Đùm bọc nhau trên quãng đường dài

Từ thiện không phải là câu chuyện một hay hai chuyến đi. Ngay cả khi không có những thiên tai thảm họa bất ngờ, hoạt động từ thiện vẫn được nhiều người tiến hành âm thầm, dài hơi. Thế nhưng để có thể đi cùng những mảnh đời thiếu may mắn trên cả quãng đường dài, cần cái tâm và cả cái tầm trong một tổ chức chặt chẽ, bài bản. 

Gói cứu trợ gồm thực phẩm và dụng cụ vệ sinh cho mỗi gia đình.
Gói cứu trợ gồm thực phẩm và dụng cụ vệ sinh cho mỗi gia đình.

Kỳ 1: Những người không được phép khóc

Mỗi khi cùng ê-kíp xuống khảo sát, nắm rõ thực tế và ghi hình để giới thiệu về những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chị Nguyễn Thanh Phượng (Phó trưởng Ban Công tác xã hội và Chăm sóc sức khỏe, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh) thường bảo nhiều lần thấy tim đau thắt: “Buồn đứt ruột nhưng đâu dám khóc vì mình đóng vai trò người động viên mà. Mình khóc nữa thì người ta biết dựa vào ai?”.

Năm triệu đồng trong mơ

Ngày gặp lại nữ công nhân ốm yếu Vương Thị Tú Anh tại trụ sở để trao số tiền gần chín triệu đồng mà chương trình “Nơi yêu thương ở lại” (Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh) vừa kêu gọi được từ cộng đồng, giọng nói của chị Nguyễn Thanh Phượng rộn ràng như hát: “Có tiền hỗ trợ em mua thuốc rồi đây Tú Anh ơi! Cố lên nha em. Mọi người vẫn đồng hành cùng em”. 

Mới ngày nào, lần đầu nhìn thấy Tú Anh tại căn phòng trọ ọp ẹp ở quận Bình Tân, chị Phượng thở dài: “Thương lắm nhưng phải cố mạnh mẽ, rồi tìm cách vận động hỗ trợ càng nhiều càng tốt. Làm nghề này mới thấy chung quanh mình nhiều người bế tắc lắm. Không còn nhà để ở, bản thân bệnh tật thiếu tiền chữa trị nhưng họ vẫn cố gắng đi làm nuôi con, sự sống rất mãnh liệt, mình thấy vậy không giúp không được”.

Chị Vương Thị Tú Anh, người mẹ đơn thân mắc chứng suy tủy xương vô căn nhận lấy phong bì đựng tiền do nhà hảo tâm hỗ trợ, mừng rơi nước mắt. Nước mắt ngày hôm ấy rơi nhiều hơn mọi khi, nhưng là nước mắt của hạnh phúc vì chị biết mình không lẻ loi đối đầu nghịch cảnh. Là công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với tổng thu nhập chưa tới sáu triệu đồng/tháng, trừ tiền trọ, tiền ăn học của con, số tiền còn lại chẳng thấm vào đâu cho căn bệnh cần quá nhiều thuốc điều trị ngoài danh mục bảo hiểm. Tiền thuê trọ, điện nước, rồi tiền con ăn học... mọi thứ đè nặng đôi vai.

Bệnh làm cơ thể gầy rộc, gương mặt hốc hác, chị thường xuyên ngất xỉu trong giờ làm do đuối sức. Mệt mỏi nhưng không dám nghỉ làm vì hai mẹ con biết nương tựa vào ai khi ông bà ngoại đã mất, gia đình mỗi người một nơi. Bữa trưa ăn cơm với đồng nghiệp xong, trên bàn còn dư món gì, chị nói mọi người rồi gói ghém cẩn thận cất vào hộp, phần bữa tối. 

