một trong những hộ sản xuất giỏi của xã Thanh Lĩnh trong lúc anh đang khẩn trương thu hoạch mùa. Anh Chung cho biết: Trận lụt khiến toàn bộ diện tích dưa lưới, dưa vàng trồng trong nhà màng của anh hư hỏng hoàn toàn, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, anh Chung bắt tay vào khắc phục hệ thống nhà màng, xử lý đất. Để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu, anh Chung cũng phải thay đổi các giống cây ngắn ngày. 

Ngay sau khi mưa lũ đi qua, gia đình anh đã bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, cải tạo lại đất, sửa lại nhà lưới bị hư hỏng và đầu tư, xuống giống trồng dưa kim hoàng hậu, dưa chuột và bí đỏ. Đây là các mặt hàng thực phẩm sạch nhằm cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình. 

Cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương cũng đã trích gần 10 tỷ đồng từ ngân sách để khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng để phục vụ dân sinh và đầu tư phát triển sản xuất... Được quan tâm hỗ trợ, người dân hăng say lao động, khôi phục sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân bắt đầu khởi sắc trở lại. Những ngày này, khắp huyện Thanh Chương không khí ra quân sản xuất đầu năm khá sôi nổi. Huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng xây dựng hoàn thiện để nâng sao cho 11 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận...

Về vùng lũ những ngày này trong không khí xuân ấm áp, ai cũng cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa để mầm non xanh lại sinh sôi, cho cuộc sống mới no ấm hạnh phúc đến với người dân Thanh Chương. 

Anh Nguyễn Tư Chung: “Tôi mừng lắm, hai sào dưa chuột sạch đã chuẩn bị cho thu hoạch, với giá cả thời điểm hiện tại ước tính thu về khoảng 50 triệu đồng. Dưa kim hoàng hậu và bí đỏ cũng đang phát triển tốt, sẽ cho thu hoạch. Với nguồn thu nhập này, gia đình được đón cái Tết tươm tất.