“Thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai

Giá heo biến động từng giờ

Người nuôi ngần ngừ bán, thương lái tranh nhau mua là thực trạng đang diễn ra tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi được coi là “thủ phủ” chăn nuôi lớn nhất cả nước với hàng nghìn trại nuôi heo. Giá heo tính đến thời điểm sáng ngày 9-10 đã chạm mốc 60 nghìn đồng/kg heo hơi mua tại trại chăn nuôi, và vẫn tiếp tục biến động từng giờ. Mức giá kỷ lục 65 nghìn đồng/kg thịt heo hơi năm 2006 có thể được lặp lại, thậm chí bị phá vỡ, sau 13 năm.

Nhiều hộ chăn nuôi tăng đàn đón giá dịp cuối năm.
Nhiều hộ chăn nuôi tăng đàn đón giá dịp cuối năm.

Một ngày tăng lên “vài giá”

Vừa bị tiêu hủy 30 con heo nái trong đợt dịch tả lợn châu Phi, anh Trần Đức Vinh Quang ở xã Gia Kiệm, Đồng Nai chỉ còn trông chờ vào đàn heo thịt, mong bù lại thiệt hại. Có 400 con heo thịt trọng lượng gần 100 kg/con nhưng anh chưa định bán để chờ giá lên. “Với giá heo hiện tại, tôi sẽ nuôi lên từ 120 - 150 kg/con rồi mới bán. Heo hơn 100 kg thì mức tạo thịt sẽ nhanh hơn heo 100 kg, thị trường càng khan thịt heo thì heo giá nào cũng bán được”, anh Quang chia sẻ.

Theo một thương lái tại huyện Thống Nhất, nếu giá heo hơi tháng 8 dao động 30 nghìn đồng/kg (cỡ 100 kg/con), tháng 9 là 40 nghìn đồng/kg thì đầu tháng 10, mỗi ngày giá heo lại chênh lên “hai giá” (tức 2 nghìn đồng/kg). Nhưng để mua sản lượng nhiều cũng rất khó vì người nuôi chưa chịu bán. Một chủ trại heo ở xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất cho biết: “Cuối tuần trước thương lái vào bảo mua heo ở trại tôi là 50 - 52 nghìn đồng/kg. Qua hôm sau, họ lại chào giá 54 nghìn đồng/kg, đến sáng nay (ngày 8-10) thương lái chào mua ở mức 57 nghìn đồng/kg. Nhưng đến đầu giờ chiều, thương lái lại điện kêu sẵn sàng mua với giá 60 nghìn đồng/kg, nếu đồng ý thì cuối tuần sẽ vào cân hết”. Việc tăng giá heo trước đây chỉ dao động từ 500 đồng - 1 nghìn đồng/kg, cả tháng mới tăng một lần chứ không sốt giá như hiện tại.

Câu chuyện tăng giá heo bắt đầu từ việc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP thông báo tăng giá heo hơi lên thêm hai nghìn đồng /kg. Các thương lái sẽ căn theo giá của công ty để mua heo. Thường thì sẽ mua heo dưới từ một đến hai giá để bảo đảm có lãi. Nhưng hiện tại, thương lái sẵn sàng mua heo ở các trại cao hơn giá công ty từ hai đến năm giá tùy xấu đẹp.

Nếu trước người nuôi heo tranh bán, thì hiện nay thương lái đang tranh mua. Theo một đại diện của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo tại một số tỉnh Trung Quốc đã ở mức 90 nghìn đồng/kg, có tỉnh lên tới 100 nghìn đồng/kg. Cơn sốt khan hiếm thịt heo ở Trung Quốc, cộng thêm việc có thông tin Trung Quốc cho phép mua heo sống theo đường tiểu ngạch khiến giá heo từ bắc tới nam tăng mạnh.

Giá con giống cao và dịch bệnh cản trở tái đàn

Với khoảng 2.000 con, một nửa là heo thịt trong trại, ông Dân là một trong số ít hộ chăn nuôi may mắn ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất. Ông vừa bán đi 70 con heo thịt với giá 54 nghìn đồng/kg để giảm áp lực heo trong trại, hiện tại cũng chưa biết đàn heo của mình sắp tới sẽ ra sao. “Nhiều khi sau một đêm là mất sạch”, ông Dân lo lắng. Không có vaccine để tiêm nên nuôi heo giờ như đánh bạc, thắng chỉ chắc có một đến hai phần. Heo thịt thì còn đó nhưng liệu có bán được hết không hay bị dịch chết hết thì không biết. Tết có heo bán không ông cũng không dám chắc chắn. Theo một cán bộ thú y ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, hiện nay toàn xã chỉ có khoảng ba hộ dân có đàn heo nái trên 50 con, trong khi trước kia là hàng chục hộ có đàn nái hàng trăm con. Dịch tả lợn châu Phi khiến người dân không dám tái đàn.

Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho thấy, để tái đàn cần bảo đảm bốn yếu tố là chuồng trại ngăn được côn trùng, cách ly được môi trường, an toàn sinh học tuyệt đối và con giống. Trong đó, vấn đề giống cũng khiến người nuôi phải đắn đo khi tái đàn. Nếu trước đây giá heo giống chỉ khoảng 600 nghìn đồng/con (7 kg/con) khi cao giá là lên một triệu đồng/con. Nhưng với giá heo thịt như hiện tại, giá heo giống cũng tăng mạnh. “Hiện heo giống đang có giá 1,6 triệu đồng/con, tính hao hụt đầu con khi nuôi từ 7 kg lên 20 kg thì sẽ dao động khoảng hai triệu đồng/con. Chi phí thức ăn, thuốc… cho tới khi xuất chuồng thêm khoảng ba triệu đồng/con. Nếu ba tháng nữa heo chỉ bán được 50 nghìn đồng/kg trở lại thì người chăn nuôi lại mất vốn lần nữa”, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết.

Theo các nhà sản xuất và chế biến, những tháng đầu quý IV là thời điểm người chăn nuôi tăng đàn đón giá cho dịp cuối năm, còn các nhà chế biến thực phẩm từ thịt heo thì tranh thủ mua hàng, cấp đông để dự trữ nguyên liệu cho dịp Tết nhằm bình ổn giá cả. Nhưng với việc người chăn nuôi lo ngại dịch bệnh, việc thiếu nguồn cung có thể xảy ra. Trước dịch tả lợn châu Phi, theo thống kê tổng đàn heo của tỉnh Đồng Nai là 2,5 triệu con. Hiện nay, đã giảm 49%, chỉ còn khoảng 1,5 triệu con. Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh nhà là cần phải tái đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường và bình ổn giá cả tránh thiếu hụt heo dịp cuối năm. Nhưng với tình cảnh hiện tại rất khó để người nuôi chấp nhận đánh cược.

Giá thịt lợn trên thị trường biến động từng ngày. Khảo sát tại một số chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn tăng mạnh theo từng ngày, tăng hơn 10 nghìn đồng/kg so trước đây. Tại điểm chợ ở khu vực Xuân La, Nhật Tân, Tứ Liên, Đội Cấn… giá thịt ba chỉ dao động ở mức 115 - 120 nghìn đồng/kg; thịt sấn và chân giò 95 - 100 nghìn đồng/kg, sườn 120 nghìn đồng/kg. Các tiểu thương phải lùng mua khắp vùng, giá thịt lợn hơi mua ngay tại chuồng trại tăng cao chưa từng có, chạm mốc 60 nghìn đồng/kg. Nhiều tiểu thương đặt cọc tiền mua cả đàn mà các trại vẫn không chịu bán, vì giá thay đổi từng giờ.