Quảng Trị

Gồng mình chống hạn và xâm nhập mặn

Nhiều con sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang bị xâm nhập mặn nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa và màu vụ hè thu. Trong khi đó, tình hình hạn hán vẫn đang phức tạp, khiến hàng nghìn ha lúa có nguy cơ mất trắng.

Người dân chủ động bơm nước từ ao, hồ phục vụ gieo cấy lúa.
Người dân chủ động bơm nước từ ao, hồ phục vụ gieo cấy lúa.

1. Nắng nóng kéo dài, gió tây nam thổi mạnh, nhiệt độ tăng cao nhiều ngày liên tục đã làm cho nhiều diện tích cây trồng ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Gio Linh bị khô hạn nặng. Một số địa phương, diện tích cây trồng cạn chết trơ trụi vì thiếu nước. Trạm bơm của HTX Bắc Hiếu, huyện Cam Lộ hơn hai tháng qua không hoạt động do nguồn nước tưới bị nhiễm mặn.

Giám đốc HTX Bắc Hiếu Nguyễn Hữu Thự cho biết: “Nguồn nước lấy từ sông Hiếu bị nhiễm mặn nghiêm trọng từ đầu tháng 5 nên chúng tôi không bơm tưới cho cây trồng được. Cùng với đó là thời tiết nắng nóng gay gắt, lượng nước bốc hơi nhanh nên cánh đồng hơn 20 ha lúa của HTX Bắc Hiếu chuyển sang nứt nẻ toang hoác, cây lúa bị cháy rụi dần. Nếu vài ngày tới trời tiếp tục không mưa thì vụ mùa này xem như mất trắng”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho thấy, hiện nước mặn đã xâm nhập và lấn sâu vào khoảng 20 - 25 km trên các con sông. Nặng nhất là khu vực sông Bến Hải, độ mặn dao động từ 19 - 26 phần nghìn. Mực nước ở các hồ, đập thủy lợi đang giảm xuống nhanh, chỉ còn khoảng 36% so dung tích thiết kế. Nhiều hồ giảm tới mực nước chết nên tình hình hạn hán càng thêm nghiêm trọng. Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà Trương Văn Hùng cho biết: “Xí nghiệp đã huy động công nhân các trạm đắp 23 đập, đặt hàng chục máy bơm vét nước ở các hồ phục vụ tưới tiêu cứu lúa hè thu. Diện tích nào không đủ khả năng tưới thì xí nghiệp báo cáo chính quyền địa phương để có phương án chuyển đổi cây trồng cạn kịp thời”.

Còn theo Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Quảng Trị Lê Quang Lam, đơn vị đang phối hợp các địa phương điều tiết nguồn nước ở các hồ chứa, thực hiện tưới kết hợp giữa hồ chứa và trạm bơm, với phương châm tận dụng tối đa các nguồn nước để tưới. Đối với các vùng quá khó khăn về nguồn nước tưới thì chỉ tập trung tưới cho những diện tích còn có khả năng cho thu hoạch được, không tưới tràn lan, lãng phí nước đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị mất trắng; chuẩn bị các điều kiện tốt hơn để tập trung cho sản xuất vụ đông xuân tới.

2. Để chủ động ứng phó hạn hán và nguồn nước sông bị nhiễm mặn đang diễn ra nghiêm trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương kiểm tra toàn bộ hồ, đập, khẩn trương xử lý những nơi bị rò rỉ để chống thất thoát nguồn nước ngọt; điều tiết, phân phối nước hợp lý, thực hiện tưới nước tiết kiệm và khoa học. Đồng thời, đóng kín các cống ngăn mặn, giữ ngọt cuối các con sông, không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng; lắp đặt các trạm bơm tạm để bơm tát kịp thời cứu lúa và các loại cây trồng cạn… Tỉnh cũng đang kiến nghị T.Ư hỗ trợ trước mắt.

Tình hình hạn hán ở tỉnh Quảng Trị đang có nhiều diễn biến phức tạp nếu trời tiếp tục nắng nóng và không có mưa. Các ngành chức năng ở tỉnh Quảng Trị đang phối hợp các huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp chống hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hơn 7.000 ha lúa và cây trồng cạn thiếu nước tưới, trong đó có hơn 5.000 ha lúa. Một số địa phương có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nặng của hạn hán và nhiễm mặn là các huyện Gio Linh: hơn 445 ha, Cam Lộ: 257 ha, Vĩnh Linh: 249 ha… Thiếu nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt còn xảy ra tại một số địa phương thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, nơi chưa xây dựng được công trình thủy lợi, người dân còn phụ thuộc vào nguồn nước sinh thủy.