Nhiều lúc chị Tú Anh nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời tối tăm này nhưng rồi nhìn đứa con gái nhỏ, chị lại nuốt nước mắt, nén cơn đau đứng dậy dọn nhà, đi làm, vét từng đồng trị bệnh. Chị nói trong nước mắt: “Em mừng khi được cứu sống. Lâu lắm rồi em chưa đi mua thuốc, đâu có tiền mua hết đơn. Thấy em bệnh nặng mấy năm nay, người quen viết đơn xin hỗ trợ. Lần mấy anh chị xuống khảo sát, em cũng lo không biết có được chọn giúp không. Hôm bữa chưa quyên góp, mấy anh chị xuống cùng mạnh thường quân cũng gửi em năm triệu, phường cho thêm hai triệu rồi có gạo, có mì, hai mẹ con em cảm động lắm. Lúc ký vào giấy nhận tiền, em dụi mắt mấy lần, sợ mình mơ”. 

Gần 20 năm làm công tác xã hội, những trường hợp khó khăn như bà mẹ trẻ Tú Anh, chị Phượng gặp nhiều đến mức không thể nhớ nổi. Chị chỉ nhớ, dặn bản thân trong mỗi trường hợp đều tìm hiểu kỹ, giúp đỡ hết mình. Kêu gọi thông qua chương trình, kêu gọi bạn bè, người thân chung tay và thường xuyên trích lương tặng quà cho bà con lúc ngặt nghèo, với chị đó là niềm vui lớn. Chị nói công việc nhân đạo này lạ lắm, lên kế hoạch A, xuống đến nơi thành kế hoạch B là bình thường. Vậy nên cán bộ phụ trách phải linh hoạt và biết cách làm việc, gắn kết với địa phương, rà soát thận trọng vì tiền mạnh thường quân tin tưởng đặt vào tay, chi sai là lỗi lầm lớn lắm. Mỗi lần đi thăm người nghèo, ít nhiều gì chị cũng chuẩn bị quà, lúc thì mì tôm, khi gạo mắm. Thấy người đàn ông bán cà-phê vỉa hè trước cơ quan bị tai biến không tiền chữa trị, lục lại mọi mối quan hệ có thể gửi gắm, chị giới thiệu anh đến vật lý trị liệu tại một phòng khám ở quận 8 với chi phí rất thấp. Chị còn bỏ tiền túi mua bảo hiểm y tế cho anh mấy năm nay. Hôm rồi, ra uống cà-phê ủng hộ, chị Phượng nghe anh nói “Tui làm phiền cô Phượng hết năm nay thôi nha” mà mừng. Chị mừng không phải vì hết gánh nợ mà biết trong giọng nói khỏe mạnh ấy đã có thêm nghị lực sống. 

Gác việc riêng lo sẻ chia chung

Cũng như những đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Mỹ Loan (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã đồng hành với những mảnh đời khó khăn nhiều năm nay. Những ai chọn gắn bó với hoạt động nhân đạo, công tác từ thiện, công tác xã hội đều luôn chuẩn bị tâm lý thời gian ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Mức lương eo hẹp, đi lại liên tục, làm bao việc không tên nên phải yêu nghề, thương người lắm họ mới đủ sức lực, niềm tin để đi đường dài.

Vừa vượt qua được đại dịch Covid-19 nửa đầu năm thì nửa cuối năm, hàng triệu người dân miền trung lại tiếp tục phải đối mặt với thiên tai, thảm họa liên tiếp. Những ngày cuối tháng 10, gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Loan cũng như bao bà con ở thị trấn Cam Lộ phải gồng mình chống chọi trước bốn cơn bão lớn. Thế nhưng chị đã tạm gác việc gia đình, ròng rã 17 ngày liền tích cực tham gia cứu trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả tại vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Trị. Trên địa bàn chị công tác có hơn 10 nghìn hộ dân bị ngập lụt, có hộ ngập đến nóc nhà, có hộ ngập lần thứ tư. 

