Hội An “tắm gội” phố, nhà

Lũ sông Thu Bồn đổ về phố cổ Hội An (Quảng Nam) đạt đỉnh 2,71 m, tương đương lũ năm 2013. Sau lũ, phố phường, nhà cửa ngập bùn rác. Sáng 13-10, người dân và chính quyền ra quân dọn rác.

Tẩy bùn, rửa đường tại chợ Hội An.
Tẩy bùn, rửa đường tại chợ Hội An.

Đem việc làm không công

Lũ rút, toàn bộ phố phường, đường, hẻm ở Hội An như bị một kẻ “phá đám” tung tóe bùn đất, rác thải. Dù vậy, phương châm của người Hội An, nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó, tránh bùn se khô khó tẩy rửa. Anh Nguyễn Văn Nhàn có cửa hàng ăn uống trên đường Trần Nhân Tông, phường Cẩm Châu cho biết: “Suốt ngày 11-10, tôi đã phải dọn dẹp, kê cao tủ lạnh, than củi, cất quạt, cất đồ. 

5 giờ chiều cùng ngày, nước dâng ngập đường. Đêm đó, theo cữ lũ, nước sẽ dâng trong 12 giờ, sau đó, sẽ rút dần sau 12 giờ nữa. Đó là lịch trình mà bất cứ người nào ở Hội An đều biết được để đối phó với lũ hằng năm”.

Đường Trần Nhân Tông chạy qua hai phường Cẩm Châu, Cẩm Thanh. Tuy nhiên, trên con đường này, đoạn qua phường Cẩm Châu tiếp giáp trung tâm phố cổ nên tình trạng phố cổ bị ngập, đoạn đường này cũng ngập luôn. Tối 12-10, anh Nhàn đã mở cửa hàng của mình, dọn dẹp trong đêm. 

Cùng với chuyện dọn dẹp ban đêm giống anh Nhàn là những hộ dân, những nhà hàng trên các con đường: Trần Quang Khải, Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu... Sáng 13-10, nước lụt rút khỏi các con đường thấp hơn trong phố: Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Tiểu La, Châu Thượng Văn, Công Nữ Ngọc Hoa và toàn bộ khu dân cư An Hội. Tại đây, các hộ dân, các chủ cửa hàng, cửa hiệu vào cuộc tẩy rửa, lau dọn. Theo ghi nhận của chúng tôi, lớp bùn mỏng, nhão nhoẹt lắng lại trong nền nhà từ vài cm trở lên. Bùn sình ngang đầu gối, gồm các cung đường: Bạch Đằng, Lê Lợi, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Phúc Chu, Công Nữ Ngọc Hoa.

Nhiều nhà nghỉ, homestay, villa cũng bắt tay vào dọn dẹp bùn loãng. Lũ làm ngập nhiều bể bơi mi-ni tại các căn nhà villa, homestay. Chủ Garden Villa, số 182 Trần Nhân Tông, cho biết: “Hết ngày hôm nay mới dọn bùn ở nền nhà, phun xối bùn bám cây kiểng. Đối với bể bơi, bùn đã bồi lấp. Xúc được chỗ bùn đó đi, lại phải nhặt từng viên đá quanh bể tẩy rửa. Xử lý bể bơi sạch, trong rất khó. Vì dưới đáy bể là hệ thống ống lọc nước cho bể bơi, bùn loãng thấm ngấm đường ống”.

Người phố Hội bình tĩnh với bão lũ

Nước ngập, bùn sình - “món quà” bất mãn với người dân thành phố du lịch Hội An. Hiện, bão số 7 cập kề, nỗi lo ảnh hưởng của bão, mưa đầu nguồn, nguy cơ lũ chồng lũ ở Hội An. Tuy nhiên, ngày 14-10, tất cả các trường đã trở lại lịch học bình thường. Những khu vực trũng thuộc đường Bạch Đằng, khu An Hội về cơ bản đã rút hết nước. Vào cuộc dọn rác, tẩy bùn trên địa bàn phường Minh An, ông Nguyễn Trần Vũ, Chủ tịch UBND phường, cho biết: Rác ùn ứ tại khu vực Chùa Cầu và cầu An Hội do Công ty cổ phần Công trình công cộng Hội An thu dọn. Phường và nhân dân có nhiệm vụ dọn rác kẹt tại các hẻm, kiệt, tẩy rửa bùn.

Những trận lụt đi qua, đều để lại những “tổn thương” ngấm ngầm với từng ngôi nhà bị ngập trong phố cổ. Thành phố Hội An có 1.360 di tích, trong đó 1.107 di tích nằm trong phố cổ, gồm nhà ở, hội quán, miếu, nhà thờ, chùa. Với số lượng di tích nhiều như vậy, khi mùa mưa bão đến, lũ lụt từ thượng nguồn sông Thu Bồn tràn về, đây là nỗi lo lắng của người dân Hội An. Tuy nhiên, theo một số người cao tuổi ở đây kể lại rằng, trận lụt năm 1964 mới là lớn nhất, ngồi trên tầng hai thò tay xuống là tới nước. Gần đây, trận lụt vào tháng 11-2017 là trận lụt lớn. Trận lụt năm nay chỉ tương đương với lũ năm 2013.

Sau một ngày nước rút, đường phố Hội An đã sạch đẹp phong quang. Tuy nhiên, những ao hồ trũng ở cạnh đường Cửa Đại, Hai Bà Trưng..., rác trôi từ sông, từ phố tấp cuộn khiến không khí chung quanh hơi nặng mùi.

Một ghi nhận khác, sau hai đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhiều cửa hàng, cửa hiệu mặt phố đóng im ỉm. Thông tin từ các đơn vị quản lý cho rằng, chủ nhà đã ra nước ngoài hoặc sống ở thành phố khác. Chủ thuê, do không bán được hàng nên không mở cửa, rất khó khăn trong phòng, chống cháy, phòng, chống lũ. Tuy nhiên, sau khi lũ rút, các cánh cửa nhà mặt tiền đều mở toang, dọn dẹp, tẩy rửa. Điều này cho thấy, các căn nhà trên phố đều có người trông coi chứ không hẳn bỏ bê. 

Mỗi năm một lần, vào độ tháng 10, tháng 11, mưa nguồn, nước lũ “hẹn” về phố cổ. Tâm tình người phố Hội thật sự sẵn sàng sống chung với lũ? Ông Phạm Văn Thuyền, 72 tuổi, sống ở phố Lưu Quý Kỳ (khu An Hội, Hội An), bày tỏ: “Tâm thế chuẩn bị rồi, người ở đây truyền từ đời này sang đời khác. Hình ảnh nước lũ ngấm vào tâm tư, máu thịt. Đã chọn ở dọc bờ sông, cửa biển tất nhiên là có lũ. Ở những vùng miền núi còn có lũ, huống chi ở đây, đất thấp, biển liền kề”.

Câu chuyện với ông Thuyền cũng cắt nghĩa lý do tại sao, khi nhìn thấy lũ rút đến đâu, người người, nhà nhà lại tay xô, tay chổi... vệ sinh phố, nhà. Họ làm việc với tinh thần thoải mái, không kêu than.