Ghi từ bên sông Hàn

“Hải Châu ở yên không đi đâu, Thanh Khê là không về quê, Sơn Trà là không la cà, Liên Chiểu là chống dịch muôn kiểu, Ngũ Hành Sơn là ở nhà cảm ơn, Cẩm Lệ nhà nhà phòng vệ, Hòa Vang là không lang thang, Hoàng Sa là không qua loa, 43 sút bay Corona”. Đó là những khẩu hiệu tôi đang nghe mỗi ngày, ở giữa tâm dịch Đà Nẵng. 

Những suất cơm thiện nguyện được nhóm “Bếp ăn Đà Nẵng - Chung tay đẩy lùi Covid-19” chuẩn bị hằng ngày cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Kevin Nguyen cung cấp
Những suất cơm thiện nguyện được nhóm “Bếp ăn Đà Nẵng - Chung tay đẩy lùi Covid-19” chuẩn bị hằng ngày cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Kevin Nguyen cung cấp

1. Đã hơn một tuần từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên bùng phát trở lại Đà Nẵng sau 99 ngày bình yên. Từ tâm trạng bất an, lo lắng, giờ đây những người dân đang sống ở thành phố này lại hết sức bình tĩnh và trở nên yêu thương đùm bọc nhau hơn. 

Còn nhớ, ngày TP Đà Nẵng phát đi những thông báo đầu tiên về việc có ca nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là ngày 24-7, nhiều người thân đã liên lạc với tôi để hỏi thăm tình hình Đà Nẵng. Tâm trạng lo lắng, bất an là khó tránh. 

TP Đà Nẵng vốn bình yên. Khách du lịch đang trở lại đông đúc, ngành du lịch tươi sáng hơn khi đang khởi động lại hàng loạt chương kích cầu du lịch hấp dẫn. Bất ngờ, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến ai nấy ngỡ ngàng.

Thế nhưng ngay từ buổi chiều ngày 27-7, trên khắp các trang mạng xã hội, những bài viết chia sẻ, động viên, những hình ảnh cổ vũ tinh thần cho người dân Đà Nẵng được lan tỏa. Chúng tôi cùng đồng loạt thay đổi ảnh đại diện với hashtag “Đà Nẵng chung tay chống Covid-19”, dặn dò nhau chỉ mua lương thực đủ dùng và ở nhà cách ly để các lực lượng tuyến đầu sớm đẩy lùi đại dịch.

Những khẩu hiệu liên tục được chia sẻ khắp nơi động viên người dân Đà Nẵng chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Từ trong Bệnh viện C Đà Nẵng, một người bạn của tôi nhắn ra: “Trong này nhân viên tinh thần ổn định và tự tin, được nhân dân quan tâm không thiếu thốn thứ gì. Mong mọi người ở ngoài cẩn thận và giữ sức khỏe. Cả bệnh viện gắn kết như đang trên một con tàu vượt qua giông bão tiến về phía trước, chiến thắng em Covid vô hình”. 

Bạn tôi là bác sĩ chuyên ngành Y học cổ truyền. Dịch bùng phát bất ngờ khiến hơn 300 bác sĩ Đà Nẵng bị cách ly, nhân lực ngành y thiếu trầm trọng. Hầu hết các bác sĩ đều được huy động tăng cường chống dịch. Anh đã vào bệnh viện cùng các đồng nghiệp ngay từ ngày đầu tiên của đợt dịch mới. Những cuộc trò chuyện qua tin nhắn ngắn gọn, nhưng anh nói ở trong đó mọi việc vẫn ổn định: “Bệnh viện đang bình tĩnh, chủ động, đã dự trữ đủ lương thực thực phẩm bảo đảm cho hơn 500 bệnh nhân và gần 300 nhân viên y tế đang cách ly. Chúng tôi cũng phân chia thành lập các tiểu ban truyền thông, tiểu ban điều trị, tiểu ban hậu cần, đội vận chuyển hàng hóa và đưa bữa ăn đến từng phòng khoa để hạn chế đi lại tiếp xúc”. Thiếu nhân lực, anh bảo cả bác sĩ, điều dưỡng, đến giám đốc bệnh viện cũng xắn tay vào làm những công việc dù nhỏ nhất. Nếu công việc ngày thường của các y bác sĩ là điều trị cho bệnh nhân, thì trong thời điểm cách ly, mỗi y bác sĩ lại trở thành những “đầu bếp hoặc nhân viên” phục vụ từng suất ăn cho những người trong bệnh viện. Họ cũng lóng ngóng, cũng nhầm lẫn vì những chuyện bếp núc thông thường, nhưng rồi ai cũng nhanh chóng bắt nhịp với điều kiện sống mới. 

Câu chuyện của chúng tôi qua Zalo ngày hôm đó ngắt quãng vì anh còn phải chuẩn bị bữa trưa cho bệnh nhân. 