Gần như các thành viên Đội phản ứng nhanh Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Cam Lộ mấy đêm không về nhà, thức trắng làm việc trong mưa lũ. “Chỉ có đi xuống cơ sở, đến với những vùng ngập lũ, đến với các hộ gia đình mới có thể tường tận và thấm thía những khó khăn thiếu thốn của bà con. Từ ấy, cũng càng thấy trân quý tấm lòng và sự sẻ chia của tất cả mọi tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước dành cho người dân vùng lũ Quảng Trị”, chị nói. Trong đội phản ứng nhanh CTĐ huyện Cam Lộ có một thành viên đang có con nhỏ, một bác tình nguyện viên đã ngoài 50 tuổi vẫn hăng hái xung phong tham gia, có hôm dầm mưa cả ngày không kịp và một miếng cơm vì vội đi đưa thức ăn, nước uống đến cho những người dân trong vùng bị cô lập. Do là điểm tiếp nhận hàng cứu trợ của các đơn vị, các đoàn thiện nguyện nên bất kể ngày đêm, cứ có xe của chở đồ đến ủng hộ là các thành viên CTĐ luôn sẵn sàng túc trực để bốc hàng, nhận hàng. Họ cũng chính là những người trực tiếp có mặt ở vùng bão, lũ cùng các đoàn tìm kiếm, đánh giá nhu cầu của bà con các khu vực chia cắt đang cần gì, thiếu gì để phân phối cho hợp lý hàng hóa cứu trợ. 

Cán bộ CTĐ còn có trách nhiệm nặng nề hơn, không chỉ lo cho mình mà còn lo cho sự an toàn của bà con, của các đoàn cứu trợ. Trên thực tế, chị Loan chia sẻ, nhiều thành viên CTĐ tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn đối mặt rủi ro trước nguy cơ sạt lở khi vào cứu trợ bà con bị cô lập. Khó khăn trong vùng ngập lụt là khó khăn chung, các tình nguyện viên ở cơ sở cũng đều có hoàn cảnh thiếu thốn tương tự, có hội viên nhà cũng bị ngập sâu gần như mất toàn bộ tài sản, có hộ nuôi cá, nuôi tôm thì mất trắng theo lũ... nhưng vượt lên trên tất cả, họ vẫn tham gia hỗ trợ và công tác cứu trợ, cứu nạn, di dời bà con, phân phối lương thực, thực phẩm. 

“Chiến sĩ đỏ” âm thầm

Sau những ngày “trực chiến” cứu trợ thiên tai, khi lũ đi qua, Hội CTĐ lại tiếp tục triển khai các chương trình công tác nhân đạo mới góp phần hỗ trợ bà con khắc phục và ổn định cuộc sống. Sau khi nước lũ rút, các hội viên đã huy động lực lượng, thành lập đội hình tình nguyện tổ chức dọn vệ sinh các tuyến đường, các hội quán thôn, tham gia công tác tổng vệ sinh các trường học, nơi công cộng.

“Không quản ngại nắng mưa, bão lũ để đến giúp đỡ người khó khăn với tinh thần ở đâu có người cần giúp đỡ là ở đó có cán bộ, hội viên mầu áo CTĐ”, đó là lời khẳng định chắc nịch của chị Nguyễn Thị Thanh Yến, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), đơn vị đã tổ chức thành công nhiều phong trào kêu gọi, vận động và cứu trợ tại miền trung trong đợt mưa lũ vừa qua. 

Trên thực tế, nhiều hội viên CTĐ cơ sở làm vì cộng đồng nhiều năm, gia đình cũng nằm trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi tiếp nhận hàng trợ cấp thì chỉ có thể chia cho đúng đối tượng, thậm chí khi phân bổ khó tránh được những dị nghị, hoài nghi. Với trách nhiệm công việc, cũng không ai kể đến khi họ vội vã đi những chuyến xe đêm, gửi con nhỏ, gác việc nhà, vào vùng mưa lũ để kịp trao cho bà con những thùng hàng cứu trợ giúp bà con thoát đói, thoát rét. Hoạt động nhân đạo tổ chức liên tục, thường xuyên, định kỳ với các đối tượng thụ hưởng trải dài từ vùng sâu, vùng xa, gia đình neo đơn đến các bệnh nhân hiểm nghèo… Ở đâu cũng có những người tìm kiếm hỗ trợ, nơi nào có các mạnh thường quân sẵn sàng chia sẻ thì cũng cần có những người chung vai gánh vác, kết nối những tấm lòng tương thân, tương ái đến đúng địa chỉ cần thiết.

(Còn nữa)