Đồng bộ đường sá đồng bằng sông Cửu Long

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến ngày 4-1-2021. Dự kiến, tuyến Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang); bến phà Rạch Miễu tạm, nối hai huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) 
và Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) sẽ hoạt động trước Tết Nguyên đán...

Cầu Cao Lãnh hoàn thành kết nối các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: KHIẾU MINH
Cầu Cao Lãnh hoàn thành kết nối các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: KHIẾU MINH

Tết này đi lại sẽ đỡ khổ

Tết Nguyên đán những năm trước, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… chen nhau trên những con đường cũ, nhỏ về quê. Dịp đó, quốc lộ 50, quốc lộ 1 hay cầu Rạch Miễu vượt sông Tiền… chật cứng người và phương tiện.

Chị Lê Kim Khánh (43 tuổi, quê ở xã An Phúc, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Nhiều năm qua, đường về miền Tây trong những dịp lễ, Tết đều kẹt cứng, di chuyển rất vất vả. Ngày thường mất khoảng sáu tiếng di chuyển nhưng những ngày này thì mất tầm bảy đến tám tiếng”.

Mong ước đi lại thuận lợi của chị Khánh cũng là nỗi niềm của người dân vùng ĐBSCL bao năm nay. Việc thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngay đầu dịp Tết Dương lịch 2021 đã phần nào thỏa lòng người dân. Ngày 4-1-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, nối tiếp tuyến cao tốc dài 40 km từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Tiền Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, UBND tỉnh đã nỗ lực cùng nhà thầu vượt nhiều khó khăn, triển khai 31/36 gói thầu, đạt 75% tổng khối lượng công việc, đúng tiến độ Chính phủ giao. Trong năm ngày trước và năm ngày sau Tết Nguyên đán, đơn vị thi công sẽ cho xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn lưu thông tạm trên tuyến, phục vụ việc đi lại của người dân.

Cùng thời điểm đầu tháng 1-2021, hàng trăm công nhân đang gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng trên tuyến cao tốc thứ hai của vùng ĐBSCL là tuyến Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang), quy mô bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) cho biết, sau bốn năm thi công, dự án đã hoàn thành 97% khối lượng công việc, sẽ thông tuyến trước Tết.

Còn tại tỉnh Bến Tre, công trình bến phà Rạch Miễu tạm vượt sông Tiền sang tỉnh Tiền Giang đã đạt hơn 60% khối lượng công việc. Trên công trường, các công nhân khẩn trương xây dựng đường xuống bến, lắp bến nổi hình bát giác trọng tải 500 tấn... Theo Sở GTVT tỉnh Bến Tre, các đơn vị đã tổ chức thi công cả ngày lẫn đêm. Dự kiến trước ngày 27-1 (tức ngày 15 tháng Chạp), ba chiếc phà loại 100 tấn sẽ hoạt động, đưa người và phương tiện từ TP Hồ Chí Minh về miền Tây và ngược lại, không phải dồn vào cầu Rạch Miễu.

Song song việc đưa tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào sử dụng tạm, trong dịp Tết này, đơn vị thi công vẫn huy động hàng nghìn công nhân tiếp tục thi công các hạng mục còn lại, phấn đấu sớm hoàn thành công trình. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Hồ Minh Hoàng khẳng định: “Chúng tôi cam kết đưa công trình vào khai thác toàn bộ đúng dịp 30-4-2021”.

Theo TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), đến hết năm 2020, vùng ĐBSCL đã có bước phát triển vượt bậc về hạ tầng giao thông. Cụ thể, hoàn thành một số cầu lớn trên các tuyến quốc lộ như: Cao Lãnh, Vàm Cống, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Mỹ Lợi… rút ngắn, tạo thuận lợi cho các địa phương trong vùng kết nối bằng đường bộ. Từng bước hình thành tuyến đường Hồ Chí Minh (tuyến N2) trong vùng song hành, hỗ trợ cho quốc lộ 1 (đoạn Cao Lãnh - Vàm Cống, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi); nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ. Hoàn thành đầu tư một số tuyến liên kết nội vùng, liên vùng mới như: Hành lang ven biển phía nam kết nối Cà Mau với Campuchia; đường Nam Sông Hậu; Quản Lộ - Phụng Hiệp…

Kết nối liên hoàn

Ngày 4-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, một trong những thành phần quan trọng của tuyến đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào sử dụng năm 2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành năm 2021; cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành năm 2023. “Do vậy, việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đưa vào sử dụng trong năm 2023 là hết sức cần thiết”, ông Nguyễn Nhật khẳng định.

Ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nhấn mạnh: “Tuyến cao tốc hoàn chỉnh sẽ kết nối liên hoàn từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, giúp giảm chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, nông, thủy sản vùng ĐBSCL, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng”.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, có tổng chiều dài 17,5 km, tổng mức đầu tư hơn 5.123 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Cùng thời điểm này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang phối hợp cùng các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng nghiên cứu dự án xây dựng hệ thống cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 vượt sông Hậu. Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 15,2 km, gồm đường dẫn hai bờ và bảy cầu, với mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng.

Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, định hướng đến 2050 sẽ góp phần hoạch định kết cấu hạ tầng giao thông với vai trò trụ cột giúp châu thổ Cửu Long phát triển một cách bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa phát triển của cả nước. Đến nay, các quy hoạch trên đều đã hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, đang tổng hợp xin ý kiến các địa phương, bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng phê duyệt với các định hướng phát triển chính trong vùng. Theo đó, từng bước hình thành mạng lưới cao tốc trong vùng với vai trò chiến lược cho phát triển vùng.

“Để tăng cường đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL trong việc triển khai các dự án mang tính chất kết nối vùng. Đồng thời, nghiên cứu bố trí một khoản mục ngân sách nhà nước để bảo đảm triển khai các dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch vùng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các giải pháp mới, vật liệu mới nhằm bảo đảm tính bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu của các dự án trong vùng”, TS Lê Đỗ Mười kiến nghị.

Theo kế hoạch của Bộ GTVT trình Chính phủ, từ nay đến năm 2025, Bộ sẽ đầu tư bảy dự án đường cao tốc tại vùng ĐBSCL, nâng độ dài cao tốc trong vùng từ 40 km hiện tại lên 300 km. Bộ đang hướng tới tập trung xây dựng bốn trục giao thông dọc, bốn trục ngang nhằm tạo mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng giai đoạn tới.