Ghi từ bên sông Hàn -0
Những chuyến xe chở đồ thiện nguyện xếp hàng để gửi vào ba bệnh viện đang cách ly. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG 

2. Như bao người dân khác, tôi cũng thực hiện công việc tại nhà và chấp hành nghiêm việc cách ly để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như xã hội. Chưa bao giờ sống chậm lại trở nên có ý nghĩa thế. Sống trong vùng dịch, ở nhà cách ly, thi thoảng tôi lại quan sát chung quanh để thấy được thành phố đang bình yên vắng lặng, khu chợ dưới nhà cũng không tấp nập như thường ngày, thật lâu mới có tiếng xe máy đi qua hoặc là chiếc xe của những chú dân phòng.

Thi thoảng tôi lại nghe tiếng loa phát thanh của phường vang lên thông báo về việc phòng, chống dịch Covid-19, thông tin về tình hình dịch bệnh, các phương án triển khai của thành phố, các cấp độ phòng, chống dịch, tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh bằng việc đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Ngay từ những ngày đầu tiên, phong trào thiện nguyện hỗ trợ lực lượng tuyến đầu lại mạnh mẽ hơn bao giờ. Nhiều đoàn, hội từ thiện vì Đà Nẵng được thành lập một cách nhanh chóng.

Trên Facebook, nhóm “Cùng Đà Nẵng chung tay chống dịch” của nhóm bạn Vinh Tran tổ chức tiếp nhận đồ từ thiện và tận tay phân phát đến các điểm khó khăn trên toàn thành phố. “Quỹ Vì thành phố đáng sống” của anh Thanh Pham cung cấp số lượng lớn lương thực và nhu yếu phẩm cho các bệnh viện đang cách ly. Nhà hàng của anh Phạm Lê Vân Long đăng ký nấu mỗi ngày 800 suất, hôm nay tăng lên hơn 1.000 suất/ngày phục vụ y bác sĩ... CLB từ thiện và BVQTE Hương Lam cung cấp những bữa ăn đêm cho các điểm lực lượng chốt chặn. Hay như ca sĩ Quang Hào kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức mua đồ bảo hộ cho lực lượng tuyến đầu, nhà báo Lê Phi kêu gọi hỗ trợ cho các đồng nghiệp đang lăn xả tác nghiệp ngoài hiện trường nhằm kịp thời đưa tin đến cho bạn đọc…

Các quỹ từ thiện không chỉ tập trung ở tuyến đầu mà còn chia sẻ tới các bệnh viện tuyến quận, huyện, các khách sạn đang được trưng dụng làm nơi cách ly và các khu ký túc xá - nơi có hàng nghìn sinh viên ở trọ.

Tôi đã nhìn thấy hình ảnh những chuyến xe từ thiện nối đuôi nhau vào các bệnh viện tiếp tế, từ chai nước cho đến bữa ăn, những chiếc nệm, cây quạt, cho đến hàng chục nghìn chiếc khẩu trang, đồ bảo hộ, trái cây rau củ, thậm chí là cả đồ dùng “riêng” cho chị em phụ nữ… Ở phía ngoài những khu cách ly, các bệnh viện, người dân thay nhau gửi từng ly cà-phê, ly nước cam, bó hoa tươi hay cả những lá thư đầy tình cảm, gửi tới các y bác sĩ… khiến ai nấy đều rưng rưng.

Có gia đình treo khẩu trang miễn phí trước nhà cho người đi đường, có những khách sạn miễn phí cho du khách, có người dân đang trong khu vực phong tỏa tự nguyện tham gia vào tổ tình nguyện phòng, chống dịch trong cộng đồng. Là hàng chục cán bộ, nhân viên chở những chiếc loa đi tuyên truyền về phòng, chống dịch khắp các kiệt hẻm trên địa bàn; là hình ảnh những tòa nhà cao tầng thắp lên hình trái tim hay dòng chữ “Tôi yêu Đà Nẵng”… Ở Bệnh viện C Đà Nẵng, có người dân còn mang mấy thùng khẩu trang, nước, bánh kẹo để trước cổng rồi lặng lẽ ra về, không cần lưu lại một dòng tên. Những hành động dù nhỏ, dù lớn đã góp phần tạo nên sự chia sẻ, đồng lòng cùng Đà Nẵng vươn lên đẩy lùi dịch bệnh.

Trong tâm dịch, riêng lực lượng đoàn viên, thanh niên khoảng hơn 5.400 bạn sẵn sàng xung phong “ra trận”, chia nhau gian khó để chung tay cùng thành phố. Những cử chỉ đẹp đẽ của người Đà Nẵng có lẽ không dừng lại ở đó mà còn là sự bình tĩnh: họ chia sẻ cho nhau từng địa chỉ mua khẩu trang, mọi người dặn dò, trấn an nhau, chúc nhau bình an.

Chưa bao giờ tôi thấy thành phố của tôi gắn kết đến thế. Đà Nẵng vẫn lạc quan. Cơn bão rồi sẽ qua thôi!