Giao quyền tự chủ kèm trách nhiệm giải trình

“Tự chủ đại học phải xây dựng một mô hình quản trị tiên tiến, luôn phải gắn liền giải trình với toàn xã hội. Tự chủ ĐH không có nghĩa là Nhà nước buông lỏng quản lý, cũng không được làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” vừa được tổ chức.

Chưa thấy rõ sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường ĐH trong quá trình đào tạo. Ảnh: HẢI NAM
Chưa thấy rõ sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường ĐH trong quá trình đào tạo. Ảnh: HẢI NAM

Tự chủ nhưng tài chính thiếu bền vững

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Đến nay, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam. Ở các trường tự chủ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tăng thu hút thí sinh đại học (tỷ  lệ tuyển được/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%); số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần, nay đóng góp 45% toàn quốc; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách nhà nước cấp giảm 2,1 lần); bốn trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021.

Tuy nhiên, còn nhiều bất cập như tài chính thiếu bền vững, học phí chiếm tỷ trọng lớn (phần lớn hơn 80%); thu từ nghiên cứu và các nguồn khác thấp; nguồn thu từ ngân sách giảm mạnh...

Ông Chorítophe lemiere, Quản lý Chương trình phát triển con người - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng chất lượng GDĐH Việt Nam hiện thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN. Theo ông, một thách thức dễ nhìn thấy trong GDĐH Việt Nam là kỹ năng quản lý và các kỹ năng cần thiết cho phát triển kinh tế, nhất là kỹ năng về quản lý và công nghệ. Sinh viên ra trường thiếu hụt về mặt kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động. Tỷ lệ nghiên cứu khoa học trong GDĐH rất thấp so với Hàn Quốc, Trung Quốc. Về mặt hệ thống, GDĐH còn manh mún. Về quản trị, có tới ba bộ có trách nhiệm quản lý khối đào tạo, dạy nghề, nghiên cứu khoa học là Bộ GD&ĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội,  Khoa học và Công nghệ, nhưng không có sự liên kết tốt giữa ba bộ này. 

Ông Chorítophe lemiere đánh giá, quá trình thí điểm tự chủ ĐH ở Việt Nam chưa thấy rõ sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường ĐH trong quá trình đào tạo. Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị, trao quyền tự chủ thì tính giải trình phải rất cao, trong đó có cơ chế bảo đảm chất lượng đào tạo, phải được giải trình rõ.

Về quản trị tài chính trong GDĐH ở Việt Nam, đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, GDP chi cho GDĐH rất thấp, chỉ khoảng 0,23% GDP, dù tỷ lệ chi cho giáo dục chung là khá cao, tới 20%. Ngân sách cho GDĐH chủ yếu vẫn từ học phí, tức là nguồn thu của GDĐH vẫn từ người học, đó là tính bất cập lớn của GDĐH Việt Nam. Việt  Nam là quốc gia mà GDĐH có tính phụ thuộc vào học phí là cao nhất, đầu tư công cho GDĐH còn thấp, khiến cơ hội cho sinh viên bị ít đi. Mặt khác, đầu tư công cho GDĐH vẫn theo cơ chế từ trước đến nay, do đó không thúc đẩy được sự phát triển, nghiên cứu khoa học.

Không được làm giảm cơ hội tiếp cận GDĐH

Bộ GD&ĐT kiến nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ ĐH. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ về quy định cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài; tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách cho GDĐH. Đáng chú ý, bộ kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ ĐH với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan với Bộ GD&ĐT là thường trực. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn thực hiện tự chủ ĐH.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ ĐH phải xây dựng một mô hình quản trị tiên tiến; luôn luôn phải gắn liền giải trình với toàn xã hội. Tự chủ ĐH không có nghĩa Nhà nước buông lỏng quản lý, cũng không được làm giảm cơ hội tiếp cận GDĐH.

Theo Phó Thủ tướng, có hai việc rất quan trọng để thực hiện tự chủ theo đúng hướng và đúng quy luật. Thứ nhất, phải có Hội đồng trường thực quyền theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động theo cơ chế tập thể, Hội đồng trường sẽ ngăn chặn được những ý kiến cực đoan, nguy cơ sai phạm trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH. “Mô hình Hội đồng trường hiện nay thể hiện tư duy chúng ta không học tập, sao chép bất kỳ mô hình của nước nào nhưng phù hợp với xu thế thế giới và điều kiện trong nước”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, các trường đều phải xây dựng một bộ quy chế hoạt động đầy đủ, chi tiết theo quy định của pháp luật giống như “một bộ luật của trường” và phải công khai cho sinh viên, giáo viên, người lao động trong trường và người dân quan tâm có thể cho ý kiến và giám sát. Hiện tại, đã có những trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân… xây dựng bộ quy chế hoạt động và các trường khác có thể tham khảo.

“Chính phủ sẽ xem xét và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều chỉnh về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH. Những vấn đề liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH cần có sự chuẩn bị rất kỹ cả về nội dung, thời gian và các bước thực hiện, đánh giá tác động. Còn đối với những vấn đề dưới luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo tinh thần khuyến khích, thúc đẩy tự chủ ĐH, đẩy nhanh việc điều chỉnh, sửa đổi những bất cập, hạn chế trong các văn bản dưới luật”